Giám sát chặt thị trường bất động sản, vàng, chứng khoán
Kinh tế 10/10/2024 09:23
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã khái quát lại 10 nhóm kết quả nổi bật của tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng vàước tính cả năm 2024.Trong đó, tăng trưởng kinh tế cao hơn các mục tiêu đề ra, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát, nợ công, nợ Chính phủ thấp hơn khá nhiều so với chỉ tiêu cho phép.
Theo đó, tốc độ tăng GDP quý sau cao hơn quý trước. Quý III/2024, ước đạt 7,4% so với cùng kì, tính chung cả 9 tháng là 6,82%, thuộc nhóm dẫn đầu thế giới và khu vực. Một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của bão số 3 vẫn giữ được đà tăng trưởng 9 tháng cao như Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng cả năm đạt, vượt 7%. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng 3,88%, trong bối cảnh thực hiện tăng lương từ ngày 1/7, điều chỉnh giá một số dịch vụ; cả năm ước tăng 4,5%. Tính chung 9 tháng, kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tăng lần lượt 16,3%, 15,4% và 17,3% so với cùng kì. Xuất siêu ước đạt 20,8 tỉ USD. Tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục phục hồi, đầu tư tư nhân tăng 7,1%.
Đặc biệt, thu hút FDI tiếp tục là điểm sáng. Tổng vốn FDI đăng kí 9 tháng khoảng 24,8 tỉ USD, tăng 11,6% so với cùng kì, trong đó, vốn FDI thực hiện khoảng 17,3 tỉ USD, tăng 8,9%, cao nhất từ năm 2021 đến nay.
Chính phủ dự kiến năm 2025 có 15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7-7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31-33 thế giới về quy mô GDP. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%; tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5,3-5,5%...
Trên cơ sở này, Chính phủ đề ra 12 nhóm giải pháp như ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng theo hướng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lí, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức triển khai tích cực các dự luật sau khi Quốc hội thông qua...
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, bên cạnh kết quả đạt được, cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra những tồn tại, thách thức. Trong đó, thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi, nhưng còn khó khăn. Giá đất nền tại các quận nội thành và ven đô Hà Nội có dấu hiệu tăng nhanh trở lại, nhất là đối với các huyện có thông tin lên quận. Đặc biệt, tái diễn tình trạng “bỏ cọc” sau khi trúng đấu giá, tác động tiêu cực đến mặt bằng giá và thị trường nhà ở.
Ngoài ra, việc quản lí thị trường vàng còn nhiều bất cập, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỉ giá. Rủi ro an ninh mạng đối với hệ thống tài chính Việt Nam trở nên thường trực và hiện hữu với hậu quả khó lường.Cùng với đó, thanh khoản thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể, song vẫn đối mặt với nhiều thách thức để trở thành một kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế, chia sẻ vai trò cung ứng vốn với hệ thống ngân hàng.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, những tháng cuối năm và năm 2025, Chính phủ cần tăng cường quản lí, giám sát thị trường vàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.Nghiên cứu thực hiện các giải pháp để hướng đến sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ cho việc huy động vốn của doanh nghiệp.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá, thị trường vàng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, dù Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo Ngân hàng thương mại điều chỉnh giá vàng trong nước. Do đó,Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo quản lí, chấn chỉnh để thị trường vàng trong nước và quốc tế có mức giá không quá chênh lệch nhau…