Già làng ở vùng biên xứ Quảng
Tuổi cao gương sáng 30/04/2024 09:04
Những năm qua, tỉnh Quảng Nam thường xuyên quan tâm hỗ trợ đội ngũ già làng, người có uy tín. Qua đó, phát huy vai trò của các già làng, người có uy tín trong tuyên truyền thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), lên bất cứ thôn, bản nào của các xã biên giới Quảng Nam cũng đều có những già làng, trưởng bản và người có uy tín. Họ chính là hạt nhân gương mẫu, chung tay cùng chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, chung sức, chung lòng xây dựng vùng biên giới ngày càng giàu đẹp, yên bình.
Các già làng cũng là đầu tàu để gìn giữ và phát triển văn hóa dân tộc. |
Trên địa bàn huyện biên giới Nam Giang có 28 già làng và người có uy tín, giữ vai trò quan trọng đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Họ vận dụng phong tục, tập quán để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong xã hội; vận động người dân thực hiện có hiệu quả các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ở huyện biên giới vùng cao Tây Giang có 69 già làng tiêu biểu, 70 người có uy tín. Đây là những “hạt nhân” gương mẫu, chung tay cùng chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; chung sức, chung lòng xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp.
Những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới Việt - Lào luôn được ổn định; cùng với đó, đời sống Nhân dân không ngừng được nâng lên. Đó là kết quả sau nhiều nỗ lực của chính quyền các cấp, và có vai trò của già làng trưởng bản, những người có uy tín. Nhiều già làng như già A Lăng Nhứch, già làng A Lăng Đàn, già Alăng Bhưm, già làng Bríu Pố,… bằng tinh thần nêu gương, tiên phong “giữ lửa” các làng nghề truyền thống, góp sức bảo tồn các giá trị truyền thống tốt đẹp của cộng đồng. Ngoài ra, nhiều người uy tín còn là điển hình trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết, tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia.
Đồng bào Cơ Tu thôn Anoonh, xã A Nông luôn xem già Alăng Bhưm là chỗ dựa tin cậy. Họ được già Alăng Bhưm chỉ dạy từ việc tỉa bắp, trồng lúa nước, đến việc cưới xin, ma chay trong thôn. Già Alăng Bhưm luôn tận tình hướng dẫn dân làng phát triển kinh tế, vận động bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu và xây dựng nếp sống văn hóa. Già Alăng Bhưm phấn khởi bảo: “Việc cưới xin, tang ma của bà con ở thôn bây giờ chỉ còn tổ chức trong một ngày một đêm, không kéo dài đến 3-4 ngày, hay giết mổ nhiều trâu bò như trước đây. Nạn tảo hôn, thách cưới, bắt rể không còn diễn ra. Cái bụng mình mừng lắm”.
Tại xã Lăng có già làng Bríu Pố, người được bà con gọi là “Người Cơ Tu minh triết”. Già làng Bríu Pố là người tiên phong trồng cây ba kích cũng như các cây ăn quả như: Bưởi, quýt, cam, trồng cỏ chăn nuôi hàng chục con bò và cải tạo khe suối làm ao nuôi cá. Học tập cách già Bhríu Pố và được già hỗ trợ, phong trào trồng ba kích, làm trang trại trồng cây ăn trái, chăn nuôi của bà con các dân tộc ở Tây Giang triển khai rộng khắp, giúp bà con cải thiện đời sống. Xã Lăng trở thành một trong những xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) đầu tiên ở các huyện miền núi Quảng Nam. Già làng Bríu Pố còn tích cực vận động Nhân dân tham gia các phong trào do Bộ đội Biên phòng phát động như: Phong trào quần chúng tự quản đường biên cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn bản; phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới; công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giải quyết những bất đồng trong nội bộ Nhân dân…
Còn già làng A Lăng Đàn, ở xã A Nông không chỉ tích cực trong công tác xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, già còn là tấm gương trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM, làm hình mẫu cho bà con thôn bản noi theo. Đặc biệt, để góp phần xây dựng NTM, già làng A Lăng Đàn đã hiến gần 10ha đất của gia đình đang trồng lúa và thả cá để làm mặt bằng trụ sở UBND xã, trường tiểu học, trạm y tế, khu dân cư, sân vận động… giúp xã A Nông sớm cán đích nhiều tiêu chí NTM. Noi gương già làng A Lăng Đàn, nhiều người dân trong xã đã hăng hái tham gia hiến đất, mở đường và xây dựng NTM.
Còn rất nhiều già làng tiêu biểu ở huyện vùng cao biên giới phía Tây xứ Quảng như già A Lưng Nhắp, ở xã GaRy; già Cơ Lâu Blừa, ở xã Trhy; già Blúp Ứ, ở xã A Tiêng, già Bling Rêu, ở xã A Vương; già Pơ Loong Jím, ở xã A Xan… luôn gương mẫu đi đầu, thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực vận động Nhân dân xây dựng thôn bản, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, giữ gìn an ninh trật tự địa bàn. Từ những chính sách dân tộc và sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự nhiệt tình của già làng, trưởng bản và người có uy tín, cuộc sống của bà con ở huyện biên giới Quảng Nam ngày càng khởi sắc.
Bên cạnh đó, nhiều già làng còn là nghệ nhân, những người “giữ lửa” các làng nghề truyền thống, như cánh tay nối dài đắc lực phối hợp với chính quyền trong việc phổ biến pháp luật đến cộng đồng dân cư. Trong những năm qua, công tác dân tộc, thực hiện các chính sách dân tộc đã có nhiều đổi mới, góp phần củng cố và tăng cường hơn nữa niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lí điều hành của Nhà nước. Đồng bào các DTTS luôn đoàn kết, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đóng góp xứng đáng công sức của mình vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng quê hương ổn định, phát triển; trong đó có một phần đóng góp không nhỏ của các già làng, người có uy tín.
Ông Hà Ra Diêu, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho biết, toàn tỉnh hiện có 397 già làng, người có uy tín cấp tỉnh, ngoài ra còn có đông đảo người có uy tín cấp huyện, xã được người dân bầu chọn. Già làng trưởng bản, người có uy tín họ là những cánh tay nối dài của Đảng, Nhà nước để tuyên truyền, vận động bà con vùng đồng bào DTTS không những về chủ trương, chính sách của Đảng, còn là bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương. Những năm gần đây, diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh Quảng Nam có nhiều khởi sắc, đời sống người dân từng bước được nâng cao, văn hóa truyền thống của các dân tộc được gìn giữ và phát huy... Những kết quả đó, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, có đóng góp không nhỏ của đội ngũ già làng, người có uy tín trong đồng bào các DTTS.