Tổng Công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam: 33 năm phát triển bền vững
Doanh nghiệp - Doanh nhân 16/11/2023 10:26
Tổng công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam – Công ty Cổ phần (VEAM) được thành lập năm 1990 với mục tiêu trọng tâm của ngành cơ khí Việt Nam là Công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, VEAM có quy mô 26 đơn vị thành viên. Trong đó có 3 công ty chuyên về kinh doanh xuất nhập khẩu vật tư, thiết bị đáp ứng các nhu cầu của VEAM và các bạn hàng khác. VEAM còn là đối tác Việt Nam tham gia góp vốn và thành lập các liên doanh Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Ford Việt Nam, Mekong Auto và VEAM Korea.
Với bề dày kinh nghiệm trong sản xuất, các sản phẩm của VEAM như: máy cày, động cơ đốt trong (xăng và diesel), máy xay xát lúa và hộp số nuôi tôm rất được thị trường nội địa ưa thích đồng thời xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Các dây chuyền sản xuất của VEAM liên tục được đầu tư và cải tiến để có thể đạt được chất lượng tốt nhất với chi phí thấp.
Ngoài ra, VEAM cũng tích cực tham gia công nghiệp hỗ trợ và cho tới nay đã gặt hái được những thành công nhất định. Đối với sản phẩm xe máy, VEAM đang là nhà cung cấp phụ tùng chính thức cho các liên doanh lớn tại Việt Nam như: Honda, Piaggio, Yamaha… Với năng lực hiện thời, VEAM có thể sản xuất được các chi tiết phần khung và chi tiết phần động cơ, đặc biệt có những chi tiết động cơ dạng khó như: Trục khuỷu (Crankshaft), Tay biên (Connecting Rod)… Hợp tác với các công ty lớn giúp VEAM nâng cao thương thiệu và đã có nhiều Công ty nước ngoài tìm đến đặt hàng như Sumitomo, Enkei, Konishi, Tshukuba...
Bên cạnh việc phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với xe máy, VEAM còn xúc tiến đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư sản xuất ô tô, phụ tùng và linh kiện ô tô nước ngoài liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ sản xuất phụ tùng và linh kiện ô tô cho các công ty thành viên của VEAM và xây dựng các nhà xưởng sản xuất phụ tùng, linh kiện ô tô cung cấp cho các công ty: Toyota, Honda, Ford ... nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa theo đúng chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ, góp phần đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp.
Về hoạt động kinh doanh, lợi nhuận sau thuế dự kiến năm 2023 đạt 5.694 tỷ đồng (theo Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2023), trong khi đó theo Báo cáo tài chính quý 3 thì hết 9 tháng đầu năm lợi nhuận sau thuế đã đạt 7.343 tỷ đồng. Như vậy, VEAM đã hoàn thành và vượt 29% kế hoạch lợi nhuận sau thuế chỉ sau ba quý đầu năm.
Đáng chú ý, VEAM vừa thông báo về việc chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 41,869% (01 cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận 4.186,9 đồng). Đây là năm thứ tư liên tiếp VEAM đảm bảo mức cổ tức trên 40% bằng tiền mặt, trong đó 2 năm 2019-2020 có mức chia cổ tức hơn 50%.
Sau 33 năm hình thành và phát triển, VEAM không chỉ khẳng định vị thế là doanh nghiệp dẫn đầu sản xuất máy nông nghiệp Việt Nam mà còn từng bước trở thành doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ quan trọng trên thị trường. Thời gian tới, VEAM sẽ tiếp tục chú trọng đầu tư nâng cao năng lực trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Tiếp tục trở thành đối tác lớn của các tập đoàn, công ty đa quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, VEAM cũng phấn đấu nhanh chóng giành được chỗ đứng vững chắc trong ngành công nghiệp sản xuất xe máy, động cơ, máy nông nghiệp và ngành công nghiệp ô tô, từ đó tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.