Đình Bảng - Trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử lớn nhất vùng Kinh Bắc
Văn hóa - Thể thao 15/07/2023 09:04
Đất phát tích của Vương triều Lý
Năm 1605, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan được lệnh của vua Lê về Đến Đô dựng bia ghi công đức Lý triều đã xác định vị trí địa linh nhân kiệt của Đình Bảng: “Đất Cổ Pháp là nơi danh thắng bậc nhất của Kinh Bắc. Đất có dáng 8 đầu của 8 con rồng. Hình tượng đẹp muôn hình muôn vẻ, vượng khí tốt, đất linh thiêng nên đã sinh ra 8 vua nhà Lý”.
Hương Diêu Uẩn xưa, thời Lý đổi thành Cổ Pháp, thời Trần đổi thành Đình Bảng. Đây là trung tâm Phật giáo của Đại Việt với hệ thống chùa chiền nguy nga, cổ kính cuốn hút nhiều nhân vật nổi tiếng tới tu hành như: Thiền Văn, Định Không, Vạn Hạnh, Khánh Văn,...
Năm 1030, trên bờ sông Tiêu Tương tấp nập trên bến, dưới thuyền, người Cổ Pháp đã khởi công xây dựng Đền Đô. Đền có quy mô 31.250m2 với 21 hạng mục, công trình. Khu nội thành có tường bao quanh cao 3m được chia làm 2 khu nội và ngoại thất. Nội thất có nhà hậu cung - nơi đặt bài vị và tượng 8 vị vua nhà Lý cùng 2 bức đại tự: Cổ Pháp Triệu Cơ (Làng Cổ Pháp là nền dựng cơ nghiệp triều Lý) và Bát điệp trùng quang (8 vua cùng sáng). Khu ngoại thất gồm ngũ long môn (5 cửa rồng), văn chỉ, vũ chỉ. Đền Đô được xây dựng đồ sộ, chạm khắc tinh vi, thủy đình nằm giữa hồ bán nguyệt như một bông sen nở, từng là biểu tượng đẹp được in trên tờ 5 đồng bạc Đông Dương cũ.
Đền Đô |
Năm 1952, Đền Đô bị phá hủy toàn bộ. Thời mở cửa Đền Đô được xây dựng nguyên như khuôn mẫu cũ. Khi đến thăm Đền Đô, một du khách người Anh đã cảm động thốt lên: “Tôi hạnh phúc được thấy lòng hiếu khách của người Đình Bảng. Tôi nghĩ rằng người Đình Bảng đã làm được một việc rất hữu ích. Trùng tu lại các di tích cổ để du khách có dịp tìm hiểu nền lịch sử Việt Nam đã phát triển ra sao”.
Ngoài Đền Đô, Đình Bảng còn có chùa Ứng Tâm mà người dân bản địa vẫn gọi nôm na là chùa Dặn - nơi vị Hoàng đế đầu tiên của Vương triều cất tiếng chào đời. Đền Rồng - nơi thờ Lý Chiêu Hoàng, vị Hoàng đế cuối cùng của Vương triều Lý. Khu Thọ Lăng Thiên Đức, nơi yên nghỉ của 8 vua nhà Lý cùng lăng Lý Thánh Mẫu, Lý Chiêu hoàng...
Đình làng Đình Bảng cũng là một ngôi đình có giá trị lớn về điêu khắc, được xây dựng vào năm 1730 theo hình chữ công.Vẻ bề thế bên ngoài cùng với bức chạm khắc rồng, phượng, sư tử, ngựa, hươu, thông... là những mẫu đề tiêu biểu cho nền nghệ thuật điêu khắc kiến trúc của người Kinh Bắc tài danh.
Nơi hội tụ tinh thần dân tộc, thu hút bạn bè quốc tế
Tương truyền Lý Thái tổ đã xa giá về Đình Bảng phát tiền, lụa cho dân, hỏi các bô lão về kế sách giữ nước, yên dân. Chuyến đi mở ra con đường cho các ông hoàng, bà chúa từ kinh đô hoa lệ ngựa xe về thăm lại cố hương và Đình Bảng thời Vương triều Lý đã là nơi hội tụ tinh thần dân tộc. Các triều đại về sau triều nào cũng tấp nập về Đình Bảng dâng hương để tưởng nhớ công lao của Vương triều Lý.
Trong thời đại ngày nay, các nguyên thủ Quốc gia, các chính khách tên tuổi, các tướng lĩnh, các đại sứ nhiều nước đều tới thăm Đình Bảng. Có một nhân vật nổi tiếng “diều hâu”sau khi tới Đền Đô đã nói với cựu Tổng Bí thư Đỗ Mười: “Nếu biết Việt Nam như thế này thì người Mỹ không dám đánh Việt Nam”.
Thăm Đình Bảng, bạn còn được nghe câu ca tiên tri kì diệu:“Bao giờ rừng báng hết cây/ Tào khê hết nước Lý nay lại về”. Trên một ngàn năm đã trôi qua, rừng báng ngày nay không còn và dòng sông Tiêu Tương xinh đẹp đã cạn khô.Và thật lì lạ, năm 1994, đúng vào dịp kỉ niệm 1025 năm ngày sinh của Lý Thái Tổ, ông Lý Xương Căn - một công dân Hàn Quốc - hậu duệ thứ 31 của Vương triều Lý thuộc chi họ Hoàng thúc Lý Long Tường đã tìm đường trở lại cố hương Đình Bảng. Ông vui mừng khấn vái trước anh linh của Tiên Vương và còn cầu xin các vị phù hộ để quan hệ hữu hảo giữa hai nước Việt - Hàn ngày càng bền chặt.
Mở mang du lịch, lễ hội, làng nghề
Thời kinh tế thị trường, Đình Bảng đã kế thừa và phát huy tinh hoa trí tuệ của tiền nhân, đầu tư 7 tỉ đồng phục hưng lại Đền Đô với quy mô đồ sộ như kiến trúc ban đầu của Vương triều Lý ở thế kỉ XI, tạo nên bước đột phá trong du lịch.
Mỗi năm Đình Bảng thu hút 3 triệu lượt khách quốc tế và khắp nơi trong nước về Đền Đô, Đền Rồng, chùa Cổ Pháp, Đình làng Đình Bảng. Chỉ tính riêng tiền khách thập phương công đức vào Đền Đô năm 1999 đạt trên 300 triệu đồng. Năm 2000 đạt trên 500 triệu đồng... những năm gần đây đạt nhiều tỉ đồng/năm.
Ông Nguyễn Thạc Vinh, nguyên Chủ tịch UBND phường Đình Bảng cho biết: Ngày nay đến Đình Bảng, du khách còn được đi thăm làng nghề với gần 100 doanh nghiệp thuộc loại tầm cỡ quốc gia hoạt động trên nhiều lĩnh vực, sản phẩm làm ra được tiêu thụ rộng rãi trên khắp thị trường trong nước và quốc tế. Đình Bảng xuất hiện hàng trăm tỉ phú. Chỉ tính riêng đội quân chuyên đi bán bánh đặc sản phu thê cho khách du lịch cũng đã lên tới 120 người, với doanh thu bình quân 300.000đồng/ngày.
Đến Đình Bảng vào đúng dịp lễ hội Đền Đô 15/3 âm lịch hàng năm, bạn còn dược chiêm ngưỡng đám rước long trọng kéo dài trên 3km.Đoàn hộ tống là đội quân đóng khố cởi trần, chiêng trống, cờ lọng rợp trời, làm sống lại hình ảnh oai hùng của đội quân nhà Lý thủa xưa. Trong ngày lễ hội cổ truyền, bạn còn được thưởng thức các trò chơi dân gian hấp dẫn: Đánh đu, đấu vật, chọi gà, múa rối nước, xem các liền anh, liền chị trong trang phục truyền thống ô đen, khăn xếp, áo dài, áo tứ thân, khăn mỏ quạ, ngồi hát dân ca quan họ dưới thuyền giữa hồ bán nguyệt.
Đến Đình Bảng, du khách được thưởng thức những món ẩm thực cổ truyền: Nem chua nhâm nhi với rượu đế. Nếu là khách quý, thế nào cũng được mời ăn món thịt chuột ướp lá chanh. Khách ngoại quốc còn có cái thú được mặc quần áo cung đình, mời ăn các món cơm chay, chè kho, bánh dày, bánh tét, vừa ăn vừa xem các quan viên tế lễ hoặc nghe hát dân ca quan họ Bắc Ninh. Khi về du khách thường mua ít bánh đặc sản phu thê để làm quà cho bạn bè, người thân.
Ông Vinh cho biết: Để lưu du khách nghỉ qua đêm, Đình Bảng đã đầu tư xây dựng khách sạn 4 sao và nhà hát quan họ, nhiều nhà doanh nghiệp lớn của Đình Bảng đã có kế hoạch đầu tư mở mang du lịch.