Bài 3: Cần tăng cường giám sát việc cấp nước tại KĐT
Kinh tế 11/11/2023 08:08
Giải “cơn khát” nước sạch cho cư dân KĐT Thanh Hà
Những ngày đầu tháng 10, nhiều người dân đang sống tại tổ dân phố 3, KĐT Thanh Hà đã gửi đơn kiến nghị đến Sở Xây dựng Hà Nội phản ánh những bất cập trong việc cấp nước sạch tại các KĐT như: mất nước cục bộ, chất lượng nước không bảo đảm an toàn vệ sinh khiến người dân bất an,...
Ngày 17/10, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Công ty Nước sạch Hà Đông phối hợp với Công ty CP Nước mặt sông Đuống, Công ty CP Đầu tư Nước sạch sông Đà cùng các đơn vị liên quan điều tiết nguồn cấp ổn định cho KĐT Thanh Hà với sản lượng khoảng 2.000m3/ngày-đêm. Nguồn cấp này được lấy từ nguồn Nhà máy nước sông Đuống với các trạm cấp nước do Công ty TNHH Nước sạch Hà Đông quản lý.
Trước đó, Công ty CP phát triển địa ốc Cienco 5 (chủ đầu tư dự án khu đô thị Thanh Hà) đã yêu cầu Công ty CP nước sạch Thanh Hà dừng cung cấp nước sinh hoạt cho khu đô thị này sau khi phát hiện nguồn nước bị nhiễm vi khuẩn E.coli.
Để bảo đảm cấp nước ổn định cho KĐT Thanh Hà về lâu dài, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị chủ đầu tư dự án KĐT Thanh Hà phối hợp Công ty CP Nước sạch Thanh Hà khẩn trương xây dựng kế hoạch cải tạo trạm cấp nước cục bộ trong KĐT trên. Kế hoạch cần bảo đảm công suất thiết kế và chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, hoàn thành trước ngày 31/01/2024. Đồng thời, thực hiện công tác nội kiểm, thông báo công khai cho người dân, báo cáo gửi Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hà Nội và các cơ quan có thẩm để giám sát theo quy định trước khi cấp nước cho người dân.
Sở Xây dựng cũng đề nghị Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra đột xuất chất lượng nước tại KĐT Thanh Hà. Cùng với đó, Sở Xây dựng cũng đề nghị UBND quận Hà Đông, UBND huyện Thanh Oai cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch tại KĐT Thanh Hà cũng như tuyên truyền cho người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí.
Cảnh người dân khu đô thị Thanh Hà chen chúc lấy nước sạch |
Chiều ngày 26/10, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội đã có buổi gặp gỡ đại diện cư dân KĐT Thanh Hà về việc nơi đây bị “khủng hoảng” nước sạch trong thời gian qua. Phó trưởng Ban Dân nguyện đánh giá, việc nguồn nước được cấp cho người dân vừa thiếu về số lượng và vừa kém chất lượng nước gây ra ảnh hưởng rất lớn và lâu dài. Nếu việc cấp nước không đảm bảo sẽ rất nguy hiểm, gây ra làn sóng bức xúc trong dư luận. Như vậy, đừng để người dân phải chịu sự khô héo, hoặc bị đầu độc bởi chính khái niệm “nước sạch”.
Cần giải pháp đồng bộ để cấp nước sạch hiệu quả hơn
Cuộc khủng hoảng nước sạch tại KĐT Thanh Hà vẫn chưa có hồi kết thì tại một số khu vực tập trung đông dân cư khác như: khu phố Phùng Khoang (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) hay nhiều xã, thị trấn ở Hoài Đức, Thanh Oai,… cũng tái diễn tình trạng cắt nước luân phiên và mất nước sạch kéo dài trong nhiều ngày. Tình trạng này khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.
Theo các chuyên gia, mặc dù nước sạch là nhu cầu thiết yếu của người dân đô thị, tuy nhiên trong các bản Quy hoạch Thủ đô công bố năm 1998 (Quyết định 198) và năm 2011 (Quyết định 1259), các bản vẽ chú trọng phát triển các dự án bất động sản hơn là những vấn đề năng lượng, nước sạch. Đáng nói là, vấn đề liên quan đến việc cấp nước sạch sinh hoạt tại các KĐT, khu dân cư tại Hà Nội càng trở nên nghiêm trọng hơn sau khi Quy hoạch Thủ đô mở rộng địa giới hành chính về khu vực phía Tây.
Trả lời báo chí, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho rằng, việc quy hoạch đô thị kiểu chắp vá khiến quy hoạch về hạ tầng cấp thoát nước cũng thiếu sự tính toán, chuẩn bị kĩ lưỡng. Dù Thủ đô sau khi mở rộng về phía Tây nhưng không có bất cứ sự chuẩn bị nào về năng lượng, nước sạch, giao thông khiến những tồn tại trở nên phức tạp hơn.
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kĩ thuật, Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay, việc cung cấp, sử dụng nguồn nước cấp cho dân cư trong KĐT thường chỉ từ một nguồn duy nhất nên tiềm ẩn nhiều rủi ro khi gặp sự cố, không có nguồn nước cấp khác thay thế, bổ sung kịp thời. Chính vì vậy trong quy hoạch, phê duyệt dự án phải lưu ý đến yếu tố này để có các phương án dự phòng nguồn nước khi có các sự cố xảy ra.
Thực tế cho thấy, cuộc khủng hoảng nước sạch không phải bây giờ mới xảy ra tại các KĐT, khu dân cư tại Hà Nội. Trước đó, việc mất nước tại các KĐT Linh Đàm, Đại Thanh, Tân Tây Đô, Hateco Xuân Phương,… đã từng khiến dư luận rất bức xúc. Thiết nghĩ, các ban ngành chức năng của TP Hà Nội cần sớm triển khai giải pháp xây dựng hạ tầng cơ sở đồng bộ để cung cấp nguồn nước sạch ổn định cho các khu vực tập trung đông dân cư cũng như tăng cường công tác giám sát, thanh kiểm tra việc cấp nước sinh hoạt của các đơn vị trên địa bàn thành phố.