Đội tuyển Việt Nam ứng xử thế nào với Đỗ Hùng Dũng?
Thể thao 29/11/2021 07:37
Tranh cãi chưa kết thúc
Đầu tháng 11/2021, HLV Park Hang-seo thông qua LĐBĐ Việt Nam (VFF) triệu tập Đỗ Hùng Dũng lên ĐT Việt Nam, ngay trước thời điểm 2 lượt trận thứ 5 và 6 ở vòng loại World Cup 2022 gặp Nhật Bản và Saudi Arabia diễn ra. Đương nhiên, ông Park không có ý định sử dụng Hùng Dũng ngay ở thời điểm đó. Nhưng vị chiến lược gia Hàn Quốc muốn xác định chính xác mức độ hồi phục của Hùng Dũng, sau khi bị gãy chân cách đây 8 tháng.
Nhưng lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam, một CLB từ chối giấy triệu tập lên ĐTQG. Cụ thể, Hà Nội FC đã đưa ra hàng loạt quan điểm đến từ các bác sỹ trước khi đề nghị giữ chân Hùng Dũng ở lại CLB điều trị dứt điểm. Vụ việc khi đó nảy ra một cuộc tranh cãi, giữa quyền lợi của ĐTQG với CLB, giữa trách nhiệm hiện tại và sự nghiệp tương lai nơi cá nhân Hùng Dũng.
Hơn 20 ngày trôi qua, câu chuyện về Hùng Dũng lên ĐT Việt Nam tưởng chừng như không có hy vọng thì bất ngờ, Hà Nội FC “bật đèn xanh” cho HLV Park Hang-seo. Ngày 26/11, đội bóng thủ đô thông báo: “Sau 1 tháng điều trị và tập luyện với đội ngũ y tế của CLB, thể chất của cầu thủ Đỗ Hùng Dũng đã đảm bảo để theo các bài tập nặng. CLB Hà Nội sẽ để tiền vệ này lên tập trung đội tuyển Quốc gia Việt Nam nếu được triệu tập trong thời gian tới. Chuyên gia Kim Kwang Jea đánh giá: Hùng Dũng đã trở lại luyện tập cùng đội. Cầu thủ này có thể lên tập trung cùng đội tuyển Quốc gia trong thời gian tới. Tuy nhiên, cần chú ý khối lượng tăng dần với chân gặp chấn thương và tiếp tục theo giáo án tôi đã chuẩn bị”.
Nửa ngày sau thông báo kể trên, ĐT Việt Nam thông báo bổ sung Hùng Dũng. Tiền vệ 28 tuổi cũng tức tốc thu xếp hành lý để hội quân với ĐTQG. Tranh cãi về việc ĐT Việt Nam sẽ sử dụng Hùng Dũng thế nào một lần nữa nổ ra từ giới chuyên môn đến mạng xã hội.
Đỗ Hùng Dũng trở lại ĐT Việt Nam ngay trước khi AFF Cup khởi tranh chưa đầy 10 ngày. |
ĐT Việt Nam dùng Hùng Dũng thế nào?
Ở góc độ của mình, chuyên gia Phan Anh Tú nói: “Tôi cho rằng Hùng Dũng chưa thể đá với cường độ cao ngay được. Chúng ta phải khẳng định hẳn là như thế. Hùng Dũng cần thích nghi nhịp độ thi đấu. Cậu ấy mới trở lại sau chấn thương và chưa thi đấu một trận nào suốt 6 tháng qua.
Vì vậy, nếu quăng mình vào một giải đấu khó hay một trận có cường độ cao ngay là rất nguy hiểm. Tôi nghĩ rằng Ban huấn luyện ĐT Việt Nam nếu có triệu tập Hùng Dũng lên thì hãy cho cậu ấy thích nghi dần dần, gặp các đối thủ yếu hay các trận mà tỷ số đã được định đoạt. Hùng Dũng có thể vào sân thi đấu 5-10 phút để làm quen không khí, qua đó thích nghi dần với nhịp độ, tốc độ trận đấu. Còn Hùng Dũng thi đấu ngay với đội tuyển mạnh ở cường độ cao thì như thế là rất khó”.
Đối lập với chuyên gia Phan Anh Tú, BLV Quang Huy đưa ra góc độ cá nhân của mình: “Tôi hình dung rằng Hùng Dũng có thể đá trám vào chỗ của Hoàng Đức hay Tuấn Anh. Tất nhiên, việc Hùng Dũng đã nghỉ suốt 6 tháng qua cũng là một điều mà tôi lăn tăn. Nhưng tôi tin Hùng Dũng là cầu thủ có nền tảng kỹ thuật ổn định, sinh hoạt chuyên nghiệp, điều độ, có ý thức chăm lo sức khoẻ, bản thân tốt. Tôi tin với cơ sở ấy, Dũng sẽ bắt nhịp nhanh với đội tuyển.
Thực tế có những trường hợp dính chấn thương rất thảm khốc nhưng khi trở lại thì họ hoà nhịp rất nhanh, gần như nguyên si. Nhưng ngược lại, có những chấn thương dai dẳng ở cơ, gân, dây chằng rất rắc rối. Tôi cho rằng Dũng là ở trường hợp đầu tiên. Sau khi bình phục, Dũng có thể sớm trở lại với phong độ tốt nhất của mình. Sự xuất hiện của Hùng Dũng ở hàng tiền vệ sẽ giúp tuyến giữa của mình cân đối hơn, khi Hùng Dũng là cầu thủ có thể chơi vừa công, vừa thủ”.
Đối chiếu từ hai góc độ quan điểm vốn đối lập nhau từ chuyên gia, chúng ta cũng có thể thấy một điểm chung nhỏ. Đó là Hùng Dũng nên dần làm quen với những trận đấu có cường độ vừa phải ở AFF Cup 2020. Theo lịch thi đấu, Việt Nam sẽ gặp Lào, Malaysia, Indonesia và Campuchia, trước khi có những trận đấu khó khăn hơn ở bán kết, chung kết. Với mức độ thách thức tăng dần theo từng trận, Hùng Dũng có thể được lựa chọn đi từng bước một trước khi hy vọng bùng nổ ở vòng bán kết và chung kết.
Trong quá khứ, ĐT Việt Nam từng trải qua một trường hợp tương tự như Hùng Dũng. Đó là Nguyễn Trọng Hoàng. Hậu vệ phải này từng dính chấn thương dây chằng vào giữa tháng 12/2018, tức là chỉ chưa đầy 3 tuần trước khi Asian Cup 2019 khởi tranh. Nhưng HLV Park Hang-seo vẫn kiên trì và chờ đợi hậu vệ này. Để rồi đến đầu tháng 1/2019, Trọng Hoàng bắt đầu tập luyện trở lại cùng đội trước khi đá 5 trận tại VCK Asian Cup 2019. Màn trình diễn ấn tượng của Trọng Hoàng khi đó đã giúp cho anh trở thành cầu thủ duy nhất của Việt Nam lọt vào đội hình tiêu biểu của giải.
Tỷ lệ thắng của ĐT Việt Nam cao nhất khi có Hùng Dũng Hùng Dũng đương nhiên là cầu thủ quan trọng đối với HLV Park Hang-seo nói riêng và ĐTQG Việt Nam nói chung. Chẳng phải tự nhiên nhà cầm quân người Hàn Quốc đã cố gắng gọi anh lên đội tuyển vào đầu tháng 11 để kiểm tra sức khoẻ cũng như chuẩn bị kế hoạch cho Hùng Dũng hướng đến AFF Cup. Vị thế và tầm ảnh hưởng của Hùng Dũng đủ khiến anh được ông Park trọng dụng như vậy. Anh là nhà vô địch AFF Cup 2018, là mảnh ghép quan trọng giúp ĐT Việt Nam vào tứ kết Asian Cup 2019, là 1 trong 2 cầu thủ trên 22 tuổi đóng góp vào tấm Huy chương Vàng lịch sử ở SEA Games 2019 và cũng là 1 trong 2 tiền vệ trung tâm cứng cựa của đội tuyển Việt Nam ở 5 trận đầu tiên của vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Theo thống kê của Soccerway đối với các trận chính thức của U22, Olympic và ĐTQG Việt Nam trong 90 phút có sự góp mặt của Hùng Dũng, Việt Nam đã thắng 23, hoà 8 và chỉ thua 4 trận. Đó có thể xem là một tỷ lệ thắng đáng nể khi Hùng Dũng góp công vào thành tích của đội nhà. |
Tiền vệ Đỗ Hùng Dũng chính thức trở lại đội tuyển Việt Nam Sau cuộc làm việc giữa lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và lãnh đạo Câu lạc bộ Hà Nội, ban huấn luyện ... |
Đỗ Hùng Dũng và Huỳnh Như đoạt Quả bóng vàng 2019 Tiền vệ Đỗ Hùng Dũng (Hà Nội FC) đã đánh bại đàn em Nguyễn Quang Hải để giành Quả bóng vàng Việt Nam 2019. Ở ... |