Bảo đảm an toàn ngư dân và tàu cá hoạt động trong vùng nguy hiểm
Sự kiện 27/09/2022 09:10
Theo đó, bão số 4 (bão Noru) đang hoạt động trên khu vực biển Đông. Đây là cơn bão rất mạnh (cường độ cấp 13 - 14, giật cấp 16), di chuyển nhanh và đổ bộ vào đất liền nước ta trong ngày 28/9/2022.
Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT đề nghị Chủ tịch UBND - Trưởng Ban Chỉ huy Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương bằng mọi biện pháp thông báo, kêu gọi, hướng dẫn các tàu cá di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm của bão hoặc về nơi tránh trú an toàn. Báo cáo công tác triển khai và kết quả thực hiện về Ban Chỉ đạo trước 6 giờ 30 phút và 17 giờ hằng ngày để tổng hợp, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban.
Nhận định về bão số 4, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, hiện bão di chuyển chủ yếu hướng Tây, tốc độ 20-25km/h, chiều và đêm 27/9, bão ảnh hưởng trực tiếp nước ta. Đây là cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây, ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ (tương đương cơn bão số 6-Xangsane 9/2006, bão số 9-Ketsana 10/2009 và bão số 9-Molave 10/2020)…
Để chủ động ứng phó với bão, mưa lũ sau bão, giảm thiểu thiệt hại, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện số 29/CĐ-QG ngày 24/9/2022 của Ban Chỉ đạo Quốc gia, tập trung kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn các phương tiện đang hoạt động thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lí khi có tình huống; triển khai công tác bảo đảm an toàn về người, tài sản trên các đảo và lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản; các tàu vận tải, hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; công trình đang thi công trên biển, ven biển.
Trên đất liền, các địa phương khẩn trương tổ chức cắt tỉa cành cây; chằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các dự án đang thi công ven biển, các công trình cột tháp cao; bảo đảm an toàn các tuyến đê biển, đê cửa sông; chỉ đạo thu hoạch lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản…
Các địa phương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; rà soát, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các công trình đang thi công, các hồ chứa và hạ du; sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục chính; phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kĩ năng ứng phó với bão, mưa lũ để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại...