Chính phủ trình Quốc hội giảm thuế giá trị gia tăng
Kinh tế 09/05/2023 07:48
Sự cần thiết của đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng
Có thể thấy, trong thời gian qua, đặc biệt là năm 2022, Chính phụ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp để hỗ trợ về thuế, phí và lệ phí nhằm giảm nghĩa vụ đóng góp của doanh nghiệp, người dân được triển khai thực hiện với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng, đã góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như hoạt động của doanh nghiệp, người dân, qua đó đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước (NSNN). Tuy nhiên, việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ nêu trên cũng có ảnh hưởng nhất định tới việc triển khai công tác về NSNN. Mặc dù kết quả thu NSNN của năm 2022 là tích cực, nhưng từ cuối năm 2022 và đặc biệt những tháng đầu năm 2023 đã cho thấy xu hướng giảm.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế thu NSNN quý I/2023 ước đạt 411,8 nghìn tỷ đồng, bằng 30,9% dự toán, tăng 5,4% so cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, nếu loại trừ quyết toán thuế TNDN của năm 2022 thì số thu giảm 6% so cùng kỳ. Số thu NSNN tháng 3 giảm so với tháng 2 và tháng 2 giảm so với tháng 1. Bên cạnh đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu thực hiện trong quý I bằng 26,9% dự toán, giảm 16,4% so cùng kỳ năm 2022.
Chính phủ trình Quốc hội giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2023 |
Dự báo tình hình thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp hơn; khó khăn thách thức đối với nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp ngày càng tăng, tạo sức ép lớn đối với ổn định kinh tế vĩ mô, tác động tới phục hồi và phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực. Tăng trưởng GDP quý I/2023 đạt 3,32%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ là tăng trưởng GDP quý I đạt 5,6%. Tăng trưởng chủ yếu nằm ở 02 khu vực dịch vụ và nông - lâm - thủy sản, trong khi khu vực công nghiệp vốn luôn là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế nhưng lại đang suy giảm. Nhiều doanh nghiệp đã sa thải hoặc giãn việc một số lượng lớn công nhân, do doanh nghiệp bị cắt giảm hoặc không có đơn hàng, khiến đời sống một bộ phận người lao động gặp nhiều khó khăn. Thực tế này đang đặt ra nhiều thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023. Do đó, đòi hỏi cần có thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế để có thể tiếp tục duy trì đà phục hồi.
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia đã thực hiện trong thời gian qua, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, các nước thường áp dụng các gói gồm nhiều biện pháp chính sách, mà trọng tâm là hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền, nguồn vốn trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất thông qua chính sách tiền tệ, như: Hạ lãi suất cho vay và đẩy mạnh hoạt động cho vay, giãn nợ ngân hàng; bên cạnh đó là các giải pháp kết hợp để giảm gánh nặng thanh toán, gồm: Cắt giảm chi phí kinh doanh (giảm tiền thuê mặt bằng, tiền thuê đất, phí dịch vụ), gia hạn thời hạn nộp thuế; tăng chi tiêu cho an sinh xã hội, hỗ trợ tiền mặt cho người dân; đẩy mạnh đầu tư công vào các lĩnh vực then chốt như hạ tầng, công nghệ...
Giải pháp về thuế mà các nước đã áp dụng chủ yếu tập trung vào các sắc thuế, nhằm giải quyết trực tiếp vấn đề khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp, như: Gia hạn thời hạn nộp thuế; giảm thuế GTGT, thuế TNDN, giảm tiền thuê đất và không miễn giảm các loại thuế TTĐB, thuế tài nguyên, thuế BVMT (trừ thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu, do là mặt hàng thiết yếu, có ảnh hưởng rộng khắp tới hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân), bởi các sắc thuế này chỉ thu vào một nhóm hàng hóa, dịch vụ nhất định và không mang tính phổ quát đến mọi doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân (thuế TTĐB thu vào nhóm hàng hóa, dịch vụ cơ bản không khuyến khích sản xuất hoặc hạn chế tiêu dùng; thuế tài nguyên thu vào hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản; thuế BVMT thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường). Các nước cũng thường không thực hiện giải pháp giảm thuế TNCN mà hỗ trợ thông qua phát tiền mặt trực tiếp cho người dân.
Trong thời gian vừa qua, Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ về gia hạn thời hạn nộp thuế (đối với các sắc thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT, thuế TTĐB và tiền thuê đất), giảm thuế (thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT, thuế nhập khẩu và thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng, dầu) và tiền thuê đất; miễn, giảm các khoản thu phí, lệ phí.
Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các giải pháp hỗ trợ trong thời gian qua, thì các giải pháp có hiệu quả cao, tác động tích cực ngay tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân tập trung vào việc gia hạn thời hạn nộp thuế; giảm thuế GTGT; giảm thuế BVMT (đối với các mặt hàng xăng, dầu) và giảm tiền thuê đất; giảm các khoản thu phí, lệ phí. Ngoài ra, qua rà soát thêm một số sắc thuế khác có thể xem xét giảm nghĩa vụ, còn có thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tuy nhiên, tính hiệu quả không cao, do số thu từ sắc thuế này thấp (chỉ hơn 02 nghìn tỷ đồng mỗi năm, chiếm 0,13% tổng thu NSNN; trong khi các quốc gia khác có sử dụng sắc thuế này để giảm nghĩa vụ cho doanh nghiệp, người dân thì số thu từ sắc thuế này khoảng 5% tổng thu hàng năm).
Để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, ngoài các giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện cho năm 2023 (gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; giảm tiền thuê đất; giảm thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng, dầu; miễn, giảm các khoản thu phí, lệ phí), việc tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT như đã áp dụng năm 2022 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết.
Vì vậy, ngày 7/5, Chính phủ đã chính thức có Tờ trình số191/TTr-CP gửi Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký gửi Quốc hội.
Nội dung của dự thảo Nghị quyết
Luật thuế GTGT hiện hành quy định 02 mức thuế suất, thuế GTGT 5% và 10% (không kể mức 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; đối tượng không chịu thuế GTGT). Số thuế phải nộp = số thuế GTGT đầu ra - số thuế GTGT đầu vào. Hàng hóa, dịch vụ mua vào của cơ sở kinh doanh có loại áp dụng thuế suất 10%, 5% hoặc không chịu thuế GTGT. Do vậy, đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% cơ bản số thuế GTGT đầu ra nhỏ hơn số thuế GTGT đầu vào, nên cơ sở kinh doanh thường không phát sinh số thuế GTGT phải nộp. Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10%, sẽ phát sinh số thuế GTGT phải nộp (thuế GTGT đầu ra lớn hơn thuế GTGT đầu vào).
Nhằm mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phục hồi và phát triển kinh tế, năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT năm 2022. Việc giảm thuế GTGT tổng cộng khoảng 44 nghìn tỷ đồng đã góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế khi xác định hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng được giảm thuế. Quy định loại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ, như: Tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 về việc tăng chi phí tuân thủ cho người nộp thuế và chi phí hành thu của cơ quan thuế (nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khi xác định đối tượng không được giảm thuế cần có sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành liên quan).
Do vậy, năm 2023, Chính phủ đã đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10%.
Thực hiện theo phương án này nhằm đảm bảo đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho NSNN cũng như nền kinh tế.