|
TS.BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh |
“Thành lũy cuối cùng”!TS.BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị ngoại trú cho khoảng 3.000 ca, điều trị nội trú khoảng 1.500 ca nên áp lực rất lớn. Ban Giám đốc bệnh viện luôn xem thái độ ứng xử của cán bộ, nhân viên là mối quan tâm lớn, là quyết sách sống còn, ai vi phạm sẽ bị xử lí, kỉ luật hoặc ngay cả cho thôi việc.
“Bệnh viện luôn quan tâm cho cán bộ tự đào tạo và đào tạo bên ngoài để càng vững tay nghề chuyên môn và ứng xử tốt là hai điều được Ban Giám đốc quán triệt. Là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, do vậy, bệnh viện Ung bướu được nhiều người ví von bằng những từ rất hoa mĩ là “Thành lũy cuối cùng” để thấy và hiểu được trọng trách của nơi đây", TS Tuấn nói.
Riêng về khoa Ngoại, nơi TS.BS Diệp Bảo Tuấn phụ trách và bác sĩ Nguyễn Văn Tiến làm Trưởng khoa Ngoại 1, hàng ngày tiếp nhận rất nhiều ca bệnh khó thì ung thư phụ khoa lại càng khó hơn. TS.BS Diệp Bảo Tuấn cho biết, khi phẫu thuật điều trị ung thư phụ khoa thường liên quan đến rất nhiều bộ phận trong cơ thể, do đó những khối u lớn sẽ càng rất khó xử lí, nhưng khoa Ngoại 1 đã xử lí thành công rất nhiều trường hợp khó, trong đó có hàng chục trường hợp có những khối u rất lớn, từ 20-42kg.
“Có thể nói bệnh viện Ung Bướu nói chung và Khoa Ngoại 1 nói riêng đã phẫu thuật điều trị thành công rất nhiều ca rất khó. Chính vì vậy, chúng tôi lại càng bị áp lực, trọng trách càng thêm lớn nên bệnh viện phải càng phấn đấu và quyết tâm làm tốt trách nhiệm của mình”, TS Tuấn chia sẻ.
Mỗi ca bệnh là một “chiến lược” điều trị |
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến đang khám cho bệnh nhân |
Thân thiện, gần gũi, nhiệt tình và nể phục,… đó là những cảm nhận của đa số bệnh nhân khi nói về khoa Ngoại 1. Trong đó phải nói đến Trưởng khoa, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, người đã có hơn 25 năm trong nghề.
Nhiều người yêu mến thường bảo ông là “phao cứu sinh” của những bệnh nhân hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn.
Chị Nguyễn Thị Hà, 48 tuổi, công tác tại Trường mầm non Tân Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương kể, từ năm 2010 đến năm 2017, chị bị u xơ cổ tử cung, u nang buồng trứng, bị tái phát, biến chứng nhiều lần nên phải thực hiện phẫu thuật 4 lần tại một số bệnh viện nhưng vẫn không khỏi. Đầu năm 2017, chị bị tái phát bệnh nghiêm trọng và một số bệnh viện lớn đã “chê” nên trả về chờ chết. Thế nhưng, may mắn là chị vào Bệnh viện Ung Bướu điều trị đến nay đã khỏi bệnh một cách “kì diệu”.
Chị Hà chia sẻ: “Lúc đó tôi bị 4-5 bệnh viện lớn chê rồi, chỉ biết chờ chết thôi. Thì đang trong cảnh thập tử nhất sinh, tôi qua Bệnh viện Ung Bướu khám thì nhập viện và được khoa Ngoại 1 điều trị. Ở đây, tôi không thể nào quên cái ơn của bác sĩ Tiến, bác sĩ Nhi (Võ Tiến Tân Nhi – PV), người trực tiếp mổ và cô Liên điều dưỡng (Trần Thị Kim Liên, Điều dưỡng trưởng – PV) và những người khác đã tận tình thăm khám, điều trị cho tôi. Tôi nghĩ nếu tôi không may mắn gặp được những người đó thì nay tôi đã không còn sống trên cõi đời này rồi”.
Chị Hà cho biết, đội ngũ y tá, bác sĩ Khoa Ngoại 1 rất thân thiện, gần gũi, nhiệt tình, xem chị như người thân nên chị thấy vui, an tâm và rất thoải mái trong suốt quá trình điều trị ở đây.
“Tôi điều trị xong, khỏe mạnh và xuất viện về công tác lại cho đến nay. Những bác sĩ điều trị trước đây, bạn bè, đồng nghiệp gặp tôi đều rất kinh ngạc. Còn ông xã tôi thì ông luôn nói hai từ nể phục”, chị Hà rạng rỡ nói.
Mặc dù có hẹn trước nhưng quả thật, cũng “khó khăn” để được gặp bác sĩ Tiến. Lí do chính để phóng viên ngồi chờ vì ông bận đi thăm khám và động viên bệnh nhân như một thói quen mỗi sáng thường nhật.
Theo bác sĩ Tiến, phẫu thuật ung thư phụ khoa là một “siêu phẫu”, hơn cả đại phẫu vì liên quan rất nhiều bộ phận quan trọng trong cơ thể. Vì thế, mỗi ca phẫu thuật, điều trị được xem như một “trận chiến”, cần phải có “chiến lược” và sự chính xác. Trong khi đó, với tâm lí bệnh nhân ung thư nói chung đều rất hoang mang, lo sợ, thường nghĩ “án tử” đang treo trước mặt. Chính vì thế, đều cần nhất bước đầu đó là trấn an người bệnh.
Và trấn an người bệnh cũng là một “thiên chức” của bác sĩ Tiến. Ông thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân cũng như người nhà để trò chuyện, gần gũi họ, lắng nghe họ trải lòng, từ đó thấu hiểu không chỉ tâm tư mà còn hoàn cảnh, rồi ông giải thích cặn kẻ, động viên, giúp đỡ để mọi người trở nên lạc quan, tự tin, an tâm điều trị. Chính điều này được Ban Giám đốc bệnh viện cũng như bác sĩ Tiến luôn quán triệt nhân viên xuyên suốt phải ứng xử chuẩn mực trong quá trình giao tiếp với bệnh nhân, qua đó giúp người bệnh thoải mái và chuyển biến tâm lí tích cực, góp phần giúp ca điều trị thành công tốt đẹp.
Không chỉ là bác sĩ có tay nghề giỏi, có tiếng, bác sĩ Tiến còn được kính nể bởi tinh thần thiện nguyện, thường xuyên giúp đỡ mọi người và bệnh nhân. Ông tham gia thành lập Hội từ thiện Mattana, thường xuyên quyên góp giúp đỡ rất nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng điều trị tại bệnh viện. Không chỉ vậy, trung bình quỹ từ thiện của Hội do ông đồng sáng lập hàng năm quyên góp trên dưới 1 tỉ đồng để làm nhiều chương trình phúc lợi xã hội khác.
Trò chuyện với phóng viên, bác sĩ Tiến cho biết: “Tất cả ca bệnh nặng, ca khó thì khoa đều mời những chuyên gia đầu ngành tham gia hội chuẩn, đánh giá bệnh lí, đưa ra phát đồ điều trị như một “chiến lược”. Tuy nhiên với ngành y, dù ngàn ca thành công nhưng chỉ một rủi ro thôi cũng khiến mọi người ray rứt và chịu không ít áp lực. Vì vậy, chúng tôi luôn đau đáu làm sao phải càng giỏi hơn để cứu được nhiều người, kéo dài thêm sự sống một mùa xuân là thêm rất nhiều niềm tin và hi vọng không chỉ cho riêng bệnh nhân, mà còn cho rất nhiều người khác”.
Nói về thực trạng quan niệm về bệnh ung thư hiện nay của người dân, bác sĩ Tiến thoáng bâng khuâng cho biết, quan niệm của nhiều người dân ung thư là chết, ung thư là mang án tử trước mặt, hoặc không nên đụng dao kéo khi ung thư là rất sai lầm. Theo bác sĩ Tiến, hiện nay nếu phát hiện ung thư giai đoạn sớm vẫn chữa khỏi. Vì vậy mọi người cần thăm khám và tầm sót ung thư thường xuyên.
|
Kíp mổ cho bệnh nhân, trong đó có bác sĩ Tiến trực tiếp mổ |
TS.BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, theo dự kiến năm 2019, Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 tại quận 9, TP Hồ Chí Minh sẽ đưa vào hoạt động. Trước mắt, Bệnh viện đã chuẩn bị phương án về nhân sự, kế hoạch hoạt động với nhiều trang thiết bị hiện đại, tiên tiến sẽ giúp giảm tải tình trạnh của bệnh viện hiện nay và nâng cao chất lượng điều trị ung thư, cũng như đạt được nhiều thành tựu hơn.
Thành Nguyễn