Đại dịch COVID 19 tại Việt Nam: Trong hoạn nạn mới tỏ lòng dân
Xã hội 15/04/2020 15:31
Căng thẳng và quyết liệt
Ngày 23/1/2020 (29 Tết Kỷ Hợi), Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh xác nhận 2 ca dương tính với SARS-COV- 2 từ Vũ Hán, Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam. Bộ Y tế quên Tết, Phó Thủ tướng phụ trách Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhanh chóng hình thành Ban chỉ đạo chống dịch, kích hoạt Trung tâm phòng chống dịch bệnh khẩn cấp. Ngày 12/2, lực lượng chống dịch xác định một ổ dịch đầu tiên ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ban chỉ đạo quyết định phong tỏa toàn bộ địa phương này. Tổng số ca dương tính với SARS-COV- 2 ở Việt Nam tăng lên con số 16. Nhưng điều kì diệu, vào ngày 25/2/2020, sau hơn một tháng, 16 bênh nhân dương tính với SARS-COV-2 được công bố khỏi bệnh. “Khúc dạo đầu” của bản “anh hùng ca lịch sử” vang lên.
Ngày 6/3, ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên của thủ đô Hà Nội, ca thứ 17 của Việt Nam, là một cô gái trẻ, trở về từ nước Anh qua sân bay Nội Bài, có nhà tại phố Trúc Bạch. Tối 6/3, con phố Trúc Bạch được phong tỏa. Một số ca nhiễm thông qua ca số 17 được xác định. Ngày 10/3, Việt Nam ghi nhận thêm bệnh nhân số 34, sống tại Bình Thuận, là một doanh nhân trở về từ Mỹ. Bệnh nhân này là nguồn lây cho 11 người khác. Từ đây, số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng hằng ngày. Ban chỉ đạo xác định hai ổ dịch mới: phố Trúc Bạch và Bệnh viện Bạch Mai, TP Hà Nội; TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Cả ngành y bao gồm Bộ Y tế, Quân y… và chính quyền các cấp hai địa phương, ở hai ổ dịch vào cuộc, quyết liệt cách li, dập dịch.
Ảnh minh họa |
Trước tình trạng các ca nhiễn COVID 19 xâm nhập từ nước ngoài tăng nhanh, ngày 17/3, Thủ tướng Chính Phủ quyết định tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Ngày 21/3, Thủ tướng quyết định tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài từ 0 giờ ngày 22/3, đồng thời thực hiện cách li tập trung 14 ngày đối với mọi trường hợp nhập cảnh. Chiều 20/3, Bộ Y tế công bố bệnh nhân COVID 19 thứ 86 và 87 là 2 nữ điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai. Đáng nói là tiền sử dịch tễ của 2 bệnh nhân này không cho thấy nguồn lây. Ngày 28/3, Bộ Y tế công bố bệnh nhân 91, là phi công Vietnam Airlines, người Anh, về từ Anh. Trước khi bị phát hiện dương tính với COVID 19, ông có đến dự tiệc ở quán bar Buddha tại phường Thảo Điền, quận 2, TP HCM. Ba bệnh nhân này mở đầu cho giai đoạn mới của dịch COVID 19 tại Việt Nam: Giai đoạn lây nhiễm trong cộng đồng.
Ở Bệnh viện Bạch Mai, từ hai nữ điều dưỡng, các “dũng tướng” và “chiến binh” áo trắng đã tìm ra manh mối nguồn lây. Đó là nhân viên Công ty TNHH Trường Sinh, đơn vị cung cấp suất ăn, nước uống cho bệnh viện. Kết quả xét nghiệm 6.650/7.264 mẫu của y bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, có thêm 17 ca dương tính, trong đó 15 người là nhân viên của Công ty Trường Sinh. Mở rộng diện “truy lùng” các “chiến binh” áo trắng còn ghi nhận 7 trường hợp nhiễm SASR-CoV-2 là nhân viên Công ty cung cấp dịch vụ Trường Sinh, 1 bệnh nhân, 3 người nhà chăm sóc bệnh nhân khác. Các chuyên gia y tế xác định, Công ty Trường Sinh là nguồn lây nhiễm chính tại ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai.
Ảnh minh họa |
Ở TP Hồ Chí Minh, qua “xác minh truy tìm”, các “chiến binh” áo trắng thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố phát hiện: Ngày 14/3 tại quán bar Buddha có buổi tiệc gồm 194 người tham dự, trong đó có bệnh nhân số 91. Trung tâm tổ chức “truy lùng” 194 người liên quan, lấy mẫu xét nghiệm, 13 trường hợp dương tính, phần lớn là người nước ngoài. Hàng nghìn người liên quan tiếp tục được quản lí, cách li, xét nghiệm và “bao vây”.
Trước nguy cơ dịch bùng phát cả nước, ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết để chiến thắng đại dịch. Ngày 1/4/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Chỉ thị số 16, thực hiện cách li toàn xã hội với phương châm: Gia đình cách li gia đình, thôn bản cách li thôn bản, xã cách li xã, huyện cách li huyện, tỉnh cách li tỉnh, theo đó một loạt biện pháp cụ thể được triển khai. Cả nước ra quân, cả nước đồng lòng quyết tâm dập dịch. Bộ Chỉ huy chống dịch, các “tướng lĩnh”, “chiến binh” áo trắng, áo xanh lá cây (quân đội và công an) lại ra quân quên mình “dập dịch”. Ngày11/4, 255 khách liên quan đến quán bar Buddha vào ngày 14/3 đã hoàn thành thời gian cách li. Ngoài ra, 4.283 người tiếp xúc với các ca đến quán bar này cũng đã hết thời gian “kiểm soát”. Ngày 15/4, Trung tâm kết thúc theo dõi chuỗi lây nhiễm này. Ổ dịch quán bar Buddha chính thức bị dập tắt.
Mặc dù ở Hà Nội lại xuất hiện thêm một ổ dịch mới tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, tính đến 15/4 ổ dịch này đã có 12 ca nhiễm, nhưng sẵn có kinh nghiệm dập dịch ở các ổ dịch nơi khác, nên Hà Nội vẫn kìm chế và hiện ổ dịch đang trong tầm kiểm soát.
Ảnh minh họa |
Trong hoạn nạn, mới tỏ lòng dân
Cuộc chiến chống đại dịch COVID 19 là vô cùng to lớn. Tổn thất về kinh tế là chưa thể tính được. Với Việt Nam, khi dịch bùng phát, Chính phủ đã huy động lực lượng toàn xã hội, trong đó chủ lực là ngành y; ngoài các bệnh viện chuyên ngành, còn hình thành các cơ sở điều trị từ huyện đến Trung ương; thành lập thêm các bệnh viện dã chiến; hình thành các trung tâm cách li; bố trí cơ sở hậu cần; phát động toàn dân ủng hộ dập dịch bằng nhiều cách; thường xuyên cập nhật thông tin về dịch…
Như một lẽ thường tình từ lâu đời, khi nước nhà gặp hoạn nạn, lòng yêu nước của Nhân dân lại nổi lên cuồn cuộn như triều dâng, sóng dậy. Khi Tổ quốc bị xâm lăng, mẹ Việt Nam gửi những đưa con rứt ruột của mình ra chiến trường. Các con mẹ hi sinh để mẹ trở thành Anh hùng. Giờ mẹ đã ở độ tuổi 90, đất nước gặp đại dịch, còn ít đồng tiền tiết kiệm từ xương máu của con, mẹ lại hiến dâng. Hành vi của mẹ có nên tặng danh hiệu Anh hùng lần thứ hai không? Một mẹ cô đơn khác cũng ở độ tuổi 90, không chấp nhận phận nghèo, nay đất nước lâm nguy, mẹ đưa đồng tiền ít ỏi cả dời mẹ dành dụm, ủng hộ quốc gia chống dịch. Một cháu bé tuổi lên năm, ở nhà một mình để bố mẹ suốt ngày, đêm đi chống dịch. Một cặp vợ chồng ngành y mới cưới, buộc cách mặt để làm nhiệm vụ, nhưng họ không cách lòng. Những chị, những em bỏ việc nhà, góp gạo nấu cơm cho người cách li. Hàng vạn GS, TS, y bác sĩ sau một, hai đêm… tóc bạc thêm nhiều phần vì gồng mình chống dịch. Chống dịch như chống giặc. Dập dịch như dập lửa. Dù nền kinh có bị tổn hại, nhưng quyết không để cho dân lâm nguy. Báo chí vào cuộc, cả mạng xã hội vào cuộc… Phải nói là cả toàn dân hành động, cả xã hội vào guồng, chẳng khác nào thời chiến tranh.
Ảnh minh họa |
Không còn lời lẽ nào để ca ngợi lòng dân, mô tả sức dân. Bởi có sức mạnh từ Nhân dân, nên “giặc COVID 19” bị dập từ ổ nhóm này sang ổ nhóm khác, hiện đang bị “dồn vào chân tường” không lối thoát. Cuộc chiến chống COVID 19 không phải “vườn không, nhà trống” mà là “phố vắng, đường thưa”. Cuộc chiến chống đại dịch COVID 19 làm cho Nhân dân ta xích lại gần hơn, chia sẻ, cảm thông hơn. Qua cuộc chiến này, quốc tế đã, đang và sẽ hết lời ca ngợi Việt Nam như là hiện tượng. Họ lạ và khâm phục về cách điều hành của Chính phủ. Họ lạ còn vì sự đồng lòng và sức mạnh của Nhân dân. Lịch sử đất nước ghi thêm một mốc son nữa, khi dân tộc Việt Nam đứng trước nguy cơ, lòng yêu nước, thương nòi của người dân Việt Nam lại trỗi dậy, không gì có thể ngăn cản được.
Sáng 15/4, Bộ Y tế vẫn thông báo có thêm ca mắc mới tại ổ dịch Hạ Lôi, Mê Linh, nâng tổng số ca mắc lên 267. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng cho biết, đến ngày 15/4, cả nước có 166 ca được chữa khỏi, chưa có ca nào tử vong. Sáng 15/4, Ban chỉ đạo công bố nới lỏng cách li xã hội đối với tất cả các tỉnh thành, trừ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhưng phải thường xuyên khử trùng bằng dung dịch diệt khuẩn, đeo khẩu trang khi ra đường, khi tiếp xúc với người khác, hoặc đến nơi làm việc. Như vậy, cuộc chiến chống đại dịch COVID 19 của Việt Nam vẫn còn ở phía trước. Nhưng thắng lợi bước đầu thì đã đến. Chúng ta tin tưởng thắng lợi cuối cùng nhất định sẽ thuộc về Nhân dân ta.
(Các ảnh của bài viết khai thác trên Internet, nhằm minh họa cho bài báo)