Khai mạc Triễn lãm AGRITECHNICA ASIA Việt Nam 2025

Tin tức 29/06/2021 18:12
Theo báo cáo, sáu tháng đầu năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương ổn định, tiếp tục phục hồi duy trì những kết quả quan trọng đã đạt được trong năm 2020; hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại từng bước tăng trưởng trở lại, đặc biệt ngành công nghiệp chế biến, chế tạo định hướng xuất khẩu, sự gia tăng đầu tư và mở rộng các hoạt động thương mại...
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 ước tính tăng 7,23% so với cùng kỳ năm 2020". Trong đó: Khu vực I (nông, lâm nghiệp và thủy sản) tăng 2,66% so với cùng kỳ; khu vực II (công nghiệp - Xây dựng) tăng 8,09% so với cùng kỳ; khu vực III (dịch vụ) tăng 5,67% so với cùng kỳ; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,89% so với cùng kỳ.
Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2021, khu vực I (nông, lâm nghiệp và thủy sản) chiếm tỷ trọng 2,8%; khu vực II (công nghiệp và xây dựng chiếm 64,49%; khu vực III (dịch vụ) chiếm 24,3%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,41%”.
Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản diễn ra trong thời tiết thuận lợi, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá các loại sản phẩm chăn nuôi tăng do nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng cao,... Tuy nhiên, tỉnh đã thực hiện có hiệu quả các biện pháp về công tác phòng chống dịch, đồng thời chủ động trong công tác quản lý điều hành nên nhìn chung sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn đạt được những kết quả khả quan.
Trong kỳ, có 644 doanh nghiệp công nghiệp mới đi vào hoạt động, trong đó: có 627 doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo, góp phần đưa chỉ số sản xuất công nghiệp cộng dồn 6 tháng đầu năm 2021 tăng 8,23% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,39%, đây là ngành chiếm tỷ trọng cao trong tổng số giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp (85%). Một số ngành có chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ như; dệt (+5,2%); trang phục (+4,26%); chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (+26,73%); sản phẩm từ cao su và plastic (+5,68%); sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (+12,24%); sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (+8,43%); thiết bị điện (+6,12%); xe có động cơ (+9,87%); giường, tủ, bàn, ghế (+26,73%).
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến ngày 15/6/2021, số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới là 3.201 doanh nghiệp, tăng 18,2% so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký 22.169 tỷ đồng, tăng 35,4%. Số doanh nghiệp điều chỉnh tăng vốn là 638 doanh nghiệp, với tổng vốn tăng là 28.623 tỷ đồng. Số doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động là 87 doanh nghiệp, tăng 85% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 660 doanh nghiệp, tăng 33,9% so cùng kỳ; doanh nghiệp đăng ký giải thể 313 doanh nghiệp, tăng 54,2% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến ngày 15/6/2021, số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, điều chỉnh vốn là 110 doanh nghiệp, với tổng số vốn 1.408 triệu USD. Trong đó, số dự án cấp giấy chứng nhận đầu tư mới là 36 dự án, giảm 39% so với cùng kỳ, với tổng số vốn đăng ký là 439 triệu USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ, 14 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đăng ký là 779 triệu USD.
Ngành Thuế tỉnh Bình Dương cho biết, 6 tháng đầu năm 2021 có 2.614 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động với tổng số vốn đăng ký là 17.041 tỷ đồng (gồm: 2.591 doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn 16.082 tỷ đồng và 23 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn 959 tỷ đồng). So với cùng kỳ năm 2020 số doanh nghiệp mới đi vào hoạt động tăng 26,5%, vốn đăng ký tăng 18,1%. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài số doanh nghiệp giảm 58,2%, số vốn đăng ký giảm 62,3%.
Hoạt động thương mại nội địa ổn định, tỉnh đã tăng cường hoạt động kết nối cung cầu và đẩy mạnh thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn gắn với thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Thực hiện bình ổn giá cả, không tăng giá các mặt hàng thiết yếu. Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2021 đạt 131.672 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ.
Về xuất nhập khẩu hàng hoá, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng hoạt động xuất, nhập khẩu vẫn đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ. 6 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 3,75 tỷ USD, trong đó; khu vực kinh tế có vốn đầu tư trong nước xuất siêu 1,43 tỷ USD, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xuất siêu 2,38 tỷ USD. Trị giá xuất khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm 2021 đạt 17.088 triệu USD, tăng 47,2% so với cùng kỳ, các mặt hàng xuất khẩu tăng khá cao so với cùng kỳ.
Theo báo cáo của Kho bạc nhà nước, từ đầu năm đến ngày 15/6/2021, vốn ngân sách địa phương đã giải ngân 1.817 tỷ đồng, đạt 15,3% kế hoạch, trong đó; vốn ngân sách cấp tỉnh 1.443 tỷ đồng, đạt 14,2%, ngân sách cấp huyện 364 tỷ đồng, đạt 23,5%. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện 55.139 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ. Trong đó: Khu vực vốn ngoài nhà nước đạt 21.587 tỷ đồng, tăng 11,4%, chiếm 39,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 28.923 tỷ đồng, tăng 13,7%, chiếm 52,5%. Riêng nguồn vốn ngân sách do nhà nước quản lý đạt 4.628 tỷ đồng, giảm 7,6% so với cùng kỳ, do kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 giảm.
Tổng thu mới ngân sách 6 tháng đầu năm 2021 ước thực hiện 36.600 tỷ đồng, đạt 62% dự toán Thủ tướng Chính phủ (TTCP) giao và dự toán HĐND tỉnh thông qua, tăng 22,6% so với cùng kỳ, trong đó; thu nội địa 26.600 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ; thu từ lĩnh vực xuất, nhập khẩu 10.000 tỷ đồng, tăng 40,9%. Tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm 2021 ước thực hiện là 6.000 tỷ đồng, đạt 23% dự toán, bằng 96,5% so với cùng kỳ.
Về bảo hiểm xã hội, số người tham gia bảo hiểm xã hội ước tính đến ngày 30/6/2021 là 4.243.218 người, tăng 9% so với cùng kỳ. Tổng số thu ước tính đến ngày 30/6/2021 là 12.379,6 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ. Tổng số nợ đến nay là 819 tỷ đồng (tỷ lệ nợ so với kế hoạch thu năm là 3,1%), cao hơn 0,43% so với chi tiêu giảm nợ BHXH giao. Tổng số chi là 5.136,7 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,23% so với cùng kỳ; Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,23%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,4%, trong đó: Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 11,8%; Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 47,2%; Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng 43,4%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 10,8%; Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1,4 tỷ đô la Mỹ; Tông thu ngân sách nhà nước tăng 22,6%, tổng chi ngân sách địa phương giảm 3,5%. |
Lĩnh vực xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, công tác an sinh xã hội được bảo đảm. Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã chi hơn 700 tỷ đồng chăm lo cho các chế độ, chính sách cho người có công, đối tượng xã hội, người nghèo và công nhân lao động trong dịp Lễ, Tết được triển khai thực hiện chu đáo; xây dựng, sửa chữa 28 căn nhà tình nghĩa; tặng 2.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ 68.934 đối tượng bị ảnh hưởng của dịch bệnh với tổng số tiền 79,8 tỷ đồng.
Về phòng, chống dịch bệnh Covid-19: Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 các cấp đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tập trung theo dõi, triển khai các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19. Thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, cài đặt ứng dụng Bluezone, tiến hành phong tỏa khu vực có dịch, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, trong đó diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 với các biến thể mới, có mức độ nguy hiểm lây lan nhanh, đã và đang ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương.