Tránh chồng lấn với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Sự kiện 24/11/2023 13:32
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, theo đó đã đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, cùng trình Quốc hội cho ý kiến đồng thời tại Kỳ họp thứ 6, thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
Đảm bảo tính thống nhất …
Qua nghiên cứu dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (đoàn Gia Lai) nhận thấy, tính thống nhất của Luật Đường bộ với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) mặc dù có sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng và có sự phối hợp để phân định rõ phạm vi điều chỉnh của hai dự án Luật. Tuy nhiên, có một số nội dung trong 2 dự án Luật tiếp tục chồng lấn, một số nội dung cùng quy định ở cả 2 dự án Luật nên dễ gây sự chồng lấn, khó khăn, trùng lặp trong quá trình thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương |
Cụ thể, tại khoản 1, Điều 43 của dự thảo Luật quy định là Trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh là nơi thu thập, lưu giữ, phân tích và xử lý dữ liệu để kết nối, chia sẻ cho các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động chỉ huy giao thông. Còn theo quy định tại Khoản 2, Điều 69 của Luật TTATGTĐB, Trung tâm chỉ huy giao thông là nơi thu thập, lưu trữ, phân tích, xử lý dữ liệu và cung cấp thông tin, tình hình giao thông thuộc Vụ chỉ huy điều hành giao thông.
Do vậy, cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đặc biệt là các thông tin cần phải thu thập, lưu trữ, phân tích và xử lý dữ liệu của hai loại Trung tâm này để tránh trùng lặp, chồng chéo về nhiệm vụ và lãng phí về nguồn lực, đại biểu Phương đề nghị.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) cho rằng, việc tách riêng Luật Đường bộ để tập trung quy định các vấn đề về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và vận tải đường bộ là cần thiết. Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định đang được quy định đồng thời ở hai luật, gây bất tiện cho người dân trong quá trình áp dụng, thực thi luật. Vì vậy, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để đảm bảo quy định không bỏ sót, nhưng cũng không trùng lặp, dễ áp dụng.
Nêu lên những khó khăn, thiếu cơ sở hậ tầng đối với vùng sâu, vùng xa, đại biểu Trần Thị Thu Phước (đoàn Kon Tum ) đề nghị có chính sách ưu tiên đối với các doanh nghiệp hiện việc đầu tư xây dựng đối với hạ tầng giao thông tại các khu vực vùng sâu vùng xa và việc huy động xã hội hóa.
“Ban soạn thảo giải thích rõ hơn về tác động tích cực của các quy định đối với việc cải thiện điều kiện giao thông ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng dân tộc thiểu số trong quá trình thi hành luật”, đại biểu Phước nêu rõ.
Về vận tải hành khách bằng xe ô tô, đại biểu Trần thị Thu Phước đề nghị có giải pháp và chế tài để gắn chặt chẽ hơn nữa gắn trách nhiệm của doanh nghiệp đối với lái xe bị vi phạm; đồng thời bổ sung quy định về Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế phối hợp lưu trữ những thông tin hồ sơ của những lái xe dương tính với chất ma túy để có thể chia sẻ đối với đến với tất cả các đơn vị chức năng, doanh nghiệp để kiểm tra khi tuyển dụng.
Trạm thu phí phải được đặt và thu đúng tuyến đường
Ghi nhận dự thảo luật được chuẩn bị công phu, toàn diện với sự cố gắng tách một luật thành hai luật, tuy nhiên theo đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương), vẫn còn một số điều trùng lặp giữa dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ví như chính sách phát triển đường bộ còn khá chung chung tại Điều 5 dự thảo Luật.
Phiên thảo luận về dự thảo Luật đường bộ sáng ngày 24/11. |
Về trạm thu phí đường bộ, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, cần quy định rõ nơi đặt trạm, tránh trường hợp trạm ở một nơi lại thu cho một tuyến đường khác.
Về Điều 50, tại khoản 7 có nêu về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi xây dựng cao tốc, đại biểu Huân cho biết nội dung này đã quy định rất cụ thể trong Luật Đất đai, do đó, đề nghị không nên đưa vào luật Giao thông đường bộ.
Về xây dựng, quản lý, sử dụng Trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh, Trung tâm chỉ huy giao thông, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho biết cả dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đều có quy định liên quan nội dung này.
Đại biểu bày tỏ băn khoăn về cách thức triển khai thực hiện và đề nghị đánh giá kỹ lưỡng tránh chồng chéo chức năng nhiệm vụ, trùng lắp, lãng phí và có thể xem xét hợp nhất việc đầu tư xây dựng vận hành hai Trung tâm trên.
“Trong quá trình thiết kế, xây dựng đường bộ, các Trung tâm quản lý, chỉ huy giao thông và các công trình phụ trợ khác cần có phương án thi công tối ưu với các ngành liên quan như điện, viễn thông, cống thoát nước” đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân nhấn mạnh.
Trong phiên thảo luận sáng ngày 24/11, nhiều đại biểu cho rằng, với xu thế phát triển công trình ngầm trong phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng và rút kinh nghiệm một số nước trên thế giới, nên bổ sung quy định đối với công trình ngầm gắn với công trình thương mại, dịch vụ theo mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD).
Đây là hình thái phát triển đô thị lấy phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán. Phát triển không gian ngầm mang lại lựa chọn tốt hơn cho đô thị và xu hướng phát triển đô thị trong tương lai, tối ưu hoá tài nguyên đất mức độ sử dụng đất để đạt được những mong muốn phát triển xã hội bền vững trong tương lai.
Về điều khoản ưu tiên sử dụng đất để đầu tư xây dựng điểm đỗ dừng trông giữ phương tiện thân thiện môi trường, trạm sạc phương tiện điện, theo đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), đây là hoạt động mang tính tích cực, sẽ được triển khai trong thời gian tới. Song, hiện tại dự luật chỉ ưu tiên sử dụng đất để đầu tư xây dựng điểm dừng đỗ trông giữ phương tiện giao thông thân thiện môi trường, chưa gắn với hệ thống giao thông thông minh.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã xây dựng điểm dừng đỗ trông giữ phương tiện giao thông thông minh nhằm tiết kiệm, tối ưu hoá mặt bằng sử dụng đất đai, tạo điều kiện để tiết kiệm thời gian tiền bạc. Vì vậy, cần chỉnh sửa chính sách này để bảo đảm phát triển giao thông minh bao trùm hoạt động đường bộ.
Góp ý thêm về điều khoản quy định hệ thống giao thông đường thông minh, đại biểu Nguyễn Tạo khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, cần thiết, thiết thực bởi hệ thống giao thông thông minh mang lại lợi ích thực tiễn to lớn, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho đi lại vận chuyển hàng hoá.