Đa dạng sinh kế của người cao tuổi ở miền Tây Nam Bộ
Xã hội 06/04/2023 10:02
Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Khmer ở xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên tập trung nhiều tại ấp Srây Skốth. Những người thợ lâu năm kể, xưa kia làng nghề chỉ dệt một loại sà rông. Từ sản phẩm truyền thống ban đầu, thợ dệt sáng tạo hoa văn cách điệu, mẫu mã đa dạng hơn trước đây. Thông thường vào dịp Tết dân tộc, lễ hội hoặc khi đi chùa lễ Phật, cùng với trang phục truyền thống, người phụ nữ Khmer vắt qua vai chiếc khăn rằn hoặc khăn trắng, hồng được xếp lại, vừa mang tính thẩm mĩ, vừa có ý nghĩa tín ngưỡng, tạo thành nét văn hóa Khmer.
Chị Néang Chanh Ty trực tiếp chỉ dạy cho lao động nữ ở địa phương. |
Được truyền nghề từ mẹ, bà Néang Sa Mol, 54 tuổi, ở xã Văn Giáo, với thâm niên mấy chục năm theo nghề dệt thổ cẩm, nổi tiếng với các sản phẩm khăn hình (tượng Phật, hoa văn…) và được tỉnh tặng danh hiệu “Nghệ nhân An Giang”. Bà Néang Sa Mol cho biết, trước đây nghề dệt trong xóm rất xôm tụ, các công đoạn, như: Trồng dâu, nuôi tằm, nhuộm vải, quay tơ, dệt… đều được người thợ làm thủ công. Tuy cực, nhưng những người thợ rất vui vì góp phần gìn giữ được nét văn hóa của dân tộc.
Du khách trong, ngoài nước thích thổ cẩm Văn Giáo ở sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại trên từng họa tiết, hoa văn, màu sắc, nhất là khách hàng ở Campuchia. “Với chiếc khăn dài 3m, ngang 0,95m, khăn màu có giá 900.000 đồng đến 1 triệu đồng, còn khăn hình từ 1,2 - 1,3 triệu đồng. Phải chuẩn bị nguyên liệu và dệt hoàn toàn thủ công nên mất khoảng 10 ngày mới xong sản phẩm” - bà Néang Sa Mol cho hay.
Học nghề từ thời trẻ, đến nay bà Néang Nol, 60 tuổi, xã Văn Giáo lại tiếp tục chỉ dạy cho con gái, con dâu. Bà Néang Nol cho biết, trước đây nghề rất hưng thịnh, ở trong phum, sóc có nhiều phụ nữ theo nghề. Tuy nhiên, dệt thổ cẩm tốn nhiều thời gian vì các công đoạn đều làm thủ công nên không còn là lựa chọn của người trẻ. Hiện nay, đa phần lao động theo nghề chủ yếu là những người phụ nữ trung niên, lớn tuổi.
“Thực sự ra, nghề dệt có thể làm trong lúc rảnh rỗi, còn lại có thể đi cấy lúa, lo cơm nước cho gia đình... Nếu người nào có thời gian làm nhiều thì sản phẩm hoàn thành trong 5 - 7 ngày, còn tranh thủ làm thêm việc đồng áng, việc nhà cần thời gian lâu hơn. Bình quân mỗi sản phẩm, người làm có thu nhập từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng” - bà Néang Nol giải thích.
Ở kế bên nhà, bà Néang Bung Sa, 63 tuổi đang loay hoay bắt chỉ vào khung để chuẩn bị dệt. Do được đặt hàng khổ vải lớn, các khâu chuẩn bị cần nhiều thời gian hơn. Chỉ riêng công đoạn bắt chỉ vào khung mất khoảng 4 ngày vì số lượng chỉ nhiều, phải cẩn thận từng sợi mới không bị rối. Có những người không làm được công đoạn bắt chỉ, vậy là bà Néang Bung Sa vừa dệt tại nhà, vừa nhận làm thêm công việc bắt chỉ kiếm thêm thu nhập trong lúc nông nhàn.
Do thu nhập còn ít, công sức bỏ ra khá nhiều, chị em làng nghề coi dệt là nghề phụ. Tuy nhiên, với nhiều lớp dạy nghề, cùng với việc xây dựng thành sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) sẽ giúp giới thiệu, quảng bá sản phẩm vươn xa hơn. Việc thành lập Hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo giúp tập hợp những người thợ lành nghề, tạo việc làm cho lao động là phụ nữ dân tộc Khmer. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền địa phương, đã tổ chức các lớp nâng cao tay nghề cho chị em phụ nữ về cách dệt thổ cẩm đạt yêu cầu thẩm mĩ, chất lượng, kĩ thuật, cách phối màu, thời gian dệt…
Với 24 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm, bà Néang Chanh Ty, người trực tiếp giảng dạy cho chị em phụ nữ ở địa phương. Mỗi lớp học kéo dài trong 6 tháng, học viên sẽ được chỉ dạy 17 công đoạn để làm ra các sản phẩm thổ cẩm. Trong lớp cũng có học viên đã biết qua nghề dệt, muốn học thêm những kĩ thuật mới để làm ra sản phẩm chất lượng hơn.
Bên cạnh đó, vẫn có nhiều học viên là những cô gái trẻ chưa từng học qua, được bà Néang Chanh Ty chỉ dạy tận tình, “cầm tay chỉ việc” từng công đoạn từ luộc tơ, nhuộm màu, quay tơ, bắt bông… Việc huy động những người trẻ theo học nghề truyền thống là rất đáng quý nên bà Néang Chanh Ty hướng dẫn rất kĩ. Khi có đơn đặt hàng sẽ giao cho học viên đã ra nghề cùng làm, giúp chị em có thêm thu nhập gắn bó với nghề lâu dài hơn.
Hiện nay, khách hàng sử dụng sản phẩm không chỉ có bà con Khmer mà còn nhiều khách du lịch trong, ngoài nước mua về để làm trang phục thời trang, trang trí ở sự kiện… Nhờ vậy, lao động ở địa phương có việc làm thường xuyên.