|
Tính đến hết tháng 9/2018, lợi nhuận sau thuế đạt 3.681 tỷ đồng tăng 33% so với cùng kỳ năm 2017 |
VJC vừa công bố tổng lợi nhuận trước thuế Quý 3 năm 2018 đạt 1.709 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ. Tính đến hết tháng 9/2018, lợi nhuận sau thuế đạt 3.681 tỷ đồng tăng 33% so với cùng kỳ năm 2017.
Với sự tăng trưởng mạnh, ước chừng VJC có gần 3 tỷ USD gốc cam kết thuê hoạt động bên ngoài. Chuẩn mực kế toán cho thấy, với khoản vay 3 tỷ USD, tương đương 60.000 tỷ đồng và gần 3% trượt tỷ giá, thì đáng lẽ VJC phải ghi vào lỗ tỷ giá và tăng chi phí này khoảng hơn 1.000 tỷ đồng? Và nếu chịu khoản chi phí này, lợi nhuận thực tế của VJA còn bao nhiêu, có tăng trưởng không?
Một nguyên tắc kế toán rất quan trọng được áp dụng để kế toán giao dịch bán và thuê lại là nguyên tắc “coi trọng bản chất hơn hình thức”, có nghĩa là kế toán phải dựa trên bản chất của giao dịch thay vì hình thức pháp lý của giao dịch. Cần phải phân biệt rõ có sự khác biệt về phương pháp kế toán trong 2 trường hợp thuê lại tài sản là thuê tài chính hay thuê hoạt động.
Đối với trường hợp thuê lại là thuê tài chính thì do bản chất giao dịch là đi vay nên bên đi thuê (bên bán tài sản) không được ghi nhận doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động bán tài sản mà phải ghi nhận số tiền thu được từ việc bán tài sản là khoản nợ vay. Trong giao dịch này, giá thuê lại sẽ phụ thuộc chặt chẽ vào giá bán tài sản và giá thuê lại luôn cao hơn giá bán tài sản để đảm bảo bên cho thuê có lợi nhuận. Vì vậy, lợi nhuận thu được từ việc bán tài sản cần phải được sử dụng để bù đắp cho chi phí thuê lại trong tương lai thay vì ghi nhận như lợi nhuận.
Trả lời báo chí, ông Trịnh Đức Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán Kiểm toán (Bộ Tài chính) từng cho biết, gần như toàn bộ giao dịch bán và thuê lại máy bay trong ngành hàng không là bên cho thuê (các hãng dịch vụ tài chính hàng không), sẽ cho các hãng hàng không thuê dài hạn máy bay mà không bao gồm phi hành đoàn, bảo dưỡng và bảo hiểm nhằm phát triển đội tàu bay. Các hãng hàng không công bố ra công chúng một cách rất rõ ràng mục đích của giao dịch bán và thuê lại máy bay là để phát triển đội tàu bay. Và như thế hoạt động thuê trong giao dịch bán tái thuê máy bay trong ngành hàng không sẽ được coi là giao dịch thuê tài chính.
Đối với trường hợp việc thuê lại là thuê hoạt động thì do bản chất giao dịch không phải là vay vốn nên bên bán tài sản có thể ghi nhận doanh thu và lợi nhuận vì số tiền phải trả để thuê lại chỉ chiếm một phần trong tổng số tiền thu được từ việc bán tài sản.
Nói cách khác, ngành hàng không có hai kiểu thuê máy bay: Thuê ướt và thuê khô. Thuê ướt là thuê 6-18 tháng theo thời vụ gọi là thuê hoạt động. Bên thuê sẽ thuê bao gồm thuê máy bay, phi hành đoàn và phí bảo dưỡng.
Thứ hai là thuê khô, tức thuê trong thời gian dài, chẳng hạn 8 năm. Việc thuê này dù có phá hợp đồng thành 1 năm một thì bản chất vẫn không thay đổi. Khi đó, bên cho thuê cung cấp máy bay. Còn các chi phí thuê nhân công cũng như nguyên liệu, bên được thuê sẽ tự phục vụ, tức khoản này nằm trong chi phí của bên được cho thuê.
Xét với trường hợp của VJC, nhìn báo cáo tài chính 2017 cho thấy, khoản cam kết thuê hoạt động hơn hơn 40.000 tỷ đồng đã được ghi vào doanh thu. Dù theo tiêu chuẩn kế toán Việt Nam hay quốc tế thì doanh nghiệp này cũng phải ghi cam kết thuê hoạt động thành vay dài hạn.
Nguyên tắc của VJC khác với HVN là doanh thu và lợi nhuận phải luôn luôn được tăng trưởng. Việc ghi khoản vay dài hạn vào doanh thu sẽ tác động không nhỏ đến lợi nhuận của VJC. Bởi doanh thu bán máy bay của VJ thực chất là đi vay?
Chưa kể, chẳng hạn như báo cáo năm 2017 của VJC cho thấy, công ty có khoản phải thu ngắn hạn 10.000 tỷ đồng và phải thu dài hạn 7.100 tỷ đồng. Tổng số 17.100 tỷ đồng khoản phải thu ngắn và dài hạn có 4.900 tỷ đồng là quỹ bảo dưỡng máy bay. Tuy nhiên, thực tế khoản bảo dưỡng và nguyên liệu bay phải nằm trong chi phí do VJC chịu. Đây cũng là một cách đẩy lợi nhuận và giảm hệ số nợ của hãng.
|
Một sô khoản phải thu của VJC đáng lẽ ghi ở khoản mục chi phí |
Thắng lớn từ các giao dịch sales and leaseback, báo lãi hàng nghìn tỷ đồng nhờ các thương vụ “buôn máy bay” nhưng dường như gánh nặng từ các khoản chi phí thuê máy bay sau đó đang bị VJC tạm quên. Nhà đầu tư đặt câu hỏi rằng lãnh đạo VJC sau đó sẽ phải làm cách nào để gánh được khoản này trong tương lai. Trước khi trả lời câu hỏi này, Báo Ngày mới Online sẽ tiếp tục cập thông tin về những công ty lạ liên quan đến câu chuyện mua bán máy bay của hãng hàng không này, cũng như các năng lực tài chính thật sự của VJC,...
Nhóm Phóng viên