GFS chắp cánh giấc mơ bay cao cùng các tài năng khoa học công nghệ Việt
Tin tức 16/05/2019 16:47
Tối 14/5, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Lễ Tổng kết và trao giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam - WIPO năm 2018. Tham dự buổi lễ, có sự hiện diện của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo một số bộ, ban, ngành và đông đảo các nhà khoa học tới từ khắp mọi miền đất nước.
Tiếp nối thành công của các năm trước, giải thưởng Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam VIFOTEC 2018 đã thu hút đông đảo sự quan tâm của các nhà khoa học. Trong năm nay, ban tổ chức đã tiếp nhận 101 công trình tham dự, được chia thành 6 lĩnh vực chính bao gồm: Cơ khí - tự động hóa (20 công trình); Công nghệ Vật liệu (12 công trình); Công nghệ Thông tin, Điện tử, Viễn thông (14 công trình); Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống (29 công trình); Công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên (13 công trình); Công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới (13 công trình). Các bài dự thi đều được nhận xét là có nội dung tốt, sáng tạo, thể hiện sự nghiên cứu nghiêm túc, công phu của tác giả.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao Bằng khen của Thủ tướng cho các tác giả đoạt giải. |
Từ 101 bài dự thi, Ban tổ chức đã lựa chọn ra 45 công trình nổi trội nhất để trao giải. Trong đó có: 4 giải Nhất, 11 giải Nhì, 14 giải Ba, 16 giải Khuyến Khích. Được đánh giá là những công trình có ý tưởng tốt, tính thực tiễn cao và đóng góp hiệu quả trong quá trình cải thiện lao động sản xuất của các đơn vị, 4 giải Nhất được trao cho 4 tác giả và nhóm tác giả xứng đáng, gồm:
- Công trình "Nghiên cứu cải tiến xe thiết giáp bánh lốp BTR - 152 thành xe thiết giáp cứu thương phục vụ nhiệm vụ gìn giữ hòa bình" của tác giả TS. Trần Hữu Lý, Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự - Tổng cục kỹ thuật - Bộ Quốc phòng.
- Công trình "Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xác định vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp và phát hiện gen kháng kháng sinh" của tác giả PGS. TS. Lê Hữu Song, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 - Bộ Quốc phòng.
- Công trình "Nghiên cứu thiết kế, chế tạo, sản xuất coppha nhựa khung thép" của tác giả Nguyễn Xuân Thủy, Công ty CP thiết kế và phát triển công nghệ xây dựng SPAN.
- Công trình "Nghiên cứu thu hồi giàn chống và các thiết bị trong lò chợ cơ giới hóa đồng bộ sử dụng cáp thép kết hợp với lưới thép thay thế cho các phương pháp thu hồi truyền thống đảm bảo an toàn, hiệu quả tại Công ty CP than Hà Lầm - Vinacomin" của tác giả ThS. Trần Mạnh Cường, Công ty CP than Hà Lầm - Vinacomin.
Đặc biệt, hai công trình của TS. Trần Hữu Lý và PGS. TS. Lê Hữu Song vinh dự được Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới trao giải WIPO 2018.
Nhìn vào những công trình đạt giải năm nay, có thể nhận ra rằng chất lượng của các bài dự thi giải thưởng VIFOTEC đã không ngừng nâng cao và được đầu tư ngày càng bài bản. Không chỉ dừng lại ở những kế hoạch trên giấy tờ, các công trình đã đi sâu sát vào thực tiễn, giúp ích rất nhiều trong cuộc sống.
Giải thưởng VIFOTEC không chỉ thúc đẩy phong trào thi đua nghiên cứu sáng tạo khoa học, công nghệ trong đội ngũ các nhà khoa học, cán bộ làm nghiên cứu, các doanh nghiệp, mà còn góp phần thúc đẩy hiệu quả đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
Ý thức được vai trò quan trọng này, trong quá trình phát động nhiều năm qua, Quỹ VIFOTEC đã nhận được sự ủng hộ của không chỉ các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các Bộ, ban, ngành mà còn từ rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp trên phạm vi cả nước. Là một thành viên của Hội đồng bảo trợ Quỹ VIFOTEC, Tập đoàn GFS đã có những đóng góp thiết thực như hỗ trợ cho các hoạt động sáng tạo khoa học công nghệ thông qua Quỹ VIFOTEC; trao giải thưởng cho các em đoạt giải Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc, Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc, Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam…
Đúng như ông Phạm Thành Công, Chủ tịch Tập đoàn GFS đã nhận định: “Là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đồng thời là thành viên của Tập đoàn GFS nên con đường từ khoa học tới sản xuất của Viện Công nghệ GFS là rất ngắn”. Tại GFS, Tập đoàn đã thành lập Viện Công nghệ GFS – trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, thể hiện quyết tâm, ưu tiên của Tập đoàn trong việc nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, đồng thời ứng dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại vào đời sống thực tiễn và sản xuất. Cùng với bất động sản, nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao, khoa học công nghệ là một những lĩnh vực đầu tư mũi nhọn của GFS.
Ông Phạm Thành Công, Chủ tịch Tập đoàn GFS (ngoài cùng bên trái) nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. |
Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học của Viện Công nghệ GFS đã tích cực, chủ động hợp tác cùng các nhà khoa học trong và ngoài nước tích hợp các công nghệ hàng đầu trong các lĩnh vực mũi nhọn của nền kinh tế, đặc biệt đi thẳng vào các nhu cầu bức thiết của Việt Nam như công nghệ được ứng dụng trong nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao, công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng, công nghệ vật liệu mới vermiculite, công nghệ Neoweb, công nghệ xử lý nước sinh hoạt và nước thải môi trường, công nghệ vi sinh,… Với những thành tích đặc biệt xuất sắc và đóng góp tích cực cho hoạt động hỗ trợ cho các tài năng sáng tạo, ông Phạm Thành Công, Chủ tịch Tập đoàn GFS đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại Lễ Tổng kết và trao Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam năm 2016.
Không chỉ dừng lại ở đó, Tập đoàn GFS đã đặt ra mục tiêu sẽ tiếp tục đồng hành cùng các nhà khoa học, sáng tạo và tiếp tục thông qua Quỹ VIFOTEC để giúp đưa phong trào sáng tạo khoa học công nghệ đi vào chiều sâu, chắp cánh cho các tài năng khoa học bay cao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
P.V