Chuyện về người lái chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975
Xã hội 30/04/2024 08:04
Thời gian đầu mới nhập ngũ, tôi được phân công vào đơn vị huấn luyện bộ binh 325 tại Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Huấn luyện xong, tôi được tuyển vào bộ đội xe tăng Tiểu đoàn 512, thuộc Trung đoàn 203 xe tăng. Kết thúc thời gian huấn luyện, giữa năm 1971, đơn vị của chúng tôi nhận nhiệm vụ vào Nam chiến đấu. Thời gian ấy, Trung đội xe tăng của chúng tôi thuộc Đại đội Tăng 4, Tiểu đoàn Tăng 1, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn II. Xe tăng của tôi mang biển hiệu 390, gồm có Trung úy Vũ Đăng Toàn, chính trị viên Đại đội, kiêm trưởng xe; Trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên, pháo thủ số 1; Thiếu úy, Lê Văn Phượng, Phó Đại đội trưởng kĩ thuật, kiêm pháo thủ số 2 (thay pháo thủ số 2 bị thương); cuối cùng là trung sĩ lái xe là tôi-Nguyễn Văn Tập.
Sau khi Hiệp định Paris (năm 1973), Đại đội 4, Tiểu đoàn 4, thuộc Lữ đoàn xe tăng 203 của chúng tôi rút về A Sầu, A Lưới (Quảng Trị) để huấn luyện, củng cố lực lượng, chuẩn bị sẵn sàng cho nhiệm vụ chiến đấu sắp tới. Tháng 3/1975, cả đơn vị của tôi bước vào những trận chiến đấu mới. Hai ngày 17 và 18/3, chiến đấu tiêu diệt địch ở núi Bông, núi Nghệ (phía Tây Nam Huế) và tiến vào giải phóng TP Huế. Ngày 25/3/1975 đơn vị chúng tôi tham gia chiến đấu giải phóng TP Đà Nẵng. Sau đó đơn vị củng cố, bổ sung đạn dược và quân số. Lúc này Đại đội 4, Tiểu đoàn 4 của tôi được chuyển về Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng 203. Đầu tháng 4, đơn vị chúng tôi tiếp tục hành quân thần tốc, chiến đấu giải phóng các địa phương: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Phan Rang, Phan Thiết, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đồng Nai.
Ngày 26/4/1975, toàn bộ Lữ đoàn tăng 203 của tôi bắt đầu nhận nhiệm vụ mới: Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ba ngày sau, Đại đội 4 đã giải phóng được căn cứ Nước Trong, Trường sĩ quan thiết giáp của địch, tạo mũi thọc sâu cho Quân đoàn 2. Khoảng 7 giờ sáng ngày 30/4/1975, Đại đội 4 xe tăng của ta đã chiếm được đầu cầu Sài Gòn. Lúc này Đại đội 2 và Đại đội 3 thuộc Tiểu đoàn 1 xe tăng của chúng ta bị địch phản công quyết liệt. Xe tăng của Đại đội 3 bị địch bắn cháy nhiều chiếc. Đồng chí Ngô Quang Nhỡ, Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 1 đã anh dũng hi sinh ngay tại đầu cầu Sài Gòn. Với lực lượng xe tăng của ta hùng hậu, lại có pháo binh từ xa yểm trợ, nên chúng tôi đã đè bẹp quân địch ngay tại chân cầu Sài Gòn. Từ đó xe tăng của chúng tôi vượt qua cầu, tiến về nội thành.
Thực hiện mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa!”, 7 xe tăng của Đại đội 4 chia thành hai hướng khác nhau tiến vào nội thành Sài Gòn. Xe tăng chúng tôi tiến đến ngã tư Hàng Xanh thì bất ngờ gặp 2 xe tăng M-113 của địch lao ra cản đường. Chiếc xe tăng 390 của tôi bắn một quả đạn xuyên, tiêu diệt tại chỗ 2 xe tăng của địch.
Khi gần đến Dinh Độc Lập, xe chúng tôi phát hiện xe tăng 843 của đồng chí Bùi Quang Thận đang tiến về hướng cổng Dinh Độc Lập, không hiểu sao lại rẽ sang cổng phụ rồi dừng lại. Thấy vậy tôi hỏi đồng chí Toàn: Thế nào anh? Đồng chí cứ tông thẳng vào! Ngay lập tức, tôi nhấn ga tông thẳng vào cổng chính Dinh Độc Lập và đưa xe tăng vào trong sân. Xe tăng vừa dừng, đồng chí Vũ Đăng Toàn liền cầm cờ Giải phóng nhảy trên mui xe xuống định chạy lên cắm cờ. Thấy thế, đồng chí Phượng ngăn lại và trao đổi nhanh với đồng chí Toàn: Đồng chí Thận đang cầm cờ Giải phóng chạy phía sau, anh em mình nên ở lại xe dùng pháo 12,7 li yểm trợ cho đồng chí ấy lên cắm cờ. Đồng chí Toàn gật đầu nhất trí. Vừa lúc đó, đồng chí Thận cầm cờ chạy đến xe tăng 390 của chúng tôi, đồng chí Toàn cầm khẩu AK chạy theo yểm trợ cho đồng chí Thận.
Vào trong Dinh Độc Lập, đồng chí Thận bảo người lính ngụy đang gác ở cầu thang dẫn mình lên cắm cờ trên đỉnh Dinh Độc Lập. Còn đồng chí Toàn bước vào phòng họp khống chế toàn bộ nội các Dương Văn Minh. Khoảng mười phút sau, đồng chí Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 và một tiểu đội quân Giải phóng, súng AK cầm chắc trong tay đã có mặt kịp thời. Đồng chí Tùng khống chế Tổng thống Dương Văn Minh ra Đài phát thanh Sài Gòn đọc bản tuyên bố đầu hàng vô điều kiện quân Giải phóng.
Sau khi xe tăng 390 của tôi húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập, các xe tăng còn lại của Đại đội 4 cũng tiến vào Dinh Độc Lập. Tiếp đến là các xe tăng thuộc binh chủng tăng thiết giáp quân Giải phóng từ 5 cánh cũng tiến vào Sài Gòn. Trong thời khắc đó khắp các đường phố Sài Gòn tràn ngập cờ hoa, tưng bừng ngày hội đón chào quân Giải phóng. Ngay trên sân Dinh Độc Lập, những người lính chúng tôi ôm nhau reo hò mừng chiến thắng, ai nấy nước mắt cứ trào ra vì vui sướng.
Ông Tập kể tiếp: Sau khi nước nhà thống nhất, những người lính trên chiếc xe tăng 390 chúng tôi trở thành những cựu chiến binh về quê hương đoàn tụ với gia đình. Tôi - Nguyễn Văn Tập xuất ngũ cuối năm 1976, còn trưởng xe Vũ Đăng Toàn xuất ngũ năm 1985, trở về với cuộc sống đời thường nơi quê cha đất tổ huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương gắn bó với công việc đồng áng, xây dựng cuộc sống mới.
Năm 2004, sau khi Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng trên VTV về chương trình “Huyền thoại chiếc xe tăng 390”, tôi và đồng chí Toàn được lãnh đạo Công ty Sơn KOVA nhận vào làm việc, với công việc lái xe nâng, kiêm thủ kho, với mức lương trung bình 9 triệu đồng/ tháng. Có đồng lương ổn định, tôi gửi về cho vợ nuôi các con ăn học. Hiện nay các con tôi đã có nghề nghiệp ổn định, trong đó có một con trai đang là sĩ quan chuyên nghiệp tại một đơn vị xe tăng của Quân đội ta.
Kể xong, ông Tập hát một đoạn bài ca người cựu chiến binh: Niềm tự hào chúng ta/ Là anh bộ đội Cụ Hồ/ Niềm tự hào chúng ta/ Là cựu chiến binh Việt Nam”. Chúng tôi nghe ông hát mà vô cùng xúc động và khâm phục về thế hệ những người lính Cụ Hồ đã làm nên lịch sử vẻ vang cho dân tộc: “Đánh cho Mỹ cút/ Đánh cho Ngụy nhào”, để hôm nay Nhân dân ta được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, “Ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”; cùng nhau đoàn kết xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ hằng mong ước.