Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Di chúc của Người luôn đồng hành cùng dân tộc!”
Tin tức - Sự kiện 31/08/2019 10:50
Tham dự Lễ kỉ niệm có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ viên Trung ương Đảng…
Dự lễ kỉ niệm có khoảng 3.500 đại biểu của Trung ương, địa phương, đại diện một số cơ quan ngoại giao, lão thành cách mạng, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động thời kì đổi mới, cựu chiến binh, nhân sĩ, trí thức, đại diện các tôn giáo, dân tộc thiểu số, học sinh, sinh viên, các tầng lớp Nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô.
Trong diễn văn 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỉ niệm 50 năm Ngày mất của Người, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trước lúc đi xa, Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bản Di chúc thiêng liêng, một văn kiện lịch sử cực kì quan trọng, kết tinh tư tưởng văn hóa, trí tuệ, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một bậc vĩ nhân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian và tâm huyết, tự mình lặng lẽ chuẩn bị rất công phu và chu đáo để hoàn thành bản Di chúc trong vòng 4 năm. Chỉ với hơn 1.000 từ vô cùng ngắn gọn, Di chúc của Người đã truyền cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ý chí quyết tâm sắt đá, niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh vĩ đại của dân tộc Việt Nam; sức mạnh của chính nghĩa và chân lí "Không có gì quý hơn độc lập tự do"; sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Di chúc cho thấy tầm nhìn xa trông rộng, thấm đậm và tràn đầy tinh thần nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự nghiệp giải phóng và phát triển con người. Khi bàn về vấn đề quốc tế, Di chúc thể hiện tầm nhìn lớn lao, một nhãn quan văn hóa rất mực nhân văn, sâu sắc và tinh tế. Người quan tâm củng cố sự đoàn kết trong phong trào cộng sản công nhân quốc tế và ra sức thúc đẩy sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng xúc động: "Trong những lời cuối cùng của Di chúc, Người nói về việc riêng. Dù nói về việc riêng nhưng vẫn hàm chứa trong đó biết bao sự suy tư, trăn trở; vẫn toát lên sự suy nghĩ và hành động lo cho nước, lo cho dân; cho thấy Người trọn đời chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".
Từ quá trình thực hiện những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ chí Minh trong Di chúc đã khẳng định Đảng ta có đủ bản lĩnh trí tuệ, kinh nghiệm uy tín và khả năng lãnh đạo, luôn ý thức được sứ mệnh, trọng trách của mình trước Nhân dân, trước vận mệnh dân tộc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Tự hào với tất cả những gì làm được, song cũng không khỏi trăn trở, day dứt trước những gì chưa làm được hoặc làm chưa trọn vẹn. Không ít những khuyết điểm, yếu kém và khó khăn, thách thức đang cản trở tiến trình đổi mới, xây dựng đất nước, nếu không kiên quyết, kiên trì ngăn chặn đẩy lùi sẽ đe dọa tới vận mệnh của Tổ quốc, sự sống còn của chế độ và vai trò lãnh đạo của Đảng. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực ra sức phấn đấu, phát huy ưu điểm, sửa chữa khắc phục khuyết điểm, yếu kém; tuyệt đối không chủ quan tự mãn, không say sưa với thắng lợi hay bi quan dao động trước những khó khăn, thử thách".
50 năm qua, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một văn kiện chính trị hết sức quan trọng cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Bởi gửi gắm trong đó là tất cả ham muốn và tâm nguyện trọn cuộc đời của Bác - Người Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa kiệt xuất. Di chúc là cương lĩnh xây dựng đất nước sau chiến tranh, thể hiện tầm nhìn rộng lớn và trí tuệ sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được công bố cách đây 50 năm, nghĩa là đất nước ta đã có 50 năm thực hiện Di chúc của Người. 50 năm qua, Đảng và Nhà nước ta lãnh đạo toàn dân thực hiện Di chúc đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa: Giành độc lập và thống nhất trọn vẹn cho đất nước; tạo dựng được hình ảnh một đất nước Việt Nam vững vàng, ổn định về chính trị, vượt qua khủng hoảng kinh tế – xã hội, tiến hành công cuộc đổi mới thành công, đưa kinh tế phát triển liên tục với tốc độ khá cao, cải thiện một bước đáng kể đời sống vật chất – vǎn hoá của Nhân dân, có vị trí uy tín quốc tế ngày càng lớn trong khu vực và trên thế giới. Những kết quả quan trọng đó có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta, khẳng định trí tuệ và bản lĩnh của Đảng ta, dân tộc ta, khẳng định Việt Nam đang đi theo đúng con đường mà Người đã lựa chọn.