Điểm tựa tin cậy trong hệ thống chính trị cơ sở

Vì Người cao tuổi 14/05/2025 07:52
![]() |
Hội NCT Trà Vinh tặng giấy khen cho nhiều cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc |
Với nền tảng đó, có thể thấy bức tranh tổng thể về NCT tại Trà Vinh hiện nay cũng phần nào lí giải được vì sao mô hình CLB LTHTGN lại nhận được sự quan tâm sâu sát.
Theo đó, Trà Vinh hiện có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, 104 xã, phường, thị trấn và 755 ấp, khóm. Tổng số NCT là 154.620 người, chiếm 13,9% dân số toàn tỉnh; trong đó có 17.282 cụ từ 80 tuổi trở lên. Đáng chú ý, toàn tỉnh còn 2.325 hộ NCT thuộc diện nghèo, cận nghèo. Với 105.294 hội viên, chiếm 92,95% NCT toàn tỉnh, Hội NCT trở thành lực lượng nòng cốt trong triển khai mô hình tại cơ sở.
Hơn thế, việc triển khai mô hình CLB được thúc đẩy mạnh mẽ khi tỉnh Trà Vinh thực hiện nghiêm túc các quyết định của Trung ương và địa phương. Theo Quyết định 1336/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 304/QĐ-UBND ngày 9/2/2021 của UBND tỉnh, các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã đã vào cuộc đồng bộ. Tất cả 9 huyện, thị xã, thành phố đều ban hành kế hoạch triển khai đề án, xác định chỉ tiêu thành lập CLB; đồng thời huy động sự phối hợp chặt chẽ của các chi bộ, Ban Nhân dân ấp, khóm và các tổ chức đoàn thể.
Kết quả ghi nhận trong giai đoạn 2021–2025 cho thấy sự bứt phá ngoạn mục; Trà Vinh có 94 CLB LTHTGN, đạt 188% chỉ tiêu đề ra (tăng 44 CLB so với mục tiêu). Các CLB này quy tụ 5.812 thành viên, trong đó 3.832 người là NCT, 1.980 người dưới 60 tuổi; cùng với đó có 3.488 thành viên nữ và 2.324 nam.
![]() |
Các đại biểu chục hình lưu niệm |
Không dừng lại ở trên, nếu tính cả các CLB đã thành lập trong giai đoạn trước, diện bao phủ mô hình ngày càng được mở rộng. Cụ thể: 39 CLB thành lập theo Đề án 1533/QĐ-TTg giai đoạn 2016–2020 (2.678 thành viên), đến nay toàn tỉnh có tổng cộng 132 CLB với 8.490 thành viên, trong đó có 5.823 NCT và 2.667 người dưới 60 tuổi. Đáng chú ý, huyện Càng Long nổi bật như một "điểm sáng" với 71 CLB – con số dẫn đầu toàn tỉnh.
Về mặt tổ chức, các CLB xây dựng với cấu trúc chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả vận hành. Mỗi CLB chia thành 6–8 tổ nhóm, mỗi tổ có ít nhất 10 thành viên. Ban Chủ nhiệm gồm 3–5 người phụ trách các mảng như tài chính, nhân sự, chăm sóc sức khỏe,v.v. góp phần đảm bảo các hoạt động được triển khai đồng đều và chuyên sâu.
Hoạt động của các CLB cũng hết sức phong phú, đa chiều, bám sát hướng dẫn của Trung ương Hội NCT. Trong đó nổi bật là các nội dung nâng cao nhận thức, chăm sóc sức khỏe, phát triển kinh tế, hỗ trợ người khó khăn và xây dựng cộng đồng bền vững.
Hơn thế, việc hỗ trợ tăng thu nhập cho thành viên là một điểm nhấn rõ nét trong hoạt động CLB. Đến nay, 94/94 CLB có tổ tăng thu nhập, hỗ trợ cho 699 thành viên vay vốn phát triển sản xuất; đồng thời, 350 thành viên được giúp đỡ khi gặp khó khăn. Các CLB đã tổ chức 350 hoạt động cộng đồng như phát hoang bụi rậm, trồng hoa ven đường, bảo vệ môi trường góp phần tô đẹp cảnh quan và tăng cường tình làng nghĩa xóm.
Một trong những yếu tố tạo nên sự bền vững cho mô này là tính tự chủ tài chính. Các CLB hoạt động hoàn toàn dựa vào nguồn lực tự huy động từ thành viên – mỗi người đóng góp 5.000 - 20.000 đồng/tháng. Đến nay, tổng quỹ của các CLB đạt 1,558 tỉ đồng. CLB khóm 8, thị trấn Càng Long là đơn vị có quỹ cao nhất tỉnh với 86,5 triệu đồng – minh chứng rõ ràng cho tinh thần đoàn kết và khả năng vận hành độc lập.
![]() |
Góp phần giúp NCT vượt qua khó khăn, thách thức trong cuộc sống |
Về quy mô và chất lượng, kết quả đạt được cũng rất đáng ghi nhận. 100% huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã thành lập CLB; trong đó có 94 CLB mới và 39 CLB duy trì tốt hoạt động. Tỉ lệ CLB đạt số lượng thành viên (50–70 người) là 78,72%, tỉ lệ CLB có tỉ lệ nữ đạt yêu cầu (60–70%) là 76,59%, và tỉ lệ CLB đảm bảo cơ cấu NCT và người dưới 60 tuổi là 69%.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, mô hình cũng bộc lộ một số tồn tại cần khắc phục. Một số CLB chưa đạt yêu cầu cơ cấu thành viên; năng lực một số Ban Chủ nhiệm còn hạn chế. Nhiều NCT ở nông thôn vì bận rộn lao động, chăm cháu nên chưa thể tham gia sinh hoạt. Mặt khác, còn có người e ngại nghĩa vụ tài chính hoặc thời gian họp hành chưa phù hợp.
Ngoài ra, cơ cấu hoạt động ở nhiều nơi còn thiếu sự cân đối. Một số CLB quá chú trọng vào nội dung tăng thu nhập, trong khi các hoạt động giao lưu văn hóa, nâng cao nhận thức cộng đồng lại có thể lãng quên ?
Dù vậy, không thể phủ nhận rằng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau tại Trà Vinh trở thành biểu tượng sinh động cho tinh thần tương trợ và gắn kết cộng đồng. Mô hình không chỉ là cầu nối giữa các thế hệ, mà còn là chỗ dựa tinh thần và vật chất vững chắc cho NCT – đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội hiện đại.
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, sự chủ động của Hội NCT và sự đồng hành của cộng đồng, Trà Vinh đang khẳng định vai trò tiên phong trong hành trình xây dựng xã hội già hóa năng động, nhân văn, bền vững. Những con số, mô hình và gương điển hình trong thực tiễn là minh chứng sống động cùng thuyết phục cho sự thành công của mô hình – một hành trình không chỉ dừng lại ở hiện tại, mà còn tiếp tục lan tỏa, nhân rộng với niềm tin và khát vọng vì tương lai tốt đẹp hơn cho NCT và thế hệ tương lai của con em chúng ta.