Văn hóa thời đại Hùng Vương - Những giá trị lịch sử
Văn hóa - Thể thao 04/10/2018 11:21
Trong tâm thức của mỗi người Việt Nam, Vua Hùng là Quốc Tổ - biểu tượng thiêng liêng của cội nguồn, sự thống nhất dân tộc. Thời đại Hùng Vương có vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử nước nhà. Văn hóa của thời đại này đã phát triển khá cao, tạo nền vững chắc cho văn hóa, văn minh của dân tộc Việt Nam.
Hội thảo lần này nhằm làm rõ hơn đặc điểm, những giá trị văn hóa của thời đại Hùng Vương; qua đó góp phần giữ gìn và phát huy các di sản, văn hóa quý báu của thời các Vua Hùng - phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay. Những nội dung chính mà bản Đề dẫn hội thảo yêu cầu tập trung trao đổi, đóng góp, thảo luận: Làm rõ bối cảnh lịch sử, điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội hình thành văn hóa thời đại Hùng Vương; những đặc điểm của văn hóa thời đại Hùng Vương; đề xuất các giải pháp phát huy giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.
Nhiều tham luận và ý kiến thảo luận trong hội thảo nhất trí cho rằng: Kết quả nghiên cứu một cách khoa học kho truyền thuyết, các tài liệu lịch sử trong và ngoài nước, những thành quả nghiên cứu của nhiều ngành khoa học (đặc biệt là khảo cổ học) khẳng định: Thời đại Hùng Vương là có thật. Là thời kì tạo dựng, tồn tại và phát triển của Nhà nước Văn Lang - Nhà nước đầu tiên của dân tộc ta do người Việt bản địa lập nên.
Quang cảnh buổi Hội thảo
Bản tham luận "Đánh giá về đặc điểm văn hóa thời đại Hùng Vương" của GS,TS Trịnh Sinh (Viện Khảo cổ học) với những minh họa phong phú về tư liệu khảo cổ đi vào phân tích 3 lĩnh vực (văn hóa vật chất; văn hóa tinh thần; sự hòa đồng trong xã hội) nhằm tăng tính tính thuyết phục đối với luận điểm: Thời đại Hùng Vương là thời đại dựng nước của dân tộc Việt Nam.
Trên đất nước ta, từ thời Hùng Vương, đã sớm hình thành một dân tộc, một nền văn hóa dân tộc. Ý thức về chủ quyền dân tộc đã được hình thành từ đó. Bài thơ "Nam quốc sơn hà" (Sông núi nước Nam) của danh tướng Lý Thường Kiệt (1019 -1105) như một tuyên ngôn độc lập đầu tiên của lịch sử dân tộc ta. Trong “Bình Ngô đại cáo” Nguyễn Trãi đã viết: Như nước Đại Việt ta, vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Núi sông bờ cõi đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác. Phát huy truyền thống tư tưởng vĩ đại ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và truyền dạy: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".
Với kho tàng văn hóa dân gian vô cùng phong phú (truyền thuyết, truyện cổ tích, ca dao, tục ngữ, lễ hội, tín ngưỡng, phong tục tập quán…), tổ tiên chúng ta đã gửi lại thông điệp cho muôn đời con cháu về đạo lí làm người mang đặc tính dân tộc mình. Đó là tính cộng đồng dân tộc, lối sống nghĩa tình, lòng yêu nước vô bờ bến. Phong tục thờ cúng tổ tiên là biểu hiện của lòng biết ơn đối với các bậc có công sinh thành để có mình trên cõi đời.
Thể hiện sự đồng thuận và tôn trọng của Nhân dân thế giới đối với mĩ tục mà ông cha chúng ta để lại, tại kì họp lần thứ 7, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Được biết, Trung tâm nghiên cứu và phát triển văn hóa Hùng Vương đã thành lập được một số Chi nhánh ở các tỉnh, thành phố. Ngày 14/8/2018, tại TP Việt Trì, đã diễn ra Hội nghị ra mắt Chi nhánh Trung tâm nghiên cứu và phát triển văn hóa Hùng Vương tỉnh Phú Thọ.
TS Chu Huy Sơn