TP Hồ Chí Minh: Những dự án giao thông được kỳ vọng trong năm 2019
Bất động sản 07/01/2019 09:55
Hoàn thiện nút giao Mỹ Thủy
Một công trình được mong đợi trong năm 2019 là nút giao Mỹ Thủy. Đây là điểm giao của hai trục đường chính của TP.Hồ Chí Minh, trong đó có trục đường Đồng Văn Cống - Nguyễn Thị Định ra vào cảng Cát Lái với lượng xe vận chuyển hàng hóa lên tới hơn 20.000 lượt mỗi ngày.
Công trình nút giao Mỹ Thủy giai đoạn 1 gồm: Cầu Kỳ Hà 3, hầm chui, cầu vượt, nhánh bờ hữu-tả rạch Mỹ Thủy. Tổng mức đầu tư giai đoạn này là 838 tỉ đồng. Dự án giai đoạn 2 bao gồm xây cầu vượt thứ hai dài 316m trên đường Vành đai 2 với bốn làn xe. Xây cầu vượt rẽ trái từ Cát Lái đi cầu Phú Mỹ dài 725m với hai làn xe. Xây cầu Kỳ Hà 4 dài 75m trên nhánh rẽ phải từ cầu Phú Mỹ về Cát Lái với bốn làn xe.
Cầu vượt nút giao thông Mỹ Thủy, quận 2 có mức đầu tư xây dựng hơn 200 tỷ đồng này là hạng mục giai đoạn 1 của dự án xây dựng nút giao Mỹ Thủy. |
"Giai đoạn 2 có tổng vốn đầu tư 1.150 tỉ đồng được dự kiến triển khai vào đầu năm 2019 để hoàn thiện khép kín Vành đai 2 của TP chúng ta. Năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện nút giao trọng điểm này” - ông Vũ Xuân Nguyên, Trưởng phòng Quản lý xây dựng, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án để khép kín Vành đai 2
Theo quy hoạch phát triển giao thông TP.Hồ Chí Minh đến năm 2020, đường Vành đai 2 có chiều dài gần 70km, đi qua các quận 2, 7, 8, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức và 2 huyện Hóc Môn, Bình Chánh. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, đến nay Thành phố mới hoàn thành được gần 55km, do vậy UBND TP.Hồ Chí Minh đã yêu cầu các sở, ngành liên quan thực hiện nhanh các dự án kết nối đồng bộ các đoạn còn lại của đường vành đai 2.
Cụ thể, đoạn 1 (từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội, bao gồm nút giao thông Bình Thái) có chiều dài 3,82km; đoạn 2 (từ nút giao thông Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng) có chiều dài 1,99km; đoạn 3 (từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa) có chiều dài 2,75km; và đoạn 4 (từ nút giao thông An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh) có chiều dài 2,75km.
Đây có thể nói là tuyến đường trọng điểm của TP trong năm tới, khi giao thông hoàn thiện, việc di chuyển của người dân sẽ dễ dàng hơn, nối liền quãng đường từ khu Nam qua khu Đông, phía Bắc và phía Tây TP.Hồ Chí Minh. Từ đây, các dự án bất động sản cũng dễ dàng phát triển thu hút các nhà đầu tư lớn khai thác thị trường còn nhiều tiềm năng. Xung quanh tuyến đường này cũng tập trung nhiều dự án của các công ty bất động sản như Nam Long, Novaland, Khang Điền… được xây dựng với quy mô lớn, hình thành cụm khu dân cư tri thức tại khu Đông.
Mở rộng cửa ngõ Đông Bắc, Tây Bắc, sân bay
Về các dự án cửa ngõ trọng điểm của TP, ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh (CII), thông tin: Năm 2019, dự án mở rộng cửa ngõ Đông Bắc sẽ có thể tái khởi động sau 16 năm “án binh bất động”. Đồng thời dự án mở rộng cửa ngõ Tây Bắc cũng sẽ được triển khai”.
Về dự án cửa ngõ Tây Bắc, ông Phạm Ngọc Dũng, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 3, Sở GTVT, cho hay: “Ngay đầu quý I-2019, tỉnh lộ 9 đoạn từ đường Lê Văn Khương đến đường Tô Ký (huyện Hóc Môn) có chiều dài 5,2 km, hiện rộng chỉ 7-8 m sẽ được mở rộng lên 30 m”. Song song đó, tỉnh lộ 8, trục lên huyện Củ Chi, cũng có thể được khởi công vào cuối năm 2019.
Ngoài hai cửa ngõ giao thông quan trọng nói trên, TP cũng đã quyết định mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, mục đích giải cứu cửa ngõ hàng không phía Nam khỏi tình trạng ùn tắc.