Bài 2: Hệ lụy từ nguồn nước ô nhiễm
Bất động sản 09/11/2023 14:11
Bức xúc vì trạm cấp nước nằm gần nghĩa trang
Về KĐT Thanh Hà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) những ngày này, dẫu không phải trùng với dịp kỉ niệm ngày lễ lớn nào của đất nước nhưng băng rôn vẫn căng đỏ rực khắp các tòa nhà. Đáng nói là, những khẩu hiệu viết trên từng tấm băng rôn không phải bày tỏ sự xúc động, tự hào mà ẩn chứa nhiều bức xúc, tâm tư của người dân như: “Cư dân Thanh Hà cần nước sạch”, “90% nguyên nhân gây ung thư là do nguồn nước bẩn”, “Đừng để Thanh Hà thành làng ung thư” …
Có lẽ, sự bức xúc của nhiều người dân KĐT Thanh Hà đã bị dồn nén quá lâu, trong suốt hơn 5 năm kể từ ngày chủ đầu tư dự án chính thức bàn giao nhà. Cho tới khi cuộc khủng hoảng nước sạch tại đây bị đẩy lên đỉnh điểm thì cư dân đã đồng loạt viết đơn kiến nghị phản ánh tình trạng nước bị nhiễm bẩn không đảm bảo vệ sinh tại khu đô thị gửi tới các cơ quan chức năng.
Sự việc chưa dừng lại ở đó mà mới đây, người dân lại tiếp tục có ý kiến về việc trạm cấp nước của Công ty CP nước sạch Thanh Hà - đơn vị phụ trách cấp nước sinh hoạt cho hàng chục nghìn cư dân KĐT được xây dựng gần khu vực nghĩa trang, trạm trộn bê tông và kênh mương đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Chia sẻ với báo chí, bà Trần Thị An, đại diện Ban Quản trị lâm thời KĐT Thanh Hà cho biết, hồi đầu tháng 10, lượng nước sạch cấp cho cư dân thiếu trầm trọng, lịch phân chia nước không hợp lí dẫn đến người dân không đủ nước sinh hoạt, hàng quán đóng cửa, kinh doanh sụt giảm. “Đó là về lượng, còn về chất thì trước khi mất nước chúng tôi phản ánh việc nguồn nước nhiễm độc với các chỉ số Amoni, Asen, Nitrit, Nitrat, Clo dư, Pecmangan,… tăng cao gấp mấy chục lần. Sau đó đã nhiều lần đề nghị trước khi cấp nước mới cần sục rửa đường ống, các bể chứa nhưng Công ty CP nước sạch Thanh Hà không giải quyết. Đặc biệt điều khiến người dân không khỏi lo ngại khi nhà máy cấp nước sạch chỉ cách nghĩa trang chưa đầy 500m”, bà An bức xúc.
Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Người cao tuổi, quanh khu vực trạm cấp nước cho KĐT Thanh Hà hiện có một trạm trộn bê tông và nghĩa trang với hàng trăm ngôi mộ. Trong đó, trạm cấp nước chỉ cách trung tâm nghĩa trang khoảng 500m và cách hồ nước cạnh nghĩa trang chưa đầy 400m.
Đối với trường hợp tại trạm cấp nước Thanh Hà, một lãnh đạo Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, theo quy định tại Thông tư 01/2021 của Bộ Xây dựng, khoảng cách tối thiểu từ khu huyệt mộ nghĩa trang hung táng tới điểm lấy nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt của đô thị, điểm dân cư nông thôn tập trung là 1.500m. Điều này áp dụng trong điều kiện lí tưởng, tức là khu vực chôn cất phải có hệ thống thu gom nước thấm huyệt mộ, nước mưa chảy tràn để xử lí, không được thấm trực tiếp vào nước ngầm hoặc chảy tràn vào hệ thống mặt nước bên ngoài nghĩa trang. Trong trường hợp nguồn nước ngầm bên ngoài nghĩa trang bị ô nhiễm do ảnh hưởng từ nước thấm huyệt mộ thì cần nghiên cứu cụ thể mức độ ô nhiễm để áp dụng công nghệ xử lí phù hợp. Nếu nước bị ô nhiễm nặng mà công nghệ xử lí không đáp ứng có thể dẫn đến chất lượng nguồn nước không đảm bảo.
Người dân bất an khi biết trạm cấp nước cho KĐT Thanh Hà nằm gần nghĩa trang và kênh mương bị ô nhiễm |
Cư dân mệt mỏi, tính chuyện bán nhà…
Trong khoảng thời gian gần nửa tháng bị mất nước sạch sinh hoạt, hàng nghìn người dân đang sinh sống tại KĐT Thanh Hà phải chịu cảnh éo le. Có lẽ chưa bao giờ, trên sân các tòa chung cư trong KĐT xuất hiện tình cảnh người dân xếp hàng như thời bao cấp, vây kín các xe bồn để chờ đợi từng gáo nước sạch được tài trợ. Cảnh tượng tưởng chừng khó tin nhưng lại hiện hữu ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội trong những ngày tháng 10.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Người cao tuổi, bà Nguyễn Thị Lan, 50 tuổi, ở KĐT Thanh Hà nói: “Những ngày bị mất nước gia đình tôi khổ lắm. Ngày nào cũng phải leo mấy chục vòng thang máy để xuống sân chung cư lấy nước sạch. Nước trên nhà thì bẩn, chảy nhỏ giọt không đủ dùng lau nhà. Số nước sạch xin được cũng phải chia nhỏ ra để sinh hoạt. Nhà tôi cũng hạn chế nấu cơm mà đi ăn ngoài để tiết kiệm nước dùng cho việc tắm gội, giặt giũ. Thậm chí nhiều hôm, ông xã và các con tôi phải mang quần áo rồi tắm ở chỗ làm xong mới về nhà. Có lúc cảm thấy quá phiền phức, chúng tôi cũng đã nghĩ tới chuyện bán nhà, chuyển đi nơi khác” .
Tâm sự của bà Lan cũng là nỗi lòng chung của nhiều cư dân khi phải trải qua tình cảnh khổ sở thiếu nước sạch sinh hoạt. Tuy nhiên, chia sẻ về vấn đề này với phóng viên, bà Phạm Thanh Hoa, 62 tuổi, ở tòa HH03B, KĐT Thanh Hà cho biết: “Bán nhà thời điểm này đâu phải dễ. Việc mất nước ở đây ồn ào trên báo và mạng xã hội hết cả rồi. Giờ ai còn dám đến mua căn hộ bị mất nước nữa chứ. Hơn nữa, gia đình tôi vay mượn mãi mới được hơn tỉ bạc để mua nhà. Giờ bán đi cũng chưa biết chuyển đi đâu, thực sự khổ lắm nhưng vẫn cố chịu đựng. Hi vọng nay mai các cấp chính quyền quan tâm tới chúng tôi, việc thiếu nước sạch sẽ thay đổi để chúng tôi an tâm sinh sống” .
Trong văn hóa truyền thống từ xa xưa, người Việt vẫn luôn tâm niệm “an cư mới lạc nghiệp”. Chính vì thế, việc người dân KĐT Thanh Hà mong ngóng các ban ngành chức năng sớm vào cuộc để trả lại nguồn nước sạch đúng nghĩa cho họ là điều hết sức chính đáng. Bởi lẽ, căn hộ mà người dân vất vả tích góp cả đời mới mua được có nước sạch để sinh hoạt thì họ mới có thể an tâm sinh sống và làm việc.
(Còn tiếp)