Doanh nghiệp vận tải, xăng dầu lỗ nặng trong quý 1/2020
Doanh nghiệp - Doanh nhân 09/05/2020 13:12
Trong đó, ngành hàng không được đánh giá là chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch Covid-19 khi lượng hành khách giảm sút trầm trọng. Theo báo cáo tài chính quý 1/2020, Vietnam Airlines (mã HVN) báo lỗ 2.545 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là âm 2.589 tỷ đồng. Như vậy, con số chính thức đã cao hơn mức ước tính lỗ của doanh nghiệp này trong báo cáo gửi Ủy ban quản lý vốn nhà nước đầu tháng 4 (2.400 tỷ đồng).
Cũng hoạt động trong ngành du lịch, vận chuyển khách và dự kiến mở mới một hãng hàng không, CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam – Vietravel (mã VTR) vừa báo lỗ trong quý 1/2020. Cụ thể, theo báo cáo tài chính, doanh thu của VTR đạt 790 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành giảm từ 1.148 tỷ về 608 tỷ đồng; doanh thu bán vé máy bay giảm về 155 tỷ đồng.
VTR giảm một nửa chi phí nhân viên nhờ cắt giảm nhân sự. Chi phí nhân viên còn hơn 20 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, VTR vẫn báo lỗ ròng hơn 41,5 tỷ đồng chỉ trong quý đầu năm. Khoản lỗ này tương đương mức lãi cả năm trước.
Hay như FLC Group sở hữu 52,11% cổ phần của Bamboo Airways - cũng báo lỗ trước thuế 1.887 tỷ đồng trong quý vừa qua. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ âm 1.172 tỷ đồng. FLC cho biết hoạt động kinh doanh các mảng du lịch, hàng không, nghỉ dưỡng và bất động sản đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19. Được biết, Cục Hàng không Việt Nam đang tiếp tục đề xuất Bộ Giao thông vận tải báo cáo Chính phủ sớm ban hành chính sách cấp bách để hỗ trợ khẩn cấp các doanh nghiệp ngành hàng không trong mùa dịch Covid-19.
Đối với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), sản lượng điều hành bay cũng sụt giảm nghiêm trọng. Chỉ tính riêng tháng 2 năm 2020, tổng sản lượng điều hành bay qua giảm hơn 14.599 chuyến, tương đương giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái; sản lượng điều hành bay đi, đến (chuyến bay quốc tế) giảm gần 3.415 chuyến, tương đương giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 3 năm 2020, các hãng hàng không tiếp tục cắt giảm hàng loạt các chuyến bay đi/đến, sản lượng điều hành bay dự báo sẽ tiếp tục sụt giảm, đồng nghĩa với tổng thu tiền điều hành bay năm 2020 sẽ giảm tương ứng.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, khó lường, để giúp các hãng hàng không giảm bớt một phần gánh nặng chi phí, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, Cục Hàng không Việt Nam đã tạo điều kiện cho các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chở khách (cấp phép, tiêu chuẩn an toàn bay, lịch bay) thông qua việc đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo chấp hành các quy định của pháp luật;...
Cục Hàng không Việt Nam cũng đề xuất Bộ Giao thông vận tải tiếp tục báo cáo Chính phủ sớm cho phép các đơn vị ngành hàng không được giảm thuế, giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không) cho toàn bộ các nghĩa vụ phát sinh từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2020 hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng công bố hết dịch, tùy thời điểm muộn hơn. Riêng với các hãng hàng không Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2020 hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng công bố hết dịch, tùy thời điểm muộn hơn.
Doanh nghiệp xăng dầu cũng “ đau đầu”
Doanh nghiệp mảng xăng dầu cũng khó khăn không kém. Là doanh nghiệp dầu khí đầu tiên báo thua lỗ giữa khủng hoảng Covid-19 và giá dầu, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) công bố lỗ ròng kỷ lục 2.348 tỷ đồng. Nguyên nhân là trong kỳ giá dầu thô chứng kiến đà suy giảm từ 67 USD/thùng bình quân tháng 12/2019 xuống còn 31,8 USD/thùng bình quân. Tương đương giá giảm gần 50%.
Lọc dầu Bình Sơn lỗ nặng hàng nghìn tỷ đồng quý I/2020 |
Giá xăng dầu thế giới giảm 60% khiến Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (mã PLX) phải trích lập dự phòng hàng tốn kho lớn. Đó là lý do mà doanh nghiệp có hệ thống phân phối phủ rộng toàn quốc phải báo ước lỗ 572 tỷ đồng trong quý I/2020.
Tổng công ty Dầu Việt Nam - PV OIL (mã OIL) ghi nhận lỗ ròng 538 tỷ đồng trong quý đầu năm. Trong đó, lỗ thuộc về công ty mẹ là 423 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi 31 tỷ đồng. OIL cho biết do ảnh hưởng của biến động giá xăng dầu thế giới làm cho sản lượng kinh doanh xăng nội địa giảm khoảng 11% so với cùng kỳ, sản lượng bán lẻ giảm 6%.