Vì sao giao dịch mua bán, trao đổi tiền ảo có “đất sống” bất chấp cảnh báo cơ quan chức năng?
Tin tức 12/09/2021 08:33
Bằng nhiều lời quảng cáo “có cánh” của các sàn giao dịch ngoại hối thu hút người chơi
Vì sao nhiều người “vỡ mộng” tiền ảo?
Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Minh Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Đổi mới Sáng tạo (ISAI) chia sẻ: Vì sao các mô hình kinh doanh đầu tư tài chính biến tướng này, vốn đã được cảnh báo rất nhiều nhưng vẫn thu hút được nhiều nạn nhân sập bẫy? Quy phạm pháp luật điều chỉnh về vấn đề này như thế nào, có biện pháp ngăn chặn và xử lý hiệu quả hay không? Có thể thấy, các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo về mức độ rủi ro khi đầu tư vào hoạt động này. Thế nhưng, vẫn còn nhiều người tin và nghe theo lời dụ dỗ đường mật của các sàn giao dịch ngoại hối về tiền ảo bất hợp pháp, để rồi phải đối diện với trái đắng khi các sàn bỗng nhiên "bốc hơi". Điển hình, mới đây lại xuất hiện thêm website của Robomine hoặc FXTradingMarkets đã chính thức dừng hoạt động khiến tiền của những người tham gia "không hẹn ngày về".
Ông Hồ Minh Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Đổi mới Sáng tạo (ISAI). |
Theo đó, những người môi giới của mô hình quảng cáo, Robomine (RBM) là một ngân hàng số đến từ Anh quốc, giúp nhà đầu tư chỉ cần bỏ tiền vào gửi, sau đó nhận lãi hàng tháng. Trong đó, các thủ tục rút tiền, nạp tiền đều được thực hiện qua online. Đặc biệt, các nhà môi giới còn tạo "bánh vẽ" khi giới thiệu Robomine tự động kiếm tiền trong khi bạn ngủ, lãi suất lên đến 15%/tháng, trả thưởng theo từng giây. Theo quảng cáo, người tham gia chỉ cần tạo ví điện tử trên trang website của Robomine, sau đó mua các đồng tiền ảo như: Ethereum, USDT, Tron, Bitcoin rồi gửi vào ví Robomine. Tuy nhiên, ví này sẽ đi đào coin, hàng ngày lãi sẽ được tự động trả cho người chơi bằng 1 đồng tiền ảo có tên là RBM.
Cùng với đó, nhiều người dân đã tin vào lời chào mời của một nhóm môi giới, khi Robomine có thể tự quản lý vốn, tự rút vốn bất kỳ lúc nào, 24/7; càng mời chào được càng nhiều người tham gia, hoa hồng được hưởng lại càng lớn… hàng chục nghìn người đã bỏ tiền vào mô hình đào tiền ảo Robomine với mong muốn kiếm lời chóng vánh, mà không nhận ra rằng tại Việt Nam không hề có ngân hàng số Robomine nào được cấp phép hoạt động. Ngoài ra, để lôi kéo được nhiều người tham gia, những người môi giới của Robomine đã liên tục tổ chức những buổi hội nghị, hội thảo lớn, quy mô tới hàng trăm người. Trên các nhóm kín như Zalo, mỗi nhóm có tới hàng chục nghìn người tham gia, ước tính số tiền bỏ vào lên tới nhiều tỷ đồng.
Trong khi đó, khi hoạt động được nửa năm, đầu năm 2021 bỗng nhiên Robomine bị cho là vướng lỗi kỹ thuật, trục trặc phải bảo dưỡng, bảo trì hệ thống và không cho người tham gia truy cập. Sau đó, đến tháng 6/2021 vừa qua, Robomine chính thức thông báo mất hết dữ liệu. Hàng nghìn người đã chính thức không còn mở được tài khoản ví điện tử của mình trên Robomine. Từ đó, hàng loạt các hội, nhóm của Robomine trên các trang mạng xã hội cũng đồng loạt bị giải tán.
ThS. Hồ Minh Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Đổi mới Sáng tạo (ISAI) cho rằng hiện có nhiều người vì không hiểu biết, bên cạnh nỗi lo sợ bị bỏ lỡ cơ hội mà đã bỏ tiền ra để ôm những thứ chưa có giá trị, với mong muốn “đổi đời” trong tương lai. Đây là điều rất đáng lo ngại vì trên thực tế đã có rất nhiều cảnh báo rủi ro, lừa đảo. Nhưng, dường như vô tác dụng khi có hàng trăm sàn giao dịch và các ứng dụng kiếm tiền online ra đời mỗi ngày với các lời quảng cáo kiếm tiền dễ dàng được rao tràn lan…
Viện trưởng Viện ISAI cho rằng ở góc độ các đối tượng cố tình lôi kéo người dân, lại có hoạt động hết sức tinh vi và thường lợi dụng hình thức đa cấp, để thu hút một bộ phận các nhà đầu tư và người dân đầu tư dễ dàng hơn. Các hoạt động tham gia này cũng không có văn bản, chứng từ chứng minh để có thể kiện ra tòa.
ThS. Hồ Minh Sơn nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước không cho phép người dân dùng tiền kĩ thuật số làm phương tiện thanh toán cho các hoạt động mua sắm, nhưng lại không cấm các hoạt động giao dịch, nên luật pháp cần phải có sự điều chỉnh ngay.
Ông Hồ Minh Sơn khuyến nghị: “Chúng ta đã đợi sự điều chỉnh này từ mấy năm nay, nhưng đến giờ vẫn chưa có quy định pháp luật cụ thể: Thứ nhất, định nghĩa đồng tiền kỹ thuật số là gì, có thể được xem như một đồng tiền lưu thông hay là một loại tài sản. Thứ hai, dù được định nghĩa là tiền hay tài sản thì đều cần quy định về phạm vi sử dụng, giao dịch đến đâu. Các quy định này không chỉ cần thiết trong bối cảnh hiện tại mà còn phải chặt chẽ”.
Mới đây, thông tin về sàn giao dịch FXTradingMarkets (tổ chức trong thị trường hoạt động ngoại hối phát triển dựa trên nền blockchain với nền tảng giao dịch tỷ giá hối đoái tại Anh) bất ngờ thông báo ngừng giao dịch cũng đã khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào hoảng loạn. Số người may mắn rút được tiền khỏi sàn FXTradingMarkets chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi có cả nghìn nhà đầu tư bị mất tiền. Được biết, nhóm cầm đầu FXTradingMarkets là Lion Group. Đặc biệt, đã thu hút một số lượng người nổi tiếng tham gia bằng việc công khai PR hồi tháng 5/2021, khiến giá đồng FXT Token lập đỉnh ở mức 0,4255 USD/token.
Mặt khác, website của FXTrading Markets hiện đã bị khoá, giá trị đồng FXT Tokens về gần bằng 0. Mất trắng vốn liếng, nhiều người đã tập hợp đơn tố cáo, gửi đến các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, nhiều người không hy vọng lấy lại được tiền do các giao dịch không có hợp đồng gì mà chỉ nói miệng, nhắn tin, chuyển khoản là xong.
Theo thông tin từ Bộ Công an cho thấy, Robomine, Fxtradingmarket, Wefinex, Raidenbo, Binanex, GardenBO, Hitoption hay nhiều cái tên "tây" khác đều chỉ là các chiêu trò lừa đảo. Do đó, để làm cho người tham gia tin tưởng vào các sàn tiền ảo, forex tự xưng gắn mác quốc tế, rồi thiết kế website giao diện bằng tiếng Anh và đăng lên các giấy chứng nhận cấp phép giả của nước ngoài. Số tiền ảo trên các sàn này đều do các đối tượng tự tạo ra, chỉ có giá trị giao dịch nội bộ, không thể giao dịch ở các sàn khác.
Đánh vào lòng tham của nhiều người
Có thể khẳng định rằng, các công ty đầu tư forex gắn mác “ủy thác đầu tư” có sử dụng tiền ảo để giao dịch đã bị đánh sập sau khi huy động hàng ngàn tỷ đồng của nhà đầu tư rồi bỏ trốn, song vẫn có nhiều công ty, cá nhân âm thầm hoạt động chui. Với đặc tính luôn biến động, thị trường tiền ảo vẫn đang thu hút rất lớn các nhà đầu tư tiềm năng tham gia. Vì vậy, đây được xem là môi trường tốt để kẻ xấu lợi dụng trục lợi cá nhân. Hàng loạt dự án đầu tư tiền số, sàn giao dịch được ra đời cùng với đó là những hứa hẹn về mức lãi suất khủng dành cho các nhà đầu tư.
Được biết, các sàn tiền ảo lớn hiện đang được nhà đầu tư Việt Nam giao dịch, mua bán, đầu tư, lưu trữ là Binance, Okex, Houbi, Bittrex, Remitano, Santienao, Kenniex...Với nhiều chiêu thức, các sàn này vẫn thu hút được rất nhiều người tham gia. Cách thức mà những sàn này sử dụng là lợi dụng sự biến động giá và tính pháp lý của tiền ảo được một số nước công nhận để “lập lờ đánh lận con đen” hòng móc túi nhà đầu tư.
Song song với đó, lợi dụng thời gian giãn cách xã hội, khi không thể tổ chức các hội thảo trực tiếp, các sàn đã đẩy mạnh thông qua hoạt động online. Nhà đầu tư giao dịch thông qua các hội nhóm tự phát trên mạng xã hội, ứng dụng gọi điện, nhắn tin qua mạng như Telegram, Whatapp, Zalo, Viber, Facebook…. Các hội nhóm có tới cả trăm nghìn thành viên với những cái tên như: "Chợ đen Bitcoin Remitano USDT", "Cộng đồng Trade Coin Việt Nam", " Trade Coin - Kiếm tiền số",...
Theo đại diện Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho hay: Lợi dụng tính ẩn danh của các đồng tiền ảo, hầu như các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này thường không đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. Các đối tượng và nhà đầu tư trao đổi, liên hệ với nhau thông qua các nhóm kín trên mạng xã hội và huy động thu lợi bằng tiền ảo thay vì tiền VND như trước đây.
Bên cạnh đó, còn có một số mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp sử dụng tiền ảo trên không gian mạng phổ biến hiện nay, gồm: Đầu tư ngoại hối, ủy thác đầu tư tài chính; chào bán cổ phần, cổ phiếu doanh nghiệp; ICO các đồng tiền ảo; mô hình giao dịch nhị phân. Tình hình vi phạm quy định kinh doanh theo phương thức đa cấp trên không gian mạng diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước với nhiều phương thức thủ đoạn mới.
Theo ThS. Hồ Minh Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Đổi mới Sáng tạo (ISAI) nhận định, không có mô hình kinh doanh đầu tư đúng nghĩa nào có thể sinh lãi cả ngàn phần trăm/năm. Các mô hình quảng cáo siêu lợi nhuận luôn có yếu tố lừa đảo, nhà đầu tư phải cẩn thận đề phòng. "Nhằm ngăn chặn các hình thức lừa đảo tiền ảo đa cấp đội lốt 4.0 đang nở rộ, các bộ, ngành cần phải đưa ra khung khổ pháp lý phù hợp. Vì lẽ đó, ngay cả khi hành lang pháp luật được siết chặt, nếu không kiểm soát được lòng tham, nhà đầu tư vẫn có thể dễ dàng sập bẫy", Viện trưởng Viện ISAI khẳng định.
ThS. Hồ Minh Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Đổi mới Sáng tạo (ISAI) chia sẻ thêm, hiện có 2 lý do khiến các sàn giao dịch lừa đảo sống khỏe đến từ lợi nhuận khổng lồ và lòng tham của nhà đầu tư. "Các đối tượng lừa đảo đã dùng chiêu khuếch đại lợi nhuận để đánh vào lòng tham của con người. Từ đó, người chơi sẽ rơi vào một trò chơi mà các đối tượng có chủ đích lập trình sẵn và đến một ngưỡng nào đó, họ sẽ chính thức lật bài, đánh sập sàn, ôm tiền và bỏ chạy".
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương, tên gọi của một số loại tiền ảo hay ví điện tử nội bộ của các ứng dụng có nguy cơ lừa đảo như Gem, CBP, Silling, ONE, VNDC... Trên thực tế, đây là những loại tiền ảo, ví điện tử Việt Nam không công nhận là trung gian thanh toán. Do đó, pháp luật không bảo vệ các giao dịch liên quan. Ngoài ra, việc hưởng hoa hồng theo cấp, tầng, nhánh cũng rất đáng ngờ và những mô hình hoạt động của các website, ứng dụng thương mại điện tử có những biểu hiện như trên hoặc tương tự đều không rõ ràng, không minh bạch trong mô hình hoạt động, có nhiều dấu hiệu biến tướng, sử dụng mô hình kinh doanh đa cấp trái phép. |
Tin rằng, với những cảnh báo của các cơ quan chức năng cũng như các chuyên gia, hy vọng người dân cần hết sức tỉnh táo, đầu tư thông minh chứ không nên đầu tư ồ ạt, theo phong trào. Để từ đó, khi muốn đầu tư, cần phải xem xét kỹ 3 yếu tố “sự an toàn, lợi nhuận và mức thanh khoản”. Chắc rằng, Bộ Tài chính hiện đã thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo để thiết kế chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ có liên quan đến lĩnh vực này. Do đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thuộc Bộ Tài chính, đơn vị được giao chủ trì Tổ nghiên cứu cũng đang thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ về “Xây dựng khuôn khổ pháp lý quản lý tài sản mã hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam”. Bộ Tài chính trong thời gian tới sẽ tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ về cơ chế quản lý, giám sát các hoạt động liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo trong chức năng, nhiệm vụ được giao, hướng tới cân bằng giữa mục tiêu sáng tạo, tăng trưởng kinh tế với mục tiêu đảm bảo an toàn, an ninh cho thị trường tài chính, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư cũng như các thành viên khác tham gia thị trường.