Đáp ứng nhu cầu pháp luật của người dân thành phố
Tin tức 14/12/2024 08:11
Đại biểu dự hội nghị công tác trợ giúp pháp lý năm 2024 |
Đa dạng trong hoạt động truyền thông trợ giúp pháp lý
Theo Giám đốc Trung tâm TGPLNN TP.Hồ Chí Minh Huỳnh Tấn Đạt, Trung tâm đã tham mưu Sở Tư pháp ban hành Quyết định 677/STP-TGPL ngày 1/12/2023 về ban hành Kế hoạch truyền thông và thực hiện trợ giúp pháp lý năm 2024 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Thực hiện chỉ đạo của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương về việc tăng cường, đổi mới công tác truyền thông về hoạt động trợ giúp pháp lý, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền pháp luật về công tác trợ giúp pháp lý và thực hiện “Phiên toà giả định” trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nhằm đa dạng hoá, đổi mới nội dung, hình thức, cách thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm giúp tổ chức, cá nhân nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật.
Trong năm 2024, Trung tâm đã thực hiện 376 cuộc truyền thông và thực hiện TGPL ở cơ sở tại 21 quận, huyện và TP. Thủ Đức (tăng 57 cuộc so với cùng kỳ năm 2023). Tại các buổi truyền thông, Trung tâm phối hợp cùng các Phòng Tư pháp thực hiện tuyên truyền pháp luật với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, như: Luật dân sự, hình sự, lao động, Luật người khuyết tật, Luật người cao tuổi, Luật phòng chóng virut gây ra hội chứng suy giảm hệ thống miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), bình đẳng giới, Luật việc làm, Luật bảo hiểm xã hội, tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường và tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử; Luật TGPL năm 2017; Luật người khuyết tật năm 2010, chính sách có liên quan đến người dân tộc tiểu số và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành; Luật trẻ em, tuyên truyền nâng cao nhận thức về giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; Luật bình đẳng giới năm 2006 và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, kết hợp biểu diễn tiểu phẩm “hành vi bạo lực gia đình”; Luật an ninh mạng; Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; tổ chức phiên toà giả định xét xử vụ án vi phạm Luật giao thông đường bộ; hành vi “cố ý gây thương tích”; “trốn tránh nghĩa vụ quân sự”, “lừa đảo chiềm đoạt tài sản”; đồng thời tập trung vào các nội dung thời sự, như: Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 và Nghị định 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực xây dựng, Luật căn cước…với 76.920 người tham dự, qua đó thực hiện tư vấn pháp luật cho hơn 5.826 trường hợp, trong đó 756 trường hợp thuộc diện TGPL.
Ngoài ra, Trung tâm còn cấp phát 28.900 tờ gấp quy định về TGPL cho nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình, có khó khăn về tài chính; 9.100 tờ giấy quy định về TGPL cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và người có khó khăn về tài chính; 34.000 tờ gấp quy định về quyền được TGPL của người khuyết tật có khó khăn về tài chính và 3.200 tờ quy định chung về trợ giúp pháp lý.
Hiện tại, Trung tâm chưa có kinh phí và nguồn lực để xây dựng và duy trì trang thông tin điện tử riêng về trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, các hoạt động về trợ giúp pháp lý và các hoạt động thiện nguyện do Trung tâm thực hiện đều được biên tập và đăng tải thường xuyên trên trang fanpage mang tên “Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP. Hồ Chí Minh” để người dân theo dõi và tiếp cận.
Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước Huỳnh Tấn Đạt phát biểu tại Hội nghị |
Đạt kết quả vượt bậc, đi vào chiều sâu
Trong năm 2024, Trung tâm TGPLNN TP.Hồ Chí Minh có tổng số người được TGPL là 3.450 người/vụ việc, kỳ trước chuyển qua là 1.008 người/vụ việc, phát sinh trong kỳ là 2.442 người/vụ việc (phát sinh trong kỳ tăng 836 người/vụ việc so với kỳ 2023). Trong đó:
- Pháp luật về Hình sự là 1.714 người/vụ việc, chiếm tỷ lệ 49,68%, tăng 223 người/vụ việc
- Pháp luật về Dân sự là 516 người/vụ việc, chiếm tỷ lệ 14,96%, tăng 122 người/vụ việc
- Pháp luật về Hành chính là 88 người/vụ việc, chiếm tỷ lệ 2,55%, tăng 35 người/vụ việc
- Các lĩnh vực khác 1.132 người/vụ việc, chiếm tỷ lệ 32,81% , tăng 514 người/vụ việc.
Đáng chú ý là tình hình thực hiện vụ việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên đạt tỷ lệ khá cao, được dư luận đồng tình. Theo đó: có 3 Trợ giúp viên được bổ nhiệm dưới 3 năm, tham gia tố tụng kết thúc 7 vụ việc. 7 Trợ giúp viên được bổ nhiệm trên 5 năm, tham gia tố tụng kết thúc 206 vụ việc. Số vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công là 467/ 640 vụ việc, chiếm tỷ lệ 72,97%, trong đó có 119 vụ việc đạt 2 tiêu chí và 4 vụ việc đạt 3 tiêu chí thành công.
Có thể thấy rằng, trong năm 2024, tất cả các vụ việc tham gia tố tụng của người thực hiện TGPL, tại Trung tâm đều đạt kết quả thẩm định tốt, 100% Trợ giúp viên pháp lý đều đạt chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng theo Bộ tiêu chí thi đua của Bộ tư pháp tại Công văn số 236/BTP-TGPL ngày 12/01/2024.
Tặng Giấy khen cho các cá nhân |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Văn Vũ biểu dương, ghi nhận sự nỗ lực, tận tâm của những người thực hiện trợ giúp pháp lý. Trung tâm hoạt động trợ giúp pháp lý tại TP.Hồ Chí Minh có chuyển biến tích cực, đạt kết quả vượt bậc, đi vào chiều sâu, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người yếu thế- nhất là các đối tượng thuôc diện được trợ giúp pháp lý, như: người nghèo, người thuộc đối tượng chính sách, tạo được uy tín và quan tâm của người dân thành phố về công tác trợ giúp pháp lý.
Bên cạnh đó, Trung tâm còn có nhiều giải pháp, cách làm hay, đổi mới, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao - đặc biệt là lĩnh vực tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và tham gia tố tụng của của những người thực hiện trợ giúp pháp lý tại Trung tâm. Đáng chú ý làTrung tâm đã triển khai các hoạt động an sinh xã hội mang lại hiệu ứng tích cực cho đối tượng tiếp nhận, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thu hút viên chức, luật sư, mạnh thường quân tham gia. Trung tâm đã đảm bảo tốt hoạt động đồng hành củng người dân trong công cuộc “giảm nghèo” pháp luật, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Hoạt động của Trung tâm TGPLNN TP. Hồ Chí Minh đã đáp ứng nhu cầu pháp luật của người dân thành phố, được các cấp, các ngành và nhân dân ghi nhận.