Điều ít biết về chủ đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái 79 mùa xuân
Thông tin doanh nghiệp 15/01/2022 08:14
Dự án Khu du lịch sinh thái 79 mùa xuân
Ngày 31/12/2003, Dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái 79 mùa xuân (còn gọi là Dự án Đồi 79 mùa xuân) được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận triển khai. Quy mô đầu tư 2 khu gồm Khu di tích tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Khu dịch vụ sinh thái với diện tích 92.904 ha, có tổng vốn đầu tư là 199 tỷ đồng.
Dự án Đồi 79 mùa xuân là một công trình mang ý nghĩa tâm linh. Dự kiến, sau khi hoàn thành dự án sẽ được UBND TP. Hà Nội gắn biển công trình nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (2010). Thế nhưng, đến nay dự án này vẫn còn dang dở, cỏ mọc hoang hóa, thậm chí còn bị người dân bản địa dùng làm nơi chăn thả gia súc.
Năm 2013, chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư và Du lịch An Phát đã có văn bản gửi UBND huyện Mê Linh đề nghị được tạm ngừng dự án do liên quan đến pháp luật và xin miễn tiền thuê đất từ năm 2013 đến nay.
Trong Văn bản 93279/CT-QLĐ ngày 23/10/2020 của Cục Thuế Hà Nội, thay mặt Tổ công tác liên ngành báo cáo UBND TP.Hà Nội, đơn vị này đã chỉ ra nhiều vấn đề vướng mắc đối với dự án này.
Cụ thể, về quy hoạch, theo Quyết định số 2202/QĐ-UBND ngày 02/7/2008 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, Dự án Đồi 79 mùa xuân (lần 2) chỉ xác định được diện tích xây dựng công trình (45.574m2) và diện tích còn lại để làm sân vườn, cây xanh, bãi đỗ xe, đường nội bộ (184.111m2). Sở Quy hoạch và Kiến trúc chưa đủ cơ sở bóc tách, xác định được cụ thể diện tích trồng cây xanh là bao nhiêu trong tổng diện tích sân vườn, cây xanh, bãi đỗ xe, đường nội bộ.
Về hiện trạng sử dụng đất, ngày 26/7/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội đã có Kết luận Kiểm tra số 2079/KLKT-STNMT-TTr đối với Dự án Đồi 79 mùa xuân của Công ty An Phát và UBND huyện Mê Linh có Công văn 2125/UBND-PTQĐ ngày 5/8/2019 nêu ý kiến: diện tích chưa được giải phóng mặt bằng của dự án là 10.345.7m2 (của 40 hộ dân), trong đó có 850m2 nằm trong phần diện tích quỹ đất thương phẩm; 9.495.7m2 nằm trong phần diện tích 267.782m2 đất thuê.
Theo ý kiến của Công ty An Phát được ghi trong báo cáo của Cục Thuế Hà Nội, diện tích chưa giải phóng mặt bằng là 9.495.7m2 nhưng diện tích này chủ yếu nằm trong các phần đất thuê nên công ty không thể triển khai dự án tại các ô đất resort và ô đất văn phòng. Mặc dù chưa giải phóng mặt bằng nhưng diện tích này lại đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty An Phát ký hợp đồng thuê đất số 1217/HĐTĐ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích 267.782m2.
Tại Kết luận Thanh tra của Sở TN&MT, có 9.495.7m2 chưa giải phóng mặt bằng nhưng UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty An Phát đã ký hợp đồng thuê đất là chưa đảm bảo quy định của pháp luật.
Về thực hiện nghĩa vụ tài chính của dự án, Công ty An Phát mới chỉ nộp tiền thuê đất từ 16/01/2008 đến 15/01/2013 với số tiền là trên 3 tỷ đồng. Công ty An Phát cũng đề nghị xem xét miền tiền thuê đất trong thời gian ngừng hoạt động từ năm 2013 đến nay do đây là trường hợp bất khả kháng vì có liên quan đến pháp luật. Tuy nhiên, Tổ công tác liên ngành nhận định chưa có cơ sở sự việc trên là trường hợp bất khả kháng theo quy định tại Điều 15, Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.
Chia sẻ về việc không bàn giao đất cho Dự án Đồi 79 mùa xuân, một hộ dân trong số 40 hộ có đất thuộc 10.345.7m2 diện tích chưa được giải phóng mặt bằng của dự án cho biết, do số tiền đền bù quá ít ỏi nên nhiều gia đình có đất nằm trong dự án từ chối bàn giao và đề nghị Công ty An Phát phải thỏa thuận mức đền bù phù hợp.
Chủ đầu tư vướng vòng lao lý
Theo tìm hiểu, chủ đầu tư ban đầu của dự án là Công ty TNHH sản xuất và thương mại Toàn Thắng, thành lập năm 1995, vốn điều lệ 2 tỷ đồng do bà Phan Thúy Mai giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, đồng thời cũng là người góp vốn nhiều nhất với hơn 90% vốn điều lệ.
Đến năm 2004, Công ty Cổ phần Đầu tư và Du lịch An Phát tiếp nhận toàn bộ quyền và nghĩa vụ của Công ty Toàn Thắng trong việc thực hiện Dự án Đồi 79 mùa xuân theo Quyết định số 1430/QĐ- UBND của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Được biết, Công ty An Phát cũng được thành lập trong khoảng thời gian này - tức ngày 16/4/2004 với số vốn điều lệ 30 tỷ đồng, cổ đông sáng lập gồm 4 người, Phan Thúy Mai - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc, Vũ Thế Ưu, Trần Thế Tôn và Công ty Alfa, trong đó, bà Mai góp vốn cao nhất với 18 tỷ đồng, tương đương 66% vốn điều lệ.
Tháng 10/2004, những cổ đông còn lại của An Phát là ông Vũ Thế Ưu, Trần Thế Tôn và Công ty Alfa rút vốn khỏi công ty, bà Mai buộc phải mua lại cổ phần của 3 cổ đông trên với giá 18 tỷ đồng, đổi lại, 3 cổ đông này cam kết từ bỏ toàn bộ quyền và nghĩa vụ tương ứng với số cổ phần nắm giữ và không có khiếu kiện gì trước pháp luật.
Tháng 11/2014 Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Phan Thúy Mai về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Ngày 6/12/2014, bà Mai chính thức bị Công an TP. Hà Nội tiến hành bắt tạm giam.
Sau 2 lần bị VKSND TP. Hà Nội trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung, đến ngày 8/11/2017, bị cáo Phan Thúy Mai được TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử và tuyên án. Theo cáo trạng, hành vi mà VKSND TP. Hà Nội truy tố bà Phan Thúy Mai liên quan tới việc tự ý làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ tên Công ty An Phát sang tên cá nhân bà Phan Thúy Mai đối với 2 nền đất biệt thự số AM 706835. Thửa đất BT10-08, diện tích 5.045m2 và số AM 706837, thửa đất BT10-10, diện tích 1.259m2 là trái với Điều lệ công ty và Luật Doanh nghiệp. Tại phiên tòa, bị cáo liên tục kêu oan.
Tài liệu điều tra cho thấy, quá trình góp vốn của Công ty An Phát có nhiều nhập nhằng. Theo sổ sách kế toán của công ty thì các cổ đông không góp đủ vốn như giấy đăng ký kinh doanh ghi nhận. Sau một thời gian, các cổ đông sáng lập rút vốn. Để có tiền trả cho các cổ đông, bà Phan Thúy Mai ký hợp đồng hợp tác với Công ty Long Việt để đầu tư xây dựng Dự án Đồi 79 mùa xuân. Hai bên thỏa thuận tổng vốn đầu tư là 42 tỷ đồng, mỗi bên góp một nửa. Sau đó, Công ty Long Việt đã chuyển khoản 23 tỷ đồng, gồm 21 tỷ đồng góp vốn liên doanh và 2 tỷ đồng chi giải phóng mặt bằng.
Chủ tịch HĐQT Công ty An Phát đã hạch toán khoản tiền này là tiền góp vốn của cá nhân bị cáo và sau đó sử dụng để trả cho các cổ đông. Đến khi Công ty Long Việt thấy dự án không hiệu quả, yêu cầu rút vốn khỏi liên doanh thì bị cáo Mai tiếp tục ký hợp đồng hợp tác với Công ty Cổ phần Đầu tư quốc tế An Thành, nhận số tiền 15.4 tỷ đồng và vay tiền ngân hàng để quay vòng.
Theo Cơ quan điều tra, sau 5 lần điều chỉnh đăng ký kinh doanh, bị cáo Mai kê khai góp gần 40 tỷ đồng, nhưng thực tế bị cáo sử dụng dòng tiền chiếm dụng của Công ty An Phát 12 tỷ đồng và kê khống thêm 27.9 tỷ đồng. Do bị cáo Mai không góp vốn thực sự nên Công ty An Phát không có nguồn tài chính hoạt động mà hợp tác lòng vòng, vay mượn ngân hàng.
Khi số nợ quá lớn và các đối tác rút lui, để có tiền trả cho đối tác và trả nợ ngân hàng, bị cáo Mai đã chuyển nhượng 33% vốn điều lệ của Công ty An Phát cho bà Trương Kim Bích với giá trị tương ứng 33 tỷ đồng.
Cũng trong giai đoạn này, Công ty An Phát được UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký quyết định giao 973.839.8m2 để xây dựng Dự án Đồi 79 mùa xuân. Tiếp đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên Công ty An Phát.
Tổng cộng, từ ngày 4/2/2008 đến ngày 15/7/2008, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp cho Công ty An Phát 194 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các sổ đỏ này đều ghi tên người sử dụng đất là Công ty An Phát. Nhưng bị cáo Mai đã lập chứng từ khống, hợp thức hóa hồ sơ chuyển nhượng 2 thửa đất với giá 9.8 tỷ đồng.
Bà Phan Thúy Mai không nộp tiền mua 2 mảnh đất nói trên nhưng vẫn lập phiếu thu khống thể hiện nội dung mình nộp tiền mua đất. Sang tên tài sản xong, bị cáo Mai dùng sổ đỏ làm tài sản bảo đảm để vay tiền rồi lại dùng tiền đó hạch toán về Công ty An Phát với nội dung góp vốn, dẫn đến Công ty An Phát bị thất thoát tài sản.
Sau nhiều lần vay mượn lòng vòng, bị cáo Mai đã thế chấp căn nhà ở số 92 Mạc Đĩnh Chi, TP.HCM của mình vay 16.1 tỷ đồng ở Ngân hàng Đông Á. Để giải chấp căn nhà này, bị cáo đã sử dụng 96 sổ đỏ của Công ty An Phát làm tài sản đảm bảo vay 89 tỷ đồng. Bù trừ các khoản vay và trả, đến ngày 31/12/2015, Phan Thúy Mai còn nợ Công ty An Phát số tiền lên tới 78.7 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định, bà Thúy Mai lợi dụng chức danh Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Công ty An Phát, lợi dụng việc cổ đông giao quản lý tài sản công ty, có hành vi gian dối tự làm thủ tục chuyển nhượng sổ đỏ sang sở hữu cá nhân, tự đưa ra giá chuyển nhượng không thông qua Đại hội đồng cổ đông nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản đặc biệt lớn của công ty.
Kết luận vụ án, Hội đồng xét xử, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên án bị cáo Phan Thúy Mai phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4 Điều 140 Bộ luật Hình sự với mức án 16 năm tù giam.
Theo tìm hiểu, sau khi bà Phan Thúy Mai - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty An Phát bị Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội bắt tạm giam, thì tháng 12/2015, Công ty An Phát đã thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, theo thông tin đăng ký mới bà Trương Kim Bích là Giám đốc và cũng là người đại diện pháp luật mới của An Phát.
Sau rất nhiều biến cố, đến nay, Dự án Khu du lịch sinh thái 79 mùa xuân vẫn chưa thể hoàn thiện.
Dự án xây dựng đường cao tốc: Cần có cơ chế dành cơ hội giải quyết việc làm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa! Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) đề nghị Chính phủ có cơ chế dành từ 20% đến 30% các dự án đường cao tốc ... |
Dự án KĐT ở Bắc Giang của Liên doanh Công ty CPTM Tuấn Mai chưa được phép mở bán Dự án KĐT hỗn hợp, giải trí cao cấp thuộc khu đô thị mới phía Nam, xã Tân Tiến, TP.Bắc Giang của Liên danh Công ... |