Chuyện về người hồi sinh Bàu Mọc
Tuổi cao gương sáng 01/12/2021 12:12
Sau 4 năm phục vụ trong quân ngũ, tháng 1/1992, ông Phạm Văn Khẩn xuất ngũ về địa phương (xóm 8, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) làm ruộng. Năm 1993, ông Khẩn kết hôn với bà Phạm Thị Vân, người cùng huyện. Thương em út vất vả, 6 anh chị em trong gia đình góp được 200.000 đồng cho vợ chồng ông mua căn nhà tranh nhỏ để ở.
Ban đầu do vốn ít, vợ chồng ông nuôi con gà, con lợn, theo kiểu “tích tiểu thành đại”. Khi đủ tiền, vợ chồng ông mua bò. Nhờ “mát tay”, bò, lợn của gia đình ông ngày một “sinh sôi nảy nở”. Nhưng nuôi bò, nuôi lợn ngoài kinh nghiệm, đồng vốn muốn phát triển còn phải có mặt bằng xây chuồng trại, trồng cỏ và chăn thả bò.
Để có đất làm trang trại, phát triển sản xuất, chăn nuôi, vợ chồng ông đã vận động được 30 hộ dân có đất ở Bàu Mọc đồng ý nhượng lại, tổng cộng được hơn 7.000 m2. Sau khi có đất, vợ chồng ông đào ao, thả cá, đắp đất tôn cao, xây dựng chuồng trại.
Vợ chồng ông Phạm Văn Khẩn. |
Theo đó, vợ chồng ông đầu tư đào 5.500m2 làm ao thả cá, mặt nước nuôi vịt, nuôi ngan; số diện tích còn lại đắp đất tôn cao làm chuồng trại. Để nuôi trâu, bò, hàng hóa, ban đầu ông mày mò học nghề thú y, xem trâu bò giống. Tiếp đó, vợ chồng ông đến các huyện miền núi Nghệ An mua trâu bò về nuôi. Con nào đẹp, khỏe mạnh để lại làm giống; còn lại vỗ béo, khi đủ tuổi, đủ trọng lượng bán ra thị trường. Trâu giống, bò giống của gia đình ông được khách hàng tin tưởng mua nhiều nên có khi không đủ hàng để bán. Con giống bán xong có giấy bảo hành nên bạn hàng tin tưởng; trâu bò thịt mỗi lứa xuất bán sang Trung Quốc từ 100 đến 150 con. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ các chi phí, gia đình ông thu gần 2 tỉ đồng. Trang trại của vợ chồng ông tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động, với thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng.
Những năm 2000 trở về trước, diện tích ruộng Bàu Mọc, xã Nghi Phong là ruộng sâu, quanh năm ngập nước, cỏ lác ngập đầu người. Thời kì đó, những người được giao đất ở Bàu Mọc làm ăn theo kiểu “được chăng hay chớ", “bỏ thì thương, vương thì tội" nên hiệu quả kinh tế rất thấp. Thế nhưng từ khi được vợ chồng ông Khẩn nhận chuyển nhượng, đầu tư xây dựng trang trại, hiệu quả kinh tế của vùng Bàu Mọc tăng lên rõ rệt. Trung bình mỗi sào ruộng bàu Mọc trồng lúa trước đây thu lãi khoảng 1 triệu đồng/năm, nhưng từ khi được vợ chồng ông Khẩn chuyển sang làm kinh tế trang trại, hiệu quả tăng hàng chục lần. Hiện trang trại của vợ chồng ông Khẩn thường xuyên có khoảng 150 con trâu, bò các loại, trong đó có hơn 100 con trâu đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Nhận xét về ông Phạm Văn Khẩn, ông Hoàng Mạnh Hà, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nghi Phong cho biết: Ông Khẩn là một công dân gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, là hộ sản xuất chăn nuôi giỏi, thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm. Ngoài làm kinh tế, ông còn giúp đỡ và tạo việc làm cho nhiều người. Luôn đi đầu trong các phong trào đóng góp ở địa phương, như ủng hộ đồng bào bị bão lụt, Quỹ phòng chống Covid-19 hàng chục triệu đồng; ủng hộ hàng trăm suất ăn cho các khu cách li Covid-19,… Trong nhiều năm qua, vợ chồng ông được suy tôn "Hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã, cấp huyện".
Còn ông Phạm Ngọc Chương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nghi Phong đánh giá: Ông Phạm Văn Khẩn là người chịu khó học hỏi, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, luôn đi đầu trong mọi công việc, xứng đáng với phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" trên mặt trận sản xuất, kinh doanh”.
Nhìn trang trại của gia đình vợ chồng ông Khẩn, với căn nhà hai tầng khang trang, ô tô chở hàng, ô tô con đậu giữa sân, cùng đàn trâu đang ung dung gặm cỏ, tôi bất chợt nhớ câu nói của một triết gia: "Trên con đường thành công, không có dấu chân của những kẻ lười nhác''. Chân lí đó, ở vợ chồng ông Phạm Văn Khẩn là minh chứng điển hình.