Chuyện về “Cu Theo” ba lần được gặp Bác Hồ
Xã hội 02/01/2022 11:21
Năm Nguyễn Văn Hòa - “cu Theo” mới 1 tuổi, cha đi tập kết ra Bắc. Thuở đó, mẹ ông, bà Nguyễn Thị Quên, một mình gồng gánh nuôi 3 con thơ. Người cha chỉ kịp đặt cho ông cái tên là Theo. Mọi người gọi là “cu Theo” cho dễ nhớ.
Rồi cu Theo được vào đội du kích của xã, làm nhiệm vụ dẫn đường cho cán bộ cách mạng mỗi bận qua quê mình. Gan lì, dũng cảm nên cu Theo chẳng mấy chốc được cấp trên tin tưởng. “Thời đó, chúng tôi thường ăn bờ ngủ bụi, tối nào cũng không có mặt ở nhà vì bận hoạt động” - ông Hòa nhớ lại. Năm 14 tuổi, cu Theo đã làm đội trưởng Đội thiếu niên của xã. Liên tiếp trong hai năm 1966 và 1967, ông lập công lớn và 2 lần được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, được các anh chị lớn tuổi đặt cho tên mới là Nguyễn Văn Hòa, để tránh bị lộ.
Ông Nguyễn Văn Hòa bên tấm ảnh chụp với Bác Hồ |
Năm 1968, “cu Theo” cùng ba thiếu niên khác vinh dự được chọn vượt Trường Sơn ra Bắc, và “cu Theo” đã ba lần được gặp Bác. Lần gặp đầu tiên vào ngày 4/9/1968, tại Phủ Chủ tịch. Đã hơn 50 năm trôi qua nhưng giờ đây, ông Hòa vẫn nhớ như in chuyến ra Bắc năm ấy. Đó là chuyến đi bộ kéo dài hơn 1 tháng ròng rã men theo đường Trường Sơn đầy mưa bom bão đạn. Ông kể: “Đoàn chúng tôi chỉ có 4 người, là bạn bè đồng trang lứa được phong “Dũng sĩ diệt Mỹ” ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Đứa nào cũng háo hức, cứ phăng phăng băng rừng lội suối để nhanh được gặp Bác. Vào ngày 4/9/1968, tại Phủ Chủ tịch, tôi cùng các bạn trong đội “Dũng sĩ diệt Mỹ” miền Nam được thỏa lòng ước mơ gặp Bác. Bác đã ân cần hỏi han gia cảnh từng đứa, sức khỏe của mỗi người. Lúc đó, chúng tôi rất xúc động, nước mắt chực chờ rơi mà chân muốn bước cũng chẳng được”.
Sau buổi cơm tối, Bác Hồ đã hỏi từng cháu về nguyện vọng của mình. Có đứa nói muốn về nhà, đứa muốn ở lại học. Riêng cu Theo nói với Bác là muốn gặp lại người cha của mình, vì đã 14 năm xa cách. Nghe trình bày xong, Bác liền quay qua nói với nhà thơ Tố Hữu hãy giúp đỡ cu Theo - người đồng hương. Vào cuối năm 1968, tại buổi mít tinh kỉ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Nguyễn Văn Hòa lại được vinh dự gặp Bác Hồ. “Mới gặp tôi, Bác hỏi ngay việc tìm cha của mình đã có kết quả gì chưa. Tôi thưa rằng là chưa gặp được cha, Bác liền quay sang hỏi nhà thơ Tố Hữu sao lâu vậy” - ông Hòa xúc động.
Sau lễ mít tinh, Nguyễn Văn Hòa được nhà thơ Tố Hữu cho xe đón về nhà riêng và nói rằng, dù đã gọi điện thoại khắp mọi nơi nhưng do chiến tranh, điều kiện khó khăn nên chưa tìm được cha cho ông. Rồi nhà thơ Tố Hữu ngồi hỏi cặn kẽ ông về hoàn cảnh gia đình, họ tên cha mẹ, quê quán… Chừng vài ngày sau, trên Báo Nhân Dân in bài thơ: “Chuyện em Hòa…”, được viết theo thể lục bát, dài 112 câu. Bài thơ bắt đầu bằng mấy câu: “Tên em là Nguyễn Văn Hòa/Mẹ em thường gọi em là cu Theo/Cha đi tập kết, nhà nghèo/Sớm khuya tay mẹ chống chèo nuôi con…” và kể về tên tuổi cha, mẹ, anh, chị của Hòa rất chi tiết. Thật bất ngờ, 10 ngày sau khi bài thơ đăng, nhà thơ Tố Hữu nhận được bức điện đánh ra từ tỉnh Quảng Bình báo tin: Cha “cu Theo” là ông Nguyễn Văn Cục, lúc trước công tác tại Huyện ủy Lệ Thủy, đã nghỉ hưu và đang sinh sống ở địa phương này. Và 1 tháng sau, ông Cục đã được đưa ra Bệnh viện K15 - nơi cu Theo đang được điều trị - để cha con gặp nhau.
Sau chiến tranh, ông Hòa đảm nhận nhiều công tác trong tổ chức Đảng và chính quyền. Trước khi về hưu, ông làm Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế. Sau khi về hưu, ông rời TP Huế về sống ở nơi mình đã chào đời, cầm súng đánh giặc là phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông Hòa năm nay sắp bước vào “tuổi xưa nay hiếm”, các vết thương trong chiến tranh thường xuyên tái phát làm sức khỏe của ông kiệt quệ, chân đau nhức không đứng dậy nổi. Những năm trước khi còn khỏe, ông phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tổ chức tìm kiếm hài cốt của các liệt sĩ. Từ năm 2014 đến nay, ông đã tìm được 50 hài cốt liệt sĩ để đưa về an táng tại các nghĩa trang TP Huế. Ông tâm sự “Đời tôi trải qua khá nhiều lần vào sinh ra tử bởi chiến tranh, bệnh tật, tưởng chừng không qua khỏi, nay còn sống, trong khi nhiều đồng đội đã ngã xuống nên tôi phải có trách nhiệm với đồng đội”.