SHB lãi gần 4.400 tỷ đồng quý I, đạt 30% kế hoạch năm

Kinh tế 18/02/2025 14:00
Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng là “3 biến” mà Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đã và đang đối mặt. Tuy vậy, bên cạnh thách thức, những xu hướng mới về “kinh tế xanh”, giảm phát thải, cơ hội mở rộng thị trường nông sản, sự phát triển khoa học công nghệ; các đề án, chương trình mới trong “kinh tế xanh”, “nông nghiệp xanh” đang mở ra triển vọng mới cho vùng.
Thực tế tại ĐBSCL, những mô hình nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị, thuận thiên được triển khai ở nhiều địa phương, như: Mô hình kinh tế dưới tán rừng, mô hình tôm - lúa ở bán đảo Cà Mau; mô hình chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đa canh, xen canh của các tỉnh: Ðồng Tháp, Tiền Giang, Cà Mau; mô hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn… Nhờ đó, diện mạo vùng ÐBSCL đã thay đổi, đời sống người dân được cải thiện và góp phần tích cực thực hiện cam kết của Chính phủ về chuyển đổi hệ thống lương thực minh bạch, trách nhiệm, bền vững và cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
![]() |
Hòa vào dòng chảy ấy, “xanh hóa” dòng tín dụng trở thành một chủ trương quan trọng được các tổ chức tín dụng ở các tỉnh ĐBSCL triển khai mạnh mẽ để hỗ trợ người dân lẫn doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng bảo vệ môi trường, tạo dựng một hệ sinh thái hài hòa cho thế hệ mai sau.
Năm qua, có thể thấy nông nghiệp, nông thôn vẫn đang là lĩnh vực được hệ thống ngân hàng dành nhiều chương trình ưu tiên, ưu đãi nhất so với các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Chỉ tính riêng hoạt động cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh lúa gạo ở ĐBSCL, đến cuối 2024 các tổ chức tín dụng đã cho vay khoảng 124 nghìn tỉ đồng.
Đối với Đề án Phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, hiện nay đã có hàng chục mô hình lớn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và các ngân hàng thương mại cam kết không giới hạn hạn mức tín dụng. Trong khi đó, đối với gói vay ưu đãi lãi suất dành cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản, từ hạn mức ban đầu 15 nghìn tỉ đồng, hiện nay đã nâng lên mức 60 nghìn tỉ đồng với sự vào cuộc của hàng chục ngân hàng thương mại. Dư nợ cho vay ở nhiều địa phương cho lĩnh vực này đạt mức 4 - 5 nghìn tỉ đồng, hỗ trợ 1-2% lãi suất cho hàng nghìn doanh nghiệp.
Năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu tăng trưởng GDP toàn ngành đạt tốc độ 3,4 - 3,5%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 64 - 65 tỉ USD. Trong đó, nhấn mạnh vào các kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm và tích hợp đa giá trị; đồng thời khuyến khích phát triển nền nông nghiệp lớn theo hướng hữu cơ, tuần hoàn.
Những định hướng trên của ngành Nông nghiệp cho thấy, xu hướng “xanh hóa” nền kinh tế nông nghiệp đang là xu hướng chủ đạo và được khuyến khích, tạo điều kiện ưu tiên phát triển trên phạm vi toàn quốc. Điều này cũng gợi mở rằng, trong năm 2025 và các năm tiếp theo, lĩnh vực “nông nghiệp xanh” sẽ là “điểm rơi” của các chính sách ưu đãi hỗ trợ cả về mặt pháp lí đầu tư cũng như về tài chính, tín dụng. Trong đó, các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về lãi suất, điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng thương mại sẽ cởi mở hơn.
Thách thức lớn nhất đối với các tổ chức tín dụng hiện nay không chỉ là cần hành lang pháp lí và cơ chế chính sách hỗ trợ đồng bộ từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước mà còn là chiến lược tự đổi mới nguồn nhân lực và năng lực quản trị nội bộ phù hợp với bối cảnh yêu cầu mới.
Căn cứ vào định hướng của Ngân hàng Nhà nước, nhiều tổ chức tín dụng đã chủ động triển khai quy trình hướng dẫn nội bộ về tín dụng xanh. Tuy nhiên, tính chuẩn mực, chuẩn hóa trong hoạt động này vẫn chưa được phổ cập rộng rãi, mang tính thống nhất cao để có thể áp dụng chung trên toàn hệ thống. Điều này sẽ gây khó khăn trong quá trình lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát các dự án tín dụng xanh ngay từ khi khởi sự cho đến lúc đi vào vận hành.
Bên cạnh cơ chế “tín dụng xanh”, một loạt phát kiến mới để bổ sung năng lực “tài chính xanh” nhằm cung cấp các khoản vay ưu đãi, bảo lãnh và các công cụ tài chính khác thúc đẩy sự phát triển của các dự án thân thiện với môi trường đã và đang thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường vốn khu vực và quốc tế, như “trái phiếu xanh”, “quỹ đầu tư xanh”, đền bù và tín chỉ carbon…
Các công cụ này bước đầu tạo ra sức hấp dẫn lớn để thu hút đầu tư cả trên lĩnh vực công và tư, mở ra nhiều cơ hội hợp tác quốc tế rộng rãi dành cho các sáng kiến chống biến đổi khí hậu, bổ sung thêm nguồn lực tài trợ ưu đãi cho những đối tượng trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào chuỗi dây chuyền phát triển nền “kinh tế xanh”. Đây là cơ hội tốt để các tổ chức tín dụng chủ động tiếp cận, tranh thủ và vận dụng nhằm tăng cường quy mô và hiệu quả, thúc đẩy chiến lược “tín dụng xanh” của chính mình lên tầm cao mới.
Hiện nay, hàng chục ngân hàng thương mại, như: VietinBank, Agribank, TPBank, MB… đều đã xây dựng các bộ tiêu chuẩn về môi trường xã hội cho các dự án và đối tác vay vốn, khách hàng. Các ngân hàng cũng đã khá chủ động trong việc thiết kế các sản phẩm đặc thù dành cho khách hàng lĩnh vực nông nghiệp để tạo cơ chế linh hoạt trong việc tài trợ vốn và mở rộng phạm vi tiếp cận các dịch vụ “tài chính xanh”.
Trong năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 16%, nhiều khả năng ngay từ các tháng đầu năm, hàng loạt các ngân hàng sẽ “bung mạnh” các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến lĩnh vực “ngân hàng xanh”, “kinh tế xanh”. Trong đó, riêng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn, sự cạnh tranh của hệ thống ngân hàng thương mại trong việc tài trợ vốn cho các dự án “nông nghiệp xanh”, nông nghiệp hữu cơ, chuỗi liên kết giá trị nông sản… sẽ khá sôi động, bởi đến hiện tại, ngoài Agribank, hàng loạt các ngân hàng khác như HDBank, LPBank, KienlongBank, NamABank, BacABank, NCB… đều đang hướng dòng tín dụng về các vùng nông nghiệp trọng điểm.
Thực tế, việc thiếu các tiêu chí rõ ràng để phân loại, đánh giá “dự án xanh” là một trong những vướng mắc lớn nhất đối với các ngân hàng khi quyết định cho vay theo “tín dụng xanh”. Điều này, không chỉ ảnh hưởng đến các tổ chức tín dụng mà còn gây khó khăn cho doanh nghiệp khi muốn tiếp cận “nguồn vốn xanh”… Bởi vậy, để thúc đẩy sự phát triển của “tín dụng xanh” tại ĐBSCL, cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lí, có hướng dẫn cụ thể về “danh mục xanh”; tiêu chí xác định “dự án xanh” phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam. Từ đó, làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp “tín dụng xanh”.
“Tín dụng xanh” là “mạch máu” nuôi dưỡng các “mầm xanh của nền kinh tế”. Và vùng ĐBSCL đã và đang nỗ lực thúc đẩy “tín dụng xanh” để những “mầm xanh” lan tỏa. Đây cũng là nền tảng để ước mơ về một nền kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường đã không còn xa vời.
Chuyển đổi xanh là xu thế không thể đảo ngược. Và ở ÐBSCL, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh đã đặt những viên gạch đầu tiên tạo nền móng cho tương lai ÐBSCL vững bền, thịnh vượng.