Tăng cường cho vay để đưa cơ giới hóa vào sản xuất

Kinh tế 21/02/2020 10:36
Dịch bệnh do Covid-19 đang có tác động và ảnh hưởng rất lớn đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc khi hoạt động thương mại biên giới phải tạm ngưng để ứng phó với dịch bệnh.
Ngành Công Thương đang tính phương án hỗ trợ xúc tiến, quảng bá cho DN và người tiêu dùng Ấn Độ biết và tăng cường tiêu thụ các mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam.
Trước đó, bên lề chuyến thăm Ấn Độ của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đã có nhiều buổi làm việc song phương với các cơ quan, Hiệp hội của Ấn Độ để bàn cách đưa các sản phẩm nông sản Việt Nam thâm nhập thị trường 1,3 tỉ dân này. Hai bên đã có chung nhận định, Ấn Độ sẽ là một thị trường mới để Việt Nam chuyển hướng xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế, cũng như tạo điều kiện cho các DN tiếp cận với thị trường Ấn Độ trong thời gian tới.
Đánh giá về tiềm năng của thị trường Ấn Độ, ông Hưng cho biết, thời gian qua, các mặt hàng nông thủy sản, trái cây tươi của Việt Nam đã có cơ hội tiếp cận thị trường này. Bộ Công Thương Việt Nam đã đề nghị Bộ Công Thương Ấn Độ hỗ trợ xúc tiến, quảng bá cho DN và người tiêu dùng Ấn Độ biết và tăng cường tiêu thụ các mặt hàng nông thủy sản, trái cây tươi của Việt Nam, đặc biệt là quả thanh long và cá ba sa nhằm hỗ trợ nông dân Việt Nam trong thời điểm hiện nay.
Theo ông Mohit Singla, Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến Thương mại Ấn Độ (TPCI), quả thanh long của Việt Nam ngon hơn thanh long của nhiều nước khác. Tuy nhiên, người dân Ấn Độ chưa biết nhiều về loại quả này. Ông khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường quảng bá, xây dựng thương hiệu cho mặt hàng này hơn nữa trong thời gian tới để mọi tầng lớp người dân Ấn Độ biết đến và tiêu dùng. Bên cạnh đó, vải, nhãn, chôm chôm của Việt Nam cũng là loại trái cây ngon với hương vị đặc biệt có thể cạnh tranh tại thị trường Ấn Độ.
Nhận định về chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu, PGS.TS Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho rằng, chủ trương đa dạng hóa thị trường của Việt Nam đã có từ lâu nhưng khả năng thực hiện chưa được như kì vọng. Tuy nhiên, qua diễn biến của dịch Covid-19 lần này có thể thấy, Việt Nam không thể không đa dạng hóa và cơ cấu lại thị trường. Trong đó, Ấn Độ là một trong những thị trường rất lớn có nhiều tiềm năng để Việt Nam có thể hướng tới.
Các DN của Việt Nam cần tận dụng lợi thế từ việc thị trường này không có quá nhiều đòi hỏi khắt khe về chất lượng hàng hóa cùng các rào cản thương mại, rào cản kĩ thuật cũng như phương thức vận tải đường thủy sang Ấn Độ, là phương thức vận chuyển ít tốn kém nhất mỗi khi có đơn hàng lớn. Nếu biết tận dụng, các DN còn có cơ hội nhập khẩu những mặt hàng có chất lượng từ Ấn Độ như ô tô giá rẻ, các thiết bị công nghệ, nguyên liệu may mặc, dệt nhuộm, bông sợi, điện tử… PGS.TS Phạm Tất Thắng khuyến cáo.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ 10 tháng đầu năm 2019 đạt 9,42 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam đạt 5,80 tỉ USD, nhập khẩu từ Ấn Độ đạt 3,62 tỉ USD. Điện thoại di động là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu có giá trị lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,17 tỉ USD. Xuất khẩu sản phẩm mây tre, cói, thảm đạt 10, 12 triệu USD; thanh long đạt 4,16 triệu USD. Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ sắt thép các loại; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng và dược phẩm, ô tô nguyên chiếc và linh kiện phụ tùng ô tô... |