Đồng bộ giải pháp, thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững
Xã hội 29/12/2022 10:08
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo, các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững như: Hỗ trợ về y tế, giáo dục và đào tạo, học nghề, hỗ trợ về việc làm, nhà ở, chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách hỗ trợ hộ nghèo tiền điện sinh hoạt, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế…
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 90/QĐ-TTG ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Trong đó, tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 20/4/2022 của UBND tỉnh Nam Định về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh Nam Định xác định giảm nghèo bền vững là một trọng tâm của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành.
Với mục tiêu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và các chính sách giảm nghèo, từng bước cải thiện, nâng cao điều kiện sống; giúp mọi tầng lớp Nhân dân có năng lực vật chất cần thiết để đối phó tốt nhất với các rủi ro, bảo đảm giảm nghèo bền vững, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về giảm nghèo, thành lập Ban Chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở thực hiện hiệu quả chính sách và các giải pháp giảm nghèo, bảo đảm đúng đối tượng. Các địa phương lồng ghép triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội về việc làm, thu nhập, bảo đảm mức tối thiểu các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, trợ giúp những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong đó, nhiều hoạt động được các ngành chức năng tập trung thực hiện hiệu quả như: Triển khai thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động để tiếp cận cơ hội việc làm; đẩy mạnh các hoạt động kết nối thông tin thị trường lao động; tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho vay giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, cho vay học sinh, sinh viên, cho vay phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Trên cơ sở bám sát các chính sách giảm nghèo đã ban hành (bao gồm các chính sách do Trung ương và địa phương ban hành), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương bảo đảm 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận với các chính sách giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 71/NQ-CP ngày 31/5/2018 của Chính phủ về một số chính sách đối với hộ nghèo thiếu hụt đa chiều; từng bước cải thiện, nâng cao điều kiện sống.
Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định, kết quả thực hiện kế hoạch năm 2022, về chính sách hỗ trợ y tế: Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện cấp 15.358 thẻ Bảo hiểm y tế người thuộc hộ nghèo, kinh phí thực hiện 12.464 triệu đồng; cấp 72.271 thẻ Bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo, kinh phí thực hiện 58.530 triệu đồng; cấp 257.413 thẻ Bảo hiểm y tế cho người có mức sống trung bình, kinh phí thực hiện 171.967 triệu đồng.
Công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người nghèo đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng khám chữa bệnh cho các đối tượng từng bước được nâng lên; số người nghèo được khám chữa bệnh miễn phí 603.403 lượt người, kinh phí thực hiện 258.793 triệu đồng.
Bên cạnh đó, với chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng, nhằm giải quyết khó khăn của hộ nghèo là thiếu vốn đầu tư phát triển sản xuất, tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương quan tâm triển khai có hiệu quả chương trình cho hộ nghèo vay vốn hỗ trợ lãi suất. Việc triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đã huy động được nhiều nguồn lực tài chính để cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, làm kinh tế hộ, nguồn vốn cho vay chủ yếu tập trung vào các ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, giúp họ ổn định sản xuất, tăng sản phẩm, tăng thu nhập, thay đổi cách thức sản xuất kinh doanh, từng bước ổn định cuộc sống; hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt và cải thiện đời sống. Kết quả trong năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi cho 995 lượt hộ nghèo, kinh phí 67.525 triệu đồng; 5.030 lượt hộ cận nghèo, kinh phí thực hiện 365.744 triệu đồng; 2.827 lượt hộ mới thoát nghèo, kinh phí 207.517 triệu đồng; 526 lượt học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, kinh phí 21.040 triệu đồng.
Song song với đó, chính sách hỗ trợ về giáo dục cho người nghèo, cận nghèo đã giúp 26.614 lượt học sinh, sinh viên được miễn giảm và hỗ trợ chi phí học tập, kinh phí 9.725 triệu đồng. Chính sách hỗ trợ về nhà ở từ Quỹ “Ngày vì người nghèo, trong năm đã hỗ trợ xây mới 137 nhà, sửa chữa 24 nhà. Ngoài ra, các huyện, thành phố cũng thực hiện hỗ trợ tiền điện cho 100% hộ nghèo đủ điều kiện trên địa bàn toàn tỉnh.
Về chính sách hỗ trợ dạy nghề cho người nghèo, địa phương đã hỗ trợ 96 người nghèo, với tổng số tiền 319 triệu đồng; 506 người cận nghèo, với tổng số tiền 1.722 triệu đồng.
Chia sẻ về những giải pháp tiếp theo, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong đó, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo; gắn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tăng thu nhập, cải thiện đời sống, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện và hoàn thành mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021-2025.