Những ngày cuối năm, làng gốm Quyết Thành dường như sôi động và nhộn nhịp hơn bởi những xe hàng được vận chuyển vào – ra. Nào chum, nào bình, nào lọ, cốc, chén... tất cả sản phẩm đều mang nét đặc trưng chẳng nơi nào có được. Tại các xưởng gốm, những lượt khách nườm nượp đến mua sắm, tưởng như Tết đang đến rất gần vậy. Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Đức Phú, chủ xưởng gốm Phú Thỏa, một thợ giỏi trong làng cho hay, nghề gốm xuất hiện tại Quyết Thành khoảng 500 năm trước, do một người từ Thanh Hoá mang ra truyền lại. Sau đó cả làng gọi là tổ sư nghề gốm, tôn làm Thành Hoàng làng, thờ tại đình làng và hằng năm đều mở hội làng vào ngày 15 và 16 tháng Giêng Âm lịch để tưởng nhớ đến ông tổ nghề.
Làng nghề gốm Quyết Thành trước kia nổi tiếng khắp nơi. Khi chiến tranh nổ ra, làng nghề bắt đầu sa sút, các lò nung nguội lửa dần do thanh niên lên đường nhập ngũ. Năm 1959, Hợp tác xã (HTX) gốm Quyết Thành được thành lập với mục đích bảo tồn và phát triển nghề gốm của làng. Tuy được bao cấp nhưng HTX lúc thăng, lúc trầm. Và phải đến năm 1986, khi thị trấn Quế được thành lập, HTX gốm Quyết Thành trở thành một làng của thị trấn và bắt đầu đổi mới từ đây...

Theo lời những người cao tuổi trong làng, quan niệm của người phương Đông là trong gốm hội tụ đủ cả âm dương ngũ hành. Đất là thổ, trong thổ có kim, nước để nhào nặn là thủy, củi đốt là mộc và dùng lửa để nung chín là hỏa. Chính vì thế, ngoài việc phục vụ con người, đồ gốm còn là sản phẩm tâm linh, mà từ bao đời nay ông cha ta đã sử dụng vào việc ý nghĩa như làm đồ thờ cúng, tế lễ tổ tiên...
Trước kia, gốm làng nghề Quyết Thành được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công thì nay cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, người dân nơi đây đã sử dụng thêm máy nhào, máy nghiền để đất sét trước khi tạo hình được dẻo, đều và mịn hơn.
Tuy vậy, để làm ra sản phẩm gốm phải trải qua khá nhiều công đoạn. Thứ nhất và cũng quan trọng nhất đó chính là khâu chọn nguyên liệu. Đất sét được thợ chính chọn lựa khá tỉ mỉ và kĩ càng, rồi được ngâm trong bể. Sau một thời gian nhất định được làm nhuyễn (có thể bằng phương pháp thủ công hoặc nhờ máy nhào tùy thuộc vào sản phẩm). Đất được đặt lên bàn xoay, khi ấy thợ chính chuốt và tạo hình cho sản phẩm, mang phơi hoặc sấy rồi đắp họa tiết, đánh giấy giáp tạo độ mịn. Sau đó, phơi khô hẳn sản phẩm, một số sản phẩm được tráng thêm lớp men theo đơn đặt hàng riêng, còn thường là để mộc và cho vào lò nung.

Riêng với hàng gốm mĩ nghệ, đất sét phải được phơi khô rồi cho nước vào khuấy đều, sau đó tinh lọc các tạp chất, cô đặc lại rồi đổ vào khuôn hoặc in dát trên máy, cắt gọt, đánh bóng, vào son, vẽ men rồi mới đưa vào lò nung. Với mặt hàng này, vào son là khâu tạo nên nét độc đáo riêng có của gốm Quyết Thành bởi, chỉ riêng ở đây mới có loại đất đỏ như son được nghiền nhỏ pha với nước để nhúng các sản phẩm. Bởi thế, sau khi nung sản phẩm sẽ có màu đỏ tươi.
Bên ngoài, tiết trời đang vào Xuân, nhấp một ngụm trà xanh nóng hổi được pha trong bộ ấm chén của gốm Quyết Thành, ông Phú say sưa kể với chúng tôi về những sản phẩm của làng. Trong câu chuyện ấy, người thợ giỏi không giấu được niềm tự hào và hãnh diện về các sản phẩm được làm ra từ đôi bàn tay thô ráp nhưng lại vô cùng khéo léo của mình. Hiện nay, gốm Quyết Thành gồm gốm sành, gốm đỏ và gốm son với hàng trăm sản phẩm đa dạng khác nhau được chia làm 3 loại. Loại thứ nhất là gốm dân dụng hay còn gọi là hàng sành như chum, vại, tiểu, sành, cối giã cua. Loại thứ hai là gốm mĩ nghệ trang trí hoặc các đồ dùng sinh hoạt gia đình như ấm trà, chén, đĩa. Loại thứ ba là loại khó làm nhất là gốm đất đỏ với nhiệt độ nung thấp thường làm để xuất khẩu sang thị trường Á, Âu. Riêng dòng sản phẩm này, nghệ nhân thường làm theo mẫu mã do khách hàng yêu cầu...
Tiếng lành đồn xa, đến nay, sản phẩm gốm Quyết Thành được tiêu thụ rộng khắp trong cả nước và xuất khẩu đến nhiều nơi trên thế giới như Nhật Bản, Đài Loan và Hồng Kông (Trung Quốc)... Những sản phẩm thủ công tinh xảo ấy được chế tác khéo léo, mang phong cách văn hóa riêng khi xuất khẩu sẽ góp phần củng cố, tăng cường và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, giới thiệu được nét đẹp văn hóa của tỉnh Hà Nam, cũng như giới thiệu được nét đẹp của văn hóa Việt Nam với thế giới...
Tin rằng, với những con người tài hoa, chăm chỉ, yêu nghề và quyết tâm chung tay vì một nghề truyền thống, làng nghề gốm cổ Quyết Thành không những được giữ gìn mà còn phát huy vốn quý độc đáo của cha ông đã dày công gây dựng, vun đắp hàng trăm năm nay đúng như câu thơ được truyền tai nhau từ bao
đời nay...
"Quê tôi chạy dẻo bờ đê/ Bên dòng sông Đáy có nghề thổ hoa/ Trai gái khéo léo tài ba/ Chăm chỉ công việc nặn ra thước dùng...".
Nguyễn Khánh Linh