Giảng viên lớp tập huấn là các chuyên gia của Trung ương Hội, Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam trực tiếp hướng dẫn những nội dung về nghiệp vụ; giúp cán bộ làm công tác Hội từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt 41 thành viên Ban Chủ nhiệm nắm chắc nội dung, cách thức thành lập và tổ chức các hoạt động của CLB. Nhân dịp này, Hội NCT tỉnh hỗ trợ mỗi CLB 1 cân kiểm tra trọng lượng cơ thể, 1 máy đo huyết áp điện tử, 3 nhiệt kế thủy ngân trị giá 1,7 triệu đồng và 1 triệu đồng tiền mặt để mua sổ sách, văn phòng phẩm phục vụ hoạt động. Đối với các CLB thành lập sau cũng được hỗ trợ tiền và hiện vật tương tự.
|
Lãnh đạo Hội NCT tỉnh hỗ trợ kinh phí và một số dụng cụ phục vụ hoạt động CLB |
Theo Kế hoạch số 4070/KH-UBND, ngày 14/9/2017 của UBND tỉnh Phú Thọ "Triển khai thực hiện đề án nhân rộng mô hình CLB LTHTGN, giai đoạn 2017 - 2020", mục đích phát triển các CLB trên địa bàn thông qua cách tiếp cận liên thế hệ, tự giúp nhau dựa vào cộng đồng để thực hiện mục Chương trình Hành động Quốc gia về NCT; nâng cao vai trò của tổ chức Hội, huy động sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội vào sự nghiệp chăm sóc, phát huy vai trò NCT. Trong năm nay, toàn tỉnh thành lập 8 CLB. Sau khi ra mắt, đi vào hoạt động hiệu quả, Hội tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm rồi nhân ra diện rộng, phấn đấu đến năm 2020 trên địa bàn sẽ có từ 20 CLB trở lên, với ít nhất 1.000 thành viên. Được biết, kinh phí tập huấn lấy từ chi thường xuyên của BĐD Hội NCT tỉnh; đồng thời nhận được sự quan tâm của cấp ủy và chính quyền tỉnh về chuyên đề nhân rộng mô hình.
|
Các học viên lớp tập huấn |
Ông Nguyễn Văn Xuất, Trưởng BĐD Hội NCT tỉnh cho biết: Đây là mô hình rất mới đối với tỉnh. Việc thành lập đã khó, nhưng duy trì theo 8 nội dung hoạt động còn khó khăn hơn nhiều. Khó khăn nhất vẫn là việc huy động nguồn lực tài chính ban đầu và lựa chọn để có đội ngũ Ban Chủ nhiệm thực sự nhiệt tình, trách nhiệm, nắm vững nghiệp vụ. Nếu xây dựng CLB và hoạt động tốt sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác Hội. Do vậy, chúng tôi thực hiện từng bước, làm đến đâu chắc đến đó, biến khó thành không còn khó nữa.
Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 8 CLB, có đầy đủ Ban Chủ nhiệm, quỹ vốn và sẵn sàng ra mắt. Trong đó huyện Đoan Hùng và Tam Nông mỗi nơi 2 CLB; TP Việt Trì, các huyện Phù Ninh, Lâm Thao, Yên Lập mỗi địa phương 1 CLB. Ban Chủ nhiệm gồm 5 thành viên (chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, các ủy viên). Dự kiến, đến cuối tháng 7, cả 8 CLB điểm hoàn thành ra mắt đi vào hoạt động; đến cuối năm, toàn tỉnh phủ kín với khoảng 14 CLB, mỗi CLB thu hút 50 - 60 thành viên tham gia. Quỹ vốn ban đầu mỗi CLB từ 100 triệu đồng trở lên, trong đó Hội NCT tỉnh có văn bản đề nghị UBND cấp huyện hỗ trợ mỗi CLB từ 5 - 10 triệu đồng, còn lại do các thành viên trong CLB đóng góp và xã hội hóa. Xác định cần phát huy nội lực tạo đà vững chắc để phát triển, Hội NCT tỉnh hướng dẫn các CLB dựa vào sự đóng góp của các thành viên là chính, cùng các nguồn lực như sử dụng quỹ địa phương, lồng ghép các chương trình dự án, Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò NCT, Chân quỹ, sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm…
|
Giao lưu bóng chuyền hơi tại xã Yến Mao, huyện Thanh Thủy |
Cũng theo ông Nguyễn Văn Xuất, vì tính chất đặc thù của CLB là "tự giúp nhau", có 70% thành viên là NCT; 60 - 70% thuộc hộ nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn; có ít nhất 50% thành viên được vay vốn cải thiện thu nhập… nên Hội tập trung tổ chức CLB theo địa bàn khu dân cư ở nông thôn, các khu vực dân cư làm nông nghiệp. Hội được giao chủ trì nhân rộng mô hình nên sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan và chính quyền địa phương thực hiện một cách hiệu quả nhất, phù hợp điều kiện thực tế của tỉnh.
Bài và ảnh: Thanh Hà