Ưu tiên sử dụng điện tái tạo: Không thể chậm trễ hơn
Xã hội 11/06/2023 08:16
Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần nhanh chóng đưa các dự án năng lượng tái tạo vào vận hành, tránh lãng phí tài nguyên và kinh phí đầu tư của chính các nhà đầu tư, góp phần đảm bảo nguồn cung điện.
Điện tái tạo “ngắc ngoải” vẫn phải chờ “ống thở”
Tổng công ty điện lực ở một số tỉnh, thành phố đã thông báo lịch cắt điện những ngày vừa qua với lý giải nhiều khu vực phụ tải lớn cần được bảo trì hoặc luân phiên cắt giảm để đảm bảo an toàn điện lưới. Dù vậy, theo ghi nhận nhiều khu vực ở Hà Nội, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh xuất hiện tình trạng mất điện nhiều tiếng đồng hồ, gây xáo trộn sinh hoạt của người dân cũng như sản xuất kinh doanh.
Nhiều dự án năng lượng tái tạo đang rơi vào "cửa tử" vì vướng cơ chế, chính sách. Ảnh: Tuấn Linh |
Bên cạnh đó, mặc dù Nhà nước khuyến khích phát triển cùng với nhu cầu sử dụng điện năng trong nước tăng nhanh nhưng nhiều doanh nghiệp đầu tư năng lượng điện tái tạo tại Việt Nam, bao gồm điện gió, điện mặt trời vẫn phải đối mặt thực trạng dư thừa năng lực sản xuất, đủ điều kiện phát điện nhưng không bán được sản phẩm ra thị trường.
Tréo ngoe hơn, bên cạnh những bất cập trong cơ chế đàm phán giá phát điện, cơ chế huy động điện tạm thời từ các dự án trong nước đã được triển khai, đầu tư xây dựng vẫn ách tắc thì vấn đề Bộ Công Thương, EVN vẫn “quyết tâm” nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào dẫn đến viễn cảnh các dự án điện tái tạo “giải cứu, nối “ống thở” vẫn còn rất xa vời, mặc cho nhiều doanh nghiệp đang đầu tư vào lĩnh vực này đang đứng trước bờ vực phá sản, mặc sức “kêu gào”.
Trước đó, thông tin trên báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cũng cho biết, việc nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào là chiến lược dài hạn dựa trên các mối quan hệ chính trị - kinh tế của Việt Nam nhằm đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn của quốc gia và được xác định trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia từng thời kỳ.
Dấu hỏi trong điều hành hoạt động ngành điện?
Trong khi vấn đề năng lượng tái tạo chuyển tiếp đang nhức nhối còn ngành Công Thương khăng khăng bảo lưu các quan điểm điều hành hoạt động ngành điện thì tại nghị trường, nhiều ý kiến Đại biểu Quốc hội cho rằng, thông tin EVN thông báo khoản lỗ hơn 26.000 tỉ đồng đã khiến cử tri quan tâm và thắc mắc nguyên nhân nào dẫn đến khoản lỗ lớn như vậy, giải pháp giải quyết thế nào?
Hàng tỷ KWh điện năng lượng tái tạo đang bị cắt giảm. Ảnh: Tuấn Linh |
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) nêu ý kiến, cùng một hệ sinh thái, nhưng EVN báo lỗ, còn các công ty con vẫn công bố thu lợi nhuận cao, thế thì nguyên nhân khoản lỗ của EVN là từ đâu, có phải từ năng lực quản lý hay không? Cũng theo bà Yên, một vấn đề dư luận quan tâm hiện nay là lúc EVN báo lỗ và tăng giá điện thì việc đàm phán giá điện với các đơn vị sản xuất điện gió, điện mặt trời vẫn chưa có sự ngã ngũ.
“Vấn đề trên vô hình chung tạo ra sự lãng phí rất lớn. Tôi cho rằng, giải pháp lâu dài cho ngành điện là chúng ta phải nghiên cứu, tìm ra các phương án tối ưu, đảm bảo an ninh năng lượng; có thể tìm được nguồn nguyên liệu rẻ, sạch hơn, từ đó giảm giá thành sản xuất” - Bà Yên nói.
Cũng phát biểu về vấn đề này, đại biểu Đinh Ngọc Minh - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay, người dân bức xúc liên quan lĩnh vực điện năng vì có nhiều vấn đề. Trong đó có việc, tại sao chúng ta phải nhập khẩu điện trong khi 4.600 MW điện mặt trời, điện gió không được lên lưới. “Vì sao thế, đây cũng là tài sản quốc gia, tại sao lãng phí như vậy?” - ông Minh đặt câu hỏi.
Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, điện gió, điện mặt trời Việt Nam có nhiều lợi thế, nhưng mãi gần đây mới đưa vào Quy hoạch điện VIII. Còn một loạt dự án điện gió, điện mặt trời đưa vào Quy hoạch điện VII đang vướng mắc cơ sở pháp lý dẫn đến không hòa được vào lưới điện.
“Chúng ta thừa điện, có doanh nghiệp phải đóng cửa, chạy chỉ để duy trì kỹ thuật nhưng không hòa vào mạng lưới được. Lãng phí như thế ai chịu trách nhiệm” - ông Vân nêu.
Trong khi đó, ông Vân cho biết, Việt Nam đang nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào. “Có buồn không? Tại sao như vậy? Nếu giá thành của họ thấp, tại sao chúng ta không kiểm tra xem có giảm được giá điện không? Việt Nam có thể xác định là một cường quốc điện gió, điện mặt trời nhưng vì sao vẫn phải nhập khẩu?” - ông Vân nêu thắc mắc.
Cũng theo ông Vân, EVN lỗ triền miên như vậy, có năm lỗ hàng chục nghìn tỉ đồng nhưng phải xem quan chức ngành điện đời sống thế nào, chi tiêu thế nào. Quốc hội cần phải mổ xẻ.
Khung giá điện hiện hành đang “bức tử” nhiều doanh nghiệp
Ngoài ra, việc áp cơ chế giá cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp như khung giá hiện hành được lãnh đạo ngành Công Thương cho là phù hợp lại không nhận được sự đồng tình từ các nhà đầu tư. Có thể thấy, cho đến nay vẫn không có đột phá nào trong việc tiến hành đàm phán giá điện giữa các nhà đầu tư năng lượng chuyển tiếp với EVN.
Cần cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư năng lượng tái tạo. Ảnh: Tuấn Linh |
Theo đó, đối với các dự án đã hoàn thành (điện gió, điện mặt trời), Bộ Công Thương chỉ đạo chỉ cho ký hợp đồng mua bán điện với giá bằng 50% (theo khung giá của Quyết định số 21/QĐ-BCT ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp của Bộ Công Thương).
Cụ thể, đối với nhà máy điện mặt trời mặt đất, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/04/2017) thì nay điều chỉnh chỉ còn 1.184,90 đồng/kWh (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ngày 07/01/2023).
Đối với giá điện gió trên biển, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kWh (theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/09/2018) thì nay điều chỉnh chỉ còn 1.815,95 đồng/kWh (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ngày 07/01/2023).
Với việc chỉ mua điện theo giá trần (giá cao nhất) của khung giá hiện tại thì nhiều nhà đầu tư chỉ biết “kêu trời” vì thiệt hại nặng về kinh tế do không đảm bảo các chi phí đầu tư dự án.
Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời còn đặt dấu hỏi về thẩm quyền ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về ban hành khung giá điện mặt trời, điện gió. Trong khi đó, quá trình ban hành Quyết định 21 dường như quá vội vàng, chưa bảo đảm việc thẩm định và lấy ý kiến một cách kỹ lưỡng.
Giải quyết thủ tục pháp lý liên quan đến thẩm quyền và trách nhiệm của chính quyền địa phương và giải pháp gỡ vướng cho ngành điện. |
Bởi lẽ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam và Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam và sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, thẩm quyền của Thủ tướng đã ban hành quyết định thì khi sửa đổi, bổ sung cũng phải do Thủ tướng quyết định. Vậy, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT về ban hành khung giá điện gió, điện mặt trời liệu có đúng thẩm quyền?
Ngoài các bất cập về cơ chế, chính sách, hiện nay, tổng dư nợ của các dự án chuyển tiếp hiện tại lên tới 60 nghìn tỷ đồng, do đó cần có sự cân nhắc sâu sắc từ Chính phủ và các cơ quan ban ngành, nếu không rủi ro hiện hữu vi phạm cam kết trả nợ của các dự án này không chỉ ảnh hưởng nội tại đến sự ổn định của hệ thống ngân hàng Việt Nam nói riêng, mà còn tạo hình ảnh không tích cực đến môi trường đầu tư của các doanh nghiệp và định chế tài chính quốc tế nói chung.
Trong bối cảnh, nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời đã bị buộc cắt giảm công suất phát điện vì vướng cơ chế, chính sách, gây lãng phí tài nguyên và gây thiệt hại vô cùng lớn cho đất nước, doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn, nguy cơ phá sản rất cao, nhiều nhà đầu tư đề nghị Bộ Công thương, EVN đầu tư đồng bộ các công trình truyền tải điện.
Đồng thời, đề xuất Chính phủ chỉ đạo xem xét lại các quy định về Khung giá phát điện nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp ban hành tại Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023, Thông tư số 01/2023/TT-BCT ngày 19/1/2023 nhằm phù hợp với thực tiễn ngành điện nói chung và thực tế đầu tư của các dự án.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, một số thủ tục đầu tư (chủ yếu liên quan đến đất đai như: chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, quyết định cho thuê đất, hợp đồng thuê đất…) thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi thực hiện dự án đầu tư.
Việc UBND các cấp tại địa phương chậm giải quyết thủ tục hành chính là có (vấn đề chậm, muộn giải quyết thủ tục một phần đã gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, nội dung này đã được Đại biểu Quốc hội có ý kiến trong phiên thảo luận tại Quốc hội vừa qua). Tuy nhiên, việc chậm giải quyết thủ tục hành chính này không ảnh hưởng đến chất lượng công trình, hiệu quả của dự án và không phải trách nhiệm thuộc về các nhà đầu tư.
Các chuyên gia cho rằng, để hài hòa lợi ích quốc gia, nhất quán về chủ trương, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư của nhà nước, tạo điều kiện và động lực cho các nhà đầu tư/doanh nghiệp điện tái tạo phát triển, phục hồi sau đại dịch COVID-19. Điều này tránh lãng phí tài nguyên đất nước, cần có giải pháp sớm huy động các dự án hòa lưới điện song song với việc đàm phán giá mua điện mới. Phải tính toán cho doanh nghiệp có một mức giá đủ để vận hành nhà máy, có thể xem xét mức giá mua điện mới giảm khoảng từ 8-10% so với giá theo Quyết định 39 TTg để phù hợp với tình hình mới và hài hòa giữa các bên.