Thanh Hóa sẽ cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành “tứ giác” kinh tế
Kinh tế 24/06/2020 08:43
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã thông báo 3 nội dung Ban Chỉ đạo 218 và Ban Kinh tế Trung ương sẽ trình Bộ Chính trị thời gian tới gồm: Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các phụ lục; Dự thảo Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết.
Tờ trình có nội nội dung đánh giá về kết quả Thanh Hoá đạt được thời gian qua, đặc biệt là 3 đột phá trong phát triển kinh tế, bao gồm: Đột phá về tăng trưởng kinh tế; đột phá về thu ngân sách tăng rất cao kể từ năm 2010 trở lại đây, đặc biệt, tỷ lệ thu nội địa cao, bền vững; đột phá về thu hút vốn đầu tư, nhất là thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Dự thảo nêu rõ 9 giải pháp trọng tâm và 3 đề xuất, trong đó các đề xuất bao gồm: Một là đề xuất Bộ Chính trị xem xét thông qua Báo cáo Đề án phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 và ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó, bản Dự thảo khẳng định, sự phát triển nhanh và bền vững của Thanh Hoá sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển nhanh và bền vững của cả nước bởi với tư cách là một cực tăng trưởng mới, Thanh Hoá sẽ cộng hưởng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh có những tác động lôi kéo, thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; giảm áp lực cho Hà Nội về cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội; giảm áp lực cho ngân sách Trung ương một khi Thanh Hoá cân đối được ngân sách; trở thành hình mẫu cho các tỉnh khác về sự kết hợp giữa phát triển nhanh và bền vững; giữa phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh và về sự phát triển cân đối giữa các vùng miền cũng như đảm bảo sự đoàn kết giữa các dân tộc.
Hai là đề xuất Bộ Chính trị chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo: Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, phân cấp quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế cho tỉnh Thanh Hóa phù hợp với vai trò, vị trí của tỉnh về đảm bảo tính tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nuớc trình Quốc hội ban hành; các bộ, ngành nghiên cứu và giải quyết các đề xuất của tỉnh Thanh Hoá.
Ba là Đảng bộ Thanh Hoá chuẩn bị thật kỹ đề án về cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý cho tỉnh phù hợp với vai trò một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tô quốc; là một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; dịch vụ logistics, du lịch, đào tạo nghề, y tế chuyên sâu và văn hoá, thể thao trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội.
Bản Dự thảo tờ trình cũng chỉ ra mục tiêu đến năm 2030, Thanh Hoá trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; là một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; dịch vụ logistics, du lịch, đào tạo nghề, y tế chuyên sâu và văn hoá, thể thao; một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc. Đến năm 2045, Thanh Hoá là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; là tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Ban Kinh tế Trung ương đã thống nhất với tỉnh Thanh Hoá kế hoạch tổ chức hội thảo khoa học về Đề án trong thời gian tới.
Cũng tại buổi làm việc, Thường trực, Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã góp ý chỉnh sửa, bổ sung một số ý, làm cơ sở để Tổ biên tập bổ sung vào tờ trình trình Bộ Chính trị. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến mong Ban Kinh tế Trung ương và các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện sớm dự thảo đề án, tờ trình để trình Bộ Chính trị quyết định tạo động lực cho Thanh Hóa cất cánh trong tương lai.