Tỉnh Kiên Giang: Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Kinh tế 14/02/2020 09:18
Kiên Giang là tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long điều kiện tự nhiên thuận lợi, có đồng bằng, rừng núi, biển và hải đảo với diện tích hơn 63.000km2, hơn 140 hòn đảo lớn, nhỏ. Hệ sinh thái biển đa dạng, phong phú, quý hiếm thích hợp với nhiều loại hình DL nghỉ dưỡng, sinh thái, thể thao, mạo hiểm... độc đáo.
Tại Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về phát triển DL tỉnh Kiên Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã xác định “Phát triển DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, tạo động lực để thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác…” bao gồm: 11 chiến lược thâm nhập thị trường, 10 chiến lược phát triển sản phẩm DL, 5 chiến lược phát triển thị trường và 7 chiến lược đa dạng hóa sản phẩm DL. Trong đó, định vị cạnh tranh của 5 loại sản phẩm chính của tỉnh so với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL dựa trên mức độ hấp dẫn của tài nguyên và khả năng thu hút thị trường khách DL. Tỉnh cũng triển khai 16 định hướng liên kết tuyến, điểm DL quốc tế với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt với nước láng giềng Campuchia.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tiến hành 7 định hướng liên kết với các tuyến, điểm DL nội địa với các tỉnh vùng ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh. Định hướng phát triển hệ thống sản phẩm DL tập trung theo 3 nhóm sản phẩm: Sản phẩm đặc thù, sản phẩm du lịch chính và sản phẩm DL bổ sung.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 303 dự án đầu tư vào lĩnh vực DL với tổng diện tích 10.363ha, tổng vốn đầu tư 337.323 tỉ đồng, trong đó có 69 dự án đã đi vào hoạt động với tổng quy mô 1.302ha, vốn đầu tư 13.958 tỉ đồng.
Trong giai đoạn 2020 - 2030 Kiên Giang sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng kĩ thuật phục vụ phát triển DL trên địa bàn bao gồm: Hệ thống giao thông đường bộ kết nối với các tỉnh lân cận; hệ thống trục đường giao thông nội tỉnh đến các khu điểm DL chính; giao thông đường bộ, hệ thống xử lí chất thải và vệ sinh môi trường ở đảo Phú Quốc.
Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng các khu DL, điểm du lịch quốc gia, điểm DL tiềm năng ở các vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Sẽ ưu tiên về vốn vay, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, giao đất và cho thuê đất ổn định lâu dài đối với các dự án đầu tư phát triển sản phẩm DL đặc thù có sức cạnh tranh, dự án phát triển sản phẩm DL “xanh” thân thiện môi trường.
Cần liên kết các vùng du lịch trọng điểm, liên kết lãnh thổ hợp tác với các cơ quan, ban, ngành của Trung ương thiết kế các chương trình DL, sản phẩm dịch vụ. Tăng cường phối hợp trong công tác quảng bá, xúc tiến, đầu tư phát triển DL, xây dựng thương hiệu điểm đến và sản phẩm DL, xây dựng kênh phân phối, chuỗi cung ứng DL liên vùng và đẩy mạnh liên kết với các nước trên thế giới.