Bệnh viện Phụ sản Hà Nội điều trị thành công sản phụ bị phù thai ở tuần thứ 26
Y tế 03/09/2021 10:58
Đó là trường hợp của chị P. Đ. Q, ở Hải Dương. Chị Q. xúc động cho biết: Vào tuần thai thứ 25, trong 1 lần đi khám thai, chị nhận được câu hỏi từ bác sĩ: Chị có sốt hay làm sao không? Mà tim thai của con đập nhanh quá, 260 bình thường chỉ 140 thôi, và bác sĩ khuyên chị phải nhập viện ngay. Chẳng kịp suy nghĩ, chị và gia đình vội vàng bắt taxi đến bệnh viện tỉnh để khám. Tại đây, chị được giữ lại nằm viện để theo dõi, nhưng bác sĩ cho biết, tình hình xấu lắm, không cứu vãn được, vợ chồng chị xác định tư tưởng đi, và cứ nằm theo dõi thôi, chứ chẳng có thuốc điều trị gì. Các bác sỹ ở bệnh viện tỉnh còn cho biết thêm, chị có dịch ở trong màng bụng rồi. Thương con, yêu con nhiều lắm, chị xin các bác sĩ được chuyển tuyến lên Hà Nội, nhờ các bác sĩ tư vấn, nhưng bác sĩ ở bệnh viện tỉnh cũng chỉ nói với chị một câu, làm chị buồn mãi: “Lên Hà Nội cũng chỉ là giải pháp tâm lý thôi, không ai có thể chữa được cho con chị đâu”. Chị nói với anh: Nếu cứ ở đây như thế này, chị sẽ không chịu nổi được nữa, con làm sao, em không sống được. Chẳng quen chẳng biết ai, vợ chồng chị lại bắt xe lên Hà Nội, đến thẳng Trung tâm Sàng lọc Chẩn đoán trước sinh, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đăng ký khám và được Bác sỹ Hà là người đầu tiên khám cho chị.
Đội ngũ các y, bác sỹ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội mổ bắt bé cho phụ sản bị phù thai ở tuần thứ 26 |
Như một duyên trời định, hôm đó, không phải là phiên trực của Tiến sỹ, Bác sỹ Đinh Thúy Linh, Phó Giám đốc Trung tâm, nhưng bác sĩ Linh lại đến khu phòng khám. Tiến sỹ, Bác sỹ Linh chia sẻ: Mình rất ấn tượng với chị Q., đầu tiên, chị Q. cầm lấy tay mình, chị nói một câu duy nhất: “Bác ơi, bác cứu mẹ con cháu”. Cầm hồ sơ ở trên tay, mình nhận thấy chị Q. ở tình trạng nhịp nhanh trên thất – đây là một dị tật tim bẩm sinh hay gặp ở trẻ, tuy nhiên nhiều nơi chưa thể tiếp cận và điều trị. Nhịp tim bình thường của em bé là từ 120 – 160, nhưng con chị Q. là trên 260, khi tim đập nhanh như vậy, sẽ bị suy tim, phù, gây nên tràn dịch ở bụng của mẹ, rồi gây phù thai hoàn toàn. Vào viện với 26 tuần, ở tình trạng phù thai hòan toàn, đây là tình trạng vô cùng nặng. Nếu nhịp tim nhanh chưa phù thai, thì sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Sau khi hội chẩn liên viện, với Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ đã quyết định cho dùng thuốc, với hy vọng nhịp tim của bé về bình thường, tình trạng phù thai sẽ ổn định. Mình là bác sĩ chẩn đoán trước sinh, nên mình hiểu rất rõ, có những điều thật kỳ diệu, sức sống của thai nhi cực kỳ mãnh liệt.
Ở tuần thứ 26, chị Q. nhập viện tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, khoa A4, sau một tuần điều trị, nhịp tim thai bắt đầu giảm, tình trạng phù thai vẫn còn. Sau 2 tuần, nhịp tim thai về bình thường. Sau 5 tuần, hết hoàn toàn phù thai. Mọi việc kỳ diệu vô cùng, những khó khăn giảm dần, như một động lực để các bác sĩ cùng người bệnh quyết tâm theo đuổi con đường đã lựa chọn.
Chị Q. được ra viện, cứ mỗi tuần, vợ chồng chị lại lên Trung tâm thăm khám một lần. Tuy nhiên, mọi việc đối với chị cũng không phải thuận lợi. Chị phải điều trị thuốc cho thai nhi, nghĩa là thai phụ uống thuốc để điều trị cho con qua nhau thai, tác động đến nhịp tim của em bé, đồng nghĩa với việc tác động đến nhịp tim của mẹ. Khi chị Q. uống thuốc, nhịp tim của con đỡ, thì chị lại xuất hiện tình trạng khó thở, tim đập chậm. Tiến sỹ, Bác sỹ Đinh Thúy Linh đã có cuộc hội chẩn với Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Thanh Hải, Bệnh viện Nhi Trung ương, quyết định giảm liều điều trị cho chị Q. Sau một tuần điều trị giảm liều, Bác sỹ Linh khám lại, nhịp tim thai lại tăng 240, em bé chỉ có 1700g, chị Q. nhập viện điều trị tại Khoa A4, điều trị tăng liều. Rất đáp ứng với thuốc sau một tuần, nhịp tim thai lại trở về bình thường, do phát hiện sớm, nên không xuất hiện hiện tượng phù thai.
Tưởng mọi chuyển sẽ tốt lên, thì ở tuần thứ 29, trước khi ra viện, Thạc sỹ, Bác sỹ Trần Anh Đức, khoa Sản bệnh A4, người trực tiếp theo dõi hàng ngày cho chị Q. chỉ định, cho chị xét nghiệm tiểu đường thai kỳ. Phát hiện chỉ số đường huyết cao, Bác sỹ Đức đã chuyển chị Q. sang Bệnh viện Nội tiết Trung ương để khám chuyên sâu. Tại đây, ngoài việc khẳng định chị Q. phải điều trị tiểu đường thai kỳ 22 đơn vị insulin/ ngày; các bác sĩ còn phát hiện chị Q. bị ung thư tuyến giáp.
Vẫn nguyên cảm xúc khi mới nhận được tin về tình hình bệnh của chị Q., Bác sĩ Linh tâm sự: Tiếp nhận thông tin chị Q. bị K tuyến giáp, ngay đối với bác sĩ chúng mình cũng sốc, vì trên cái nền tiểu đường thai kỳ đang tiêm insulin, thai bị bệnh đang phải uống thuốc, chị Q. lại ung thư nữa. Sao hành trình làm mẹ của chị Q. lại đáng thương đến vậy.
Thế nên, một cuộc hội chẩn liên viện giữa các bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện K đã được tổ chức, để xem tình trạng của chị Q. có thể tiếp tục giữ thai được không? Đối với các bác sĩ Phụ Sản Hà Nội, thời điểm đó, em bé mới được 32 tuần, rất non tháng, nếu lấy ra rất vất vả cho gia đình, nếu để 37 tuần thì sẽ tốt nhất, tuy nhiên các bác sĩ rất căng thẳng, vì bệnh ung thư của chị Q. sẽ tiến triển nhanh hơn người thường. Bác sĩ của Bệnh viện K cân nhắc và đưa ra kết luận đối với trường hợp của chị Q. có thể kéo dài thêm 01 tháng. Hội đồng đã quyết định tiếp tục giữ thai cho chị Q. đến 37 tuần.
PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện cùng các bác sĩ điều trị thăm và chúc mừng mẹ con chị Q. |
Từ thời điểm này, trực tiếp PGS.TS, Bác sỹ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện chỉ đạo trực tiếp các bác sĩ trong bệnh viện, từ Trung tâm sàng lọc chẩn đoán trước sinh, khoa sản bệnh A4, phòng mổ, khoa sơ sinh báo cáo tình hình chị Q. hàng ngày.
Đến tuần thai thứ 36, tình trạng khó thở của chị Q. tăng lên, có những ngày tại khoa A4, chị chỉ nằm thở oxy. Tiến sỹ, Bác sỹ Linh đã xin ý kiến chỉ đạo từ PGS.TS, Bác sỹ Nguyễn Duy Ánh đình chỉ thai kỳ. Vì theo Bác sỹ Linh, Bệnh viện có một hậu phương rất vững chắc, đó là: Khoa sơ sinh, đối với trẻ sơ sinh non tháng mà 36 tuần thì rất yên tâm rồi.
Ở 36 tuần, 1 ngày, PGS.TS, Bác sỹ Nguyễn Duy Ánh cùng ê kíp, các bác sỹ sản khoa, bác sỹ sơ sinh đã mổ bắt thai cho chị Q.
Tiến sỹ, Bác sỹ Linh kể lại: Thời điểm vào phòng mổ căng thẳng lắm, bản thân Bác sỹ Linh trằn trọc cả đêm để xem lại bệnh án, suy nghĩ các tình huống, dẫn tới căng thẳng mất ngủ. Tất cả các bác sĩ tham gia điều trị cho chị Q. đều có mặt, ê kíp hồi sức sơ sinh của Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội do Thạc sỹ Phạm Thu Phương, Phó khoa Sơ sinh phụ trách, TS Hải cùng ê kíp hồi sức sơ sinh Bệnh viện Nhi Trung ương cũng sang phối hợp đề phòng trường hợp xấu nhất.
Bé Quang Minh cất tiếng khóc chào đời tại Bệnh Viện Phụ Sản Hà Nội |
Khi tiếng oe oe cất lên, cũng là lúc cảm xúc của các bác sĩ và nhân viên y tế vỡ òa sau một khoảng thời gian tĩnh lặng, chỉ nghe thấy tiếng động của máy và dụng cụ y tế. Bé Quang Minh nặng 2600g đã chào đời trong niềm hạnh phúc tột cùng của các y bác sĩ và gia đình chị Q.
Chị và gia đình cảm ơn Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội rất nhiều, cứ gặp là lại cảm ơn, cảm ơn từ chính tình cảm mà Ban giám đốc bệnh viện, các bác sĩ và nhân viên y tế của Trung tâm Sàng lọc và chẩn đoán trước sinh, khoa A4 dành cho chị, cảm ơn từ đạo đức nghề nghiệp mà các y bác sĩ đã dành cho bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân hiểm nghèo như chị. Nhắc lại từng câu nói, lời dặn dò của bác sĩ như chỉ mới vừa hôm qua chị mới nhập viện. Rồi chị lại lo lắng, giờ Bệnh viện K phong tỏa, em biết đi tiếp ở đâu. Nhưng đâu để chị lo, chị Liên, Điều dưỡng trưởng khoa A4 đã hỗ trợ giúp chị liên hệ với Bệnh viện 108.
Từ đây sẽ mở ra một con đường khác đầy chông gai chờ đón chị ở phía trước, nhưng với nghị lực, tinh thần lạc quan của một người mẹ rất đỗi yêu con mà chúng tôi, những y bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã quan sát suốt quá trình điều trị cho chị, chắc chắn rằng, chị Q. sẽ vượt lên tất cả đến chiến thắng bệnh tật. Hy vọng một gia đình bình yên và hạnh phúc sẽ luôn bên bé Quang Minh để mai này khi lớn lên con sẽ hiểu và yêu mẹ rất rất nhiều.