Cần Giờ ngày ấy, bây giờ
Tin tức 03/09/2023 11:03
1. Phong trào cách mạng trước tháng 8/1945
Là vùng rừng ngặp mặn hẻo lánh, cư dân nơi đây có bản lĩnh, khí khái; do đó, phong trào đấu tranh với bọn địa chủ, thực dân trong vùng nơi nào cũng có, lúc xã này, lúc ấp nọ, nổi lên chống sưu thuế nặng nề, chống bọn tề làng xã ức hiếp, chống bọn chủ vựa (cá, tôm củi nước,…) bóc lột dân nghèo. Những người có tinh thần yêu nước, thương dân đã đứng ra thúc đẩy công cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ và cũng là những người tiếp thu tư tưởng cách mạng từ mạng lưới tuyên truyền của Đảng. Khi lực lượng nòng cốt phát triển khá rộng, nhất là nơi có đảng viên trung kiên về xây dựng cơ sở, phong trào đòi dân sinh từng bước chuyển sang đòi độc lập dân tộc.
Bản đồ khảo cổ học huyện Cần Giờ ( nguồn: Ảnh tư liệu trích từ trang baotanglichsu.vn) |
Hưởng ứng phong trào do Mặt trận phản đế phát động năm 1936, nhân dân xã Bình Khánh cùng 3 xã phía bắc trong huyện tích cực tham dự mít-tinh, nghe diễn thuyết tại ngã ba - Hãng Sên (hãng xăng dầu Shell) do Mặt trận tổ chức. Nội dung diễn thuyết nhằm chống các cuộc càn quét, bắt bớ, giết chóc của giặc Pháp; chống sưu cao thuế nặng, đòi tự do đi lại làm ăn, tự do khai hoang sinh sống,… Bọn Pháp vô cùng bực tức, hoảng sợ, ra lệnh cấm nhưng bà con ta vẫn tiếp tục kéo nhau qua Nhà Bè dự hội họp, mít-tinh.
Ở Cần Thạnh, năm 1940, đội cảnh binh ấp chợ gồm 10 tên do Đội Kiệt chỉ huy rất hống hách, ức hiếp, đánh đập nhân dân dã man, tàn nhẫn. Ông Sáu Ét đã dùng búa bửa củi chém bể đầu tên Đội Kiệt. Hành động dũng cảm và tự phát này thể hiện sự mâu thuẫn cao độ giữa bọn tay sai và nhân dân lao động.
Nam Kỳ khởi nghĩa nổ ra ngày 23/11/1940, trên địa bàn hẻo lánh của huyện Cần Giờ vốn không có công cuộc nào lớn. Nhưng có hàng chục người kháng chiến yêu nước của vùng đất An Thới Đông làm thức tỉnh nhân dân trong toàn huyện. Do đó, khi Nam Kỳ khởi nghĩa thất bại, làng xóm và rừng sác bạc ngàn của Tam Thôn Hiệp, Thạnh An, Hòa Hiệp, Giồng Ao,… trở thành nơi che giấu cho chiến sĩ khởi nghĩa ở các nơi về tạm lánh.
2. Cách mạng tháng Tám năm 1945 tại huyện Cần Giờ
Khi phong trào Thanh niên Tiền phong đang diễn ra sôi sục ở các nơi, bọn hội tề của các xã trong huyện hoang mang cực độ, một số có chiều hướng ngả theo cách mạng. Tại Cần Thạnh trung tâm của tổng Cần Giờ, các đồng chí Hồ Hữu Nam, Bủi Cửu, Nguyễn Ngoan,… từ Vũng Tàu sang phối hợp với đồng chí Huỳnh Văn Hích và nhiều quần chúng cốt cán của xã nhanh chóng tổ chức lực lượng Thanh niên Tiền phong và thực hiện các chỉ thị Việt Minh. Ở Long Thạnh, thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong là ông Trang Hòa Liễu xây dựng lực lượng chính trị trong quần chúng,… Phong trào Thanh niên Tiền phong ở Thạnh An phát triển khá mạnh, trong đó có Trần Văn Tứ, sau tham gia Quốc gia tự vệ cuộc kháng Pháp. Ở xã Lý Nhơn do Dương Văn Tấn, thanh niên hành nghề vận chuyển muối thường xuyên đi, đến nhiều nơi, nắm tình hình tập hợp thanh niên trong làng, thành lập Thanh niên Tiền phong tại xã nhà. Tại xã An Thới Đông, các đồng chí Ba Dương, Tám Vĩnh bắt liên lạc với Sài Gòn gây dựng cơ sở chuẩn bị cho khởi nghĩa. Ở xã Bình Khánh chỉ đạo Thanh niên Tiền phong và các đoàn thể cứu quốc đã được hình thành trước cuộc khởi nghĩa. Ở xã Tam Thôn Hiệp, đồng chí Trần Văn Lịch cầm đầu cuộc khởi nghĩa. Riêng tại xã Thạnh An từ cuối năm 1944 đã hình thành lực lượng cách mạng, tổ chức được thanh niên vũ trang với vũ khí thô sơ, giữ được bí mật quân số lên tới vài chục người. Khởi nghĩa tại đây vào ngày 25/8/1945 và giành thắng lợi nhanh chóng.
Sau khi khởi nghĩa thắng lợi, các xã phía Bắc giáp Nhà Bè đã cử hàng chục ghe, thuyền chở lực lượng, phần đông là trai tráng yêu nước về Sài Gòn dự lễ mít-tinh mừng cách mạng thành công, mừng đất nước giành được độc lập.
3. Cần Giờ trong tương lai
Nằm cách trung tâm TP Hồ Chí Minh khoảng 50 km, Cần Giờ là huyện duy nhất của thành phố giáp biển, với 23 km bờ biển chạy dài theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, và các cửa sông lớn từ các sông Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh. Cần Giờ có trên 70% là rừng ngập mặn và sông rạch, là nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú phát triển các loại hình du lịch sinh thái biển, rừng, sông,…
Từ khi chủ trương nâng quy mô đầu tư dự án lên 2.870 ha được Thủ tướng Chỉnh phủ chấp thuận, thì bắt đầu có sự vận động của chính quyền các cấp, để đưa dự án Khu đô thị du lịch lấn biển trở thành một trong những động lực phát triển chính của Cần Giờ, cũng là động lực phát triển quan trọng trong phát triển kinh tế biển tương lai của TP Hồ Chí Minh.
Khác với các khu đô thị biển thông thường, việc khai thác tiềm năng kinh tế biển của Cần Giờ phải đặt trong một tình huống khá đặc biệt, vừa thuận lợi vừa khó khăn về vị trí và điều kiện tự nhiên, vừa phải xây dựng đô thị mới vừa phải bảo tồn sinh thái, vừa muốn phát triển du lịch cao cấp và cảng biển nước sâu, vừa phải cạnh tranh trên thế yếu về điều kiện tự nhiên và tương lai kết nối vùng, khi so với Vũng Tàu và Phú Mỹ - nơi có thể nói đang sở hữu điều kiện phát triển kinh tế biển thuận lợi hơn rất nhiều so với Cần Giờ.
Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ trở thành siêu dự án phức hợp trung tâm tài chính, kinh tế, thương mại, dịch vụ, khách sạn, chung cư cao tầng, nhà ở liên kế, biệt thự cao cấp, biệt thự nghỉ dưỡng, bến du thuyền,… cùng chuỗi tiện ích nội khu hiện đại với tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới, cho hơn 220.000 dân, và cho hơn 09 triệu lượt khách du lịch hàng năm.
Cầu Cần Giờ sẽ được xây thay thế cho phà Bình Khánh, với vốn đầu tư dự kiến 5.300 tỷ đồng.
Cảng biển trung tâm sẽ được xây dựng trong tương lai, trong số 4 vị trí tiềm năng đang được Sở Giao thông Vận tải đề xuất, trong tương lai có thể phát triển thành cụm cảng trung tâm logistics đường biển quan trọng hàng đầu của TP Hồ Chí Minh, với quy mô có thể lớn hơn để thay thế cụm cảng Thị Vải - Cái Mép trong tương lai, đi kèm với xây dựng mới hệ thống đường cao tốc và đường sắt kết nối hiện đại nối vào cảng.
Cầu Cổng vàng vượt biển nối liền Cần Giờ với Vũng Tàu sẽ được xây với chiều cao phù hợp cho các tàu trọng tải lớn chui qua, theo ý tưởng cầu Golden Gate (San Francisco).
Sân bay Cần Giờ sẽ được xây để đón khách du lịch.
Tóm lại, Cần Giờ trong tương lai sẽ tùy thuộc vào việc phát triển bền vững phù hợp để thế hệ mai sau được hưởng lợi ích dài lâu. Điều đó, phải hoàn toàn là trách nhiệm của thế hệ đang kế tục sự nghiệp bảo tồn và phát triển TP Hồ Chí Minh ngày nay, đứng đầu là các nhà lãnh đạo các cấp, chứ không phải của ai khác.