Tỉnh Lào Cai: Giải pháp để nâng cao giá trị cây quế hữu cơ ở huyện vùng cao Bảo Yên
Tin tức 21/06/2023 11:35
Quế là loài cây thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của huyện Bảo Yên |
Quế là cây lâm nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Mỗi ha quế cho thu hoạch khoảng 6 - 8 tấn vỏ quế khô, 10 - 15 tấn lá và cành (dùng chưng cất tinh dầu, định mức khoảng 200 kg cho 1 lít dầu), 80 - 100 m3 gỗ. Mỗi chu kỳ canh tác 1ha quế đem lại nguồn thu từ 700 triệu trở lên. Cây quế không những đem lại giá trị kinh tế góp phần xóa đói, giảm nghèo mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân mà còn góp phần giúp người dân giữ đất, giữ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.
Trên địa bàn huyện Bảo Yên hiện có 21 cơ sở ươm, sản xuất với trung bình khoảng 530 vạn cây quế giống (5,3 triệu cây), cơ bản đáp ứng nhu cầu của người trồng quế trên địa bàn. Về nguồn gốc giống quế chủ yếu là giống quế Văn Yên và Bắc Hà; Bên cạnh đó, tại Bảo Yên cũng có vườn rừng giống quy mô 10ha tại xã Xuân Hòa, Vĩnh Yên, Lương Sơn đã được tỉnh Lào Cai cấp giấy chứng nhận, năng lực sản xuất trung bình khoảng 3 tấn hạt giống/năm.
Được biết, Bảo Yên là huyện có diện tích quế đứng đầu tỉnh Lào Cai, với gần 24.000 ha quế (chiếm gần 30% diện tích đất tự nhiên của huyện), trong đó, diện tích cấp tuổi 1 (1 - 5 tuổi) đạt trên 12.500 ha; diện tích cấp tuổi 2 (6 - 10 tuổi) đạt gần 9.600 ha; diện tích cấp tuổi 3 trở lên (Trên 10 tuổi) đạt trên 1.500 ha phân bố ở tất cả các xã, thị trấn. Mục tiêu đến năm 2025, toàn huyện có trên 25.000 ha, năm 2030 toàn huyện có trên 30.000 ha.
Theo đó, quế được trồng mật độ trung bình 5000 cây/ha, trong 3-4 năm đầu trồng xen với cây sắn, hoặc dưới tán rừng nên hàng năm được làm cỏ; từ năm thứ 4 bắt đầu tỉa cành lá và hầu như không có thâm canh nên năng suất thấp. Với điều kiện tự nhiên của huyện Bảo Yên có hệ thống sông suối phong phú, nguồn nước sạch, các vùng đệm không có các nhà máy có nguy cơ ô nhiễm cao; người dân chủ yéu canh tác theo phương thức truyền thống nên đây là lợi thế để phát triển quế hữu cơ.
Bảo Yên hiện có 7 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, chế biến các sản phẩm từ quế trong đó có 6 đơn vị sản xuất chế biến tinh dầu với quy mô từ nhỏ đến trung bình (chủ yếu ở dạng thô, chỉ có 1 đơn vị vừa hoàn thiện lắp đặt dây chuyền chế biến tinh dầu tinh là Công ty TNHH Triều Dương) và 1 đơn vị chế biến vỏ quế. Trữ lượng hàng năm khoảng 30.000 tấn vỏ và 48.000 tấn cành lá (24 tấn dầu); các nhà máy trên địa bàn đang hấp thụ 48.000 tấn cành lá; tư thương trong và ngoài tỉnh 8.500 tấn vỏ khô (tương đương 26.000 tấn tươi).
Theo bà Nhữ Thị Tâm, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bảo Yên: Mặc dù diện tích quế hiện tại của Bảo Yên tương đối lớn nhưng việc tổ chức sản xuất vẫn chưa được chú trọng phát triển, sản xuất còn tự phát thiếu liên kết từ khâu sản xuất giống, chăm sóc, kế hoạch khai thác và bán sản phẩm.
Đồng thời, hiện vẫn chưa có liên kết sản xuất quế theo chuỗi giá trị từ khâu cung ứng giống đến bao tiêu sản phẩm cho ngành hàng này. Bên cạnh đó, Bảo Yên cũng chưa có diện tích quế đạt chứng nhận hữu cơ, do vậy, giá thành sản phẩm chưa cao, sản phẩm chưa tiếp cận được các thị trường cao cấp như Mỹ, EU.
Bà Nhữ Thị Tâm cho biết: “Diện tích lớn nhưng trữ lượng không lớn do trồng không tuân thủ quy trình (mật độ cao; khai thác cánh lá quá sớm) nên sản lượng vỏ thấp, chất lượng vỏ không cao và nguy cơ làm thoái hóa đất do trồng mật độ cao nên thảm thực vật dưới tán, vi sinh vật trong đất không có điều kiện phát triển”.
Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu dồi dào, nhưng chưa có diện tích nào được chứng nhận sản xuất hữu cơ hoặc tiêu chuẩn nông nghiệp tốt khác nên thu nhập từ cây quế chưa xứng với tiềm năng; giảm tính hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Hiện tại mới có 6 nhà máy chiết xuất tinh dầu thô với quy mô trung bình; sản phẩm vỏ quế vẫn bán dạng thô chưa qua chế tác (quế C, quế vụn); gỗ quế chưa có sản phẩm sau chế biến nên thu nhập bình quân trên ha canh tác/năm đạt thấp khoảng 70-100 triệu đồng.
Thị trường tiêu thụ các sản phẩm quế của các doanh nghiệp và nông dân chủ yếu bán tư thương, Trung Quốc…nên giá thành thấp. Quế Bảo Yên chưa có chỉ dẫn địa lý; Chưa có nhiều các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại.
Sản xuất còn tự phát thiếu liên kết từ khâu sản xuất giống, chăm sóc, kế hoạch khai thác và bán sản phẩm. Chưa có tổ chức kinh tế tập thể cho ngành hàng này.
Nói về định hướng và giải pháp trong thời gian tới, bà Nhữ Thị Tâm chia sẻ: Đến 2030 toàn huyện phấn đấu đạt 30.000 ha (tăng 6000 ha so hiện tại); bình quan hàng năm trồng mới 2000 ha. Trong đó, có 1.000 ha trồng diện tích mới; 1000 ha trồng luân canh. Triển khai thực hiện mô hình trồng rừng gỗ lớn hỗn loài xen cây Quế trồng mới nhằm phát triển bền vững rừng trồng, tăng sự đa dạng sinh học rừng trồng, hạn chế xói mòn, rửa trôi đất.
Bà Nhữ Thị Tâm cho hay: Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX để có chứng nhận quế hữu cơ tiêu chuẩn EU cho 5000 ha đến năm 2025 và 15.000 ha năm 2030; toàn bộ 100% tích quế được quản lý, giám sát, tư vấn kỹ thuật bằng nhật ký điện tử QGS cho tất cả các khâu từ giống đến khi đưa vào chế biến.
Toàn bộ người dân trồng quế được vận động trở thành thành viên của tổ hội nghề nghiệp và HTX; sử dụng các dịch vụ HTX và là mắt xích liên kết quan trọng trong ngành hàng quế. Thu hút, hỗ trợ để có tối thiểu 3 nhà đầu tư vào chế biến sâu các sản phẩm từ quế; đặc biệt là chế biến tinh dầu tinh, vỏ quế vàgỗ quế. Hình thành tối thiểu 10 điểm du lịch trải nghiệm tại rừng quế; thu hút khoảng 1 triệu lượt khách/năm.
Các nhà khoa học, có nghiên cứu để có chủng loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo cấp đội tuổi và phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương; để tiết kiệm chi phí phân bón do bón mất cân đối; giảm thiểu tác động tiêu cực đến lý hóa đất; tăng nhanh sinh khối, tích lũy tinh dầu nhưng đảm bảo các chỉ số hữu cơ theo yêu cầu.
Bộ NN&PTNT xem xét có mô hình tồng quế xen cây trồng khác, để canh tác bền vững, nhưng vẫn đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy.
Đưa sản phẩm quế Bảo Yên lên sàn giao dịch điện tử, chỉ đạo các ngành tổ chức các buổi giới thiệu trực tiếp kết hợp trực tuyến để quản bán sản phẩm quế của Lào Cai với các bạn hàng quốc tế.
Hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng dào cho khu Tiểu thủ công nghiệp, các nhà máy chế biến quế. Quan tâm, thúc đẩy hình thành hiệp hội hoặc Liên minh HTX trong ngành hàng quế. Các tổ chức phi chính phủ: Quan tâm hỗ trợ các kỹ năng để nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người trồng quế ở tất cả các khâu từ trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến, bán sản phẩm và tái đầu tư. Các Doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm để huyện Bảo Yên có định hướng trong chỉ đạo sản xuất; nghiên cứu đầu tư nhan, sớm vào các khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm.