Để đức cho hậu duệ
Tuổi cao gương sáng 24/11/2023 09:06
Tôi may mắn được dự lễ giỗ cụ tổ chi 4 vào 12/11/2023 (29/9 âm lịch). Hậu duệ mấy đời của cụ tổ chi từ các huyện trong tỉnh Nghệ An, đến cả ở TP Hà Nội đều có mặt. Lễ tiên thường (hôm trước) và chính lễ đều được gia tộc tiến hành rất quy củ. Nghi điển, nghi trượng, hành lễ chu đáo, tôn nghiêm.
Ngược dòng tộc phả, cụ Đặng Hữu Học (bản địa gốc ở Thuận Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) là bậc túc nho. Thời vua Thiệu Trị (1841-1847) cụ đã vào Huế dự thi và đỗ đạt. Song cụ không ra làm quan mà chọn nghề dạy học, ý nguyện để lại đức dày cho các đời sau. Qua 5 năm lập nghiệp ở vùng Hải Dương, cụ trở lại quê cha đất tổ, tiếp tục công việc đã chọn. Môn sinh theo học ngày càng đông. Cụ cùng cụ bà có hai người con trai. Người con cả là Đặng Hữu Khiên, người con thứ là Đặng Hữu Tá.
Các cháu thuộc chi 4 Đặng Hữu ở Hạnh Lâm học giỏi được nhận phần thưởng tại lễ giỗ Chi tổ năm 2023. |
Chí lớn thôi thúc, vào khoảng năm 1885, hai cụ đưa con cháu lên khai hoang vùng đất Hạnh Lâm này. Cụ chọn 3 địa điểm rồi mời thầy Khang ở Đô Lương lên xem xét giúp địa thế, phong thủy. Đứng ở địa điểm Cây Sy, thầy Khang phân tích, nhận xét địa điểm thứ nhất ở bên kia dòng sông Giăng (một nhánh của sông Lam) có ưu thế phù hợp với phát triển gia súc gia cầm (Về sau Nhà nước xây dựng một trại chăn nuôi tại đó). Địa điểm thứ 2 dưới chân lèn Yên Sơn mang chất phong bế - Vùng cấm. Thời Pháp thuộc, Ký Viện (địa chủ kiêm tư sản) đã thành lập một đồn điền, cấm dân qua lại, phạt rất nặng những người vi phạm… Riêng điểm Cây Sy là vượng khí, địa linh nhân kiệt, hỗ trợ sinh sôi... Nghe theo lời thầy, cụ Đặng Hữu Học quyết định để người con cả là Đặng Hữu Khiên ở lại Thuận Sơn và đưa người con thứ là Đặng Hữu Tá lên mảnh đất Cây Sy định cư lập nghiệp. Tại đây, vợ chồng cụ Tá sinh 6 người con (4 trai, hai gái). Đời nối đời an khang, dần thịnh vượng.
Theo nghiệp thân phụ Đặng Hữu Học, cụ Đặng Hữu Tá nghiên cứu sách vở, học nghề bốc thuốc trị bệnh, cứu người. Đặc biệt, cụ tinh thông thuật châm cứu, chỉ giúp người bệnh chứ không lấy tiền. Cuối đời, trước phút lâm chung, cụ gọi các con dặn dò đủ điều tâm phúc. Riêng với trị bệnh, cứu người, cụ răn dạy kĩ càng, rằng nếu có tâm đức nhưng thiếu tài trí, làm không đến nơi đến chốn, dễ làm sai, hóa ra thất đức, đời sau sẽ tàn lụi…
Các con của cụ nghe lời tiền nhân, theo nền nếp gia tộc, tu dưỡng không ngừng. Hồi kháng chiến chống Pháp, trong 4 người con trai của cụ Đặng Hữu Tá; các ông Đặng Hữu Lợi, Đặng Hữu Thông, Đặng Hữu Tiu là cán bộ, đảng viên; ông Đặng Hữu Ích là nhà nông giỏi, tích cực khai hoang, làm ăn phát đạt, đóng góp nhiều tiền của cho Nhà nước kháng chiến, kiến quốc.
Sau khi có Sắc lệnh số 139-SL ngày 19/9/1950 do Chủ tịch Hồ Chí Minh kí, cho phép phát hành “Công trái quốc gia” trong toàn quốc, Ủy ban Kháng chiến huyện Thanh Chương tổ chức đấu giá công trái tại xã Minh Sơn (nay là các xã: Thanh Đức, Hạnh Lâm, Thanh Mỹ, Thanh Nho, Thanh Hòa). Ông Ích tham dự và đoạt giải Nhất. Đặc biệt, năm 1952, tại Hội quán Đồng môn (tập hợp số học sinh lên khai khẩn vùng đất này), một người sở tại nổi tiếng giàu có đã tâm phục, khẩu phục để ông Ích đoạt ngôi đầu bảng Công trái quốc gia, sau khi ông bán 7 con trâu lấy tiền tranh giải. Lãnh đạo huyện Thanh Chương tổ chức rước ảnh Bác Hồ và cờ luân lưu “Giải Nhất Công trái quốc gia” về tận nhà ông. Gia đình ông còn đón nhiều cơ quan Nhà nước, kể cả xưởng sản xuất vũ khí của quân đội đến ở và hoạt động.
Thời kì kháng chiến chống Mỹ, các thế hệ thuộc chi 4 Đặng Hữu ở Hạnh Lâm nhiều người là cán bộ, đảng viên, nhiều người tham gia chiến đấu ở các chiến trường, có người anh dũng hi sinh vì Tổ quốc. Đến nay, 4 người (Đặng Hữu Sửu, Đặng Hữu Thông, Đặng Hữu Cường, Đặng Hữu Dũng) đã nhận Huy hiệu 50 - 60 năm tuổi Đảng. Con cháu nối tiếp đều học hành tiến đạt. Nhiều người là kĩ sư, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ (trong số đó, Đặng Hoàng Anh, con trai đầu của ông Đặng Hữu Ngọ, kĩ sư ngành điện và bà Hoàng Thị Minh, kĩ sư ngành hóa, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành kĩ thuật điện tại Pháp, khi bước vào tuổi 27).
Nay chi 4 Đặng Hữu ở Hạnh Lâm có hơn 200 nhân khẩu, trong đó có nhiều người là doanh nhân; nhiều người công tác trong hệ thống chính trị của xã (ông Đặng Hữu Hạnh là Chủ tịch UBND xã Hạnh Lâm). Hằng năm vào ngày giỗ tổ chi, con cháu nghiêm trang trước anh linh, hồn thiêng tiên tổ, bày tỏ lời nguyện hứa “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, khẳng định sự tiếp nối vững vàng. Tại lễ giỗ này, Trưởng chi trao giấy chứng nhận thành tích kèm theo phần thưởng cho các cháu học sinh giỏi, đỗ đại học, vượt khó vươn lên trong học tập...