Gần 40 năm cống hiến cho sự nghiệp của Đảng, của đất nước, TS Trương Xuân Cừ, dân tộc Tày, sinh năm 1960 từng trải qua nhiều cương vị công tác, trong đó, một phần tư thế kỉ ở ngành giáo dục, làm nhiệm vụ ươm mầm, đào tạo những chủ nhân tương lai của đất nước. |
Đi lên từ cơ sở, xuất phát điểm của ông là một “anh giáo” giảng dạy ở trường cấp 3 thị xã của tỉnh miền núi Lai Châu. Rồi lần lượt làm cán bộ, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương. Hiện ông là Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam… Được cán bộ, hội viên và cử tri tin tưởng, giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV. |
Tâm huyết và nỗ lực |
Với bầu máu nóng đầy nhiệt huyết, dù ở đâu, dẫu khó khăn đến mấy ông cũng nỗ lực phấn đấu, làm việc gì cũng đầy suy nghĩ, trăn trở, tìm cách để đạt hiệu quả cao nhất. Dù là cán bộ bình thường hay khi đã trở thành lãnh đạo cấp cao, ông vẫn luôn nhắc nhở mình sống nghiêm túc, mẫu mực, thường xuyên rèn luyện phẩm chất chính trị, khiêm tốn học hỏi, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn và những người xung quanh để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chả thế mà từ một người dân tộc thiểu số, sinh ra lớn lên ở tận miền núi Cao Bằng xa xôi, trong gia đình mẹ làm nông nghiệp, cha làm cán bộ xã, một mình lên Lai Châu công tác, ông Cừ vẫn theo đuổi nghiệp học hành, phấn đấu để có bằng đại học, rồi học vị tiến sĩ; làm chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, trong đó nhiều đề tài được nghiệm thu xuất sắc và ứng dụng vào thực tiễn. Mới đây thôi, những chuyến công tác đầy cảm xúc đến với đồng bào nghèo các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn hay những động thái tích cực từ công tác chỉ đạo, điều hành ở Hội Người cao tuổi Việt Nam đã tạo ấn tượng tốt đẹp trong cán bộ, hội viên người cao tuổi và đồng nghiệp của ông. |
Phó Chủ tịch Trương Xuân Cừ với người cao tuổi huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng |
Hỏi ông về thành công và “bí quyết”, ông khiêm tốn: Chỉ là cố gắng tận tâm tận lực thôi. Hồi còn ở Sở Giáo dục Lai Châu, tình trạng thiếu trường học, thiếu giáo viên diễn ra trầm trọng. Ông đã tìm cách liên kết để đưa 300 người đi học đại học sư phạm, có bằng đại học rồi, lại tiếp tục đào tạo, rồi phân về các trường. Với cách đó, trong vòng 25 năm, ông đã đưa tỉnh từ chỉ có 5 trường cấp 3 lên con số 30, còn lượng giáo viên thì tăng gấp ba. Chính sách cho học sinh bán trú vùng sâu vùng xa cũng được cải thiện đáng kể. Gần chục năm ở Ban Chỉ đạo Tây Bắc, ông tham mưu cho Đảng, Chính phủ có chính sách phát triển toàn diện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng tuyến biên giới ổn định phát triển, giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia, ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực biên giới; giải quyết đáng kể nhiều vấn nạn như ma túy, di cư tự do, buôn bán người… Câu chuyện về tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Minh, thành lập “Nhà nước Mông” hay đạo Tin lành ở huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên), huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) còn nóng hổi, là thử thách không nhỏ đối với một cán bộ người dân tộc như ông. |
Chăm lo cho người cao tuổi |
Về nhận nhiệm vụ ở Hội Người cao tuổi Việt Nam chưa lâu, ông đã rất trăn trở về những khó khăn khi triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Công tác xã hội hóa vốn đã khó bởi rất nhiều cấp nhiều ngành, nhiều công việc cần sự chung tay của cả cộng đồng, thì trong bối cảnh khó khăn khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu, thật sự là bài toán nan giải. Được giao nhiệm vụ phụ trách Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò người cao tuổi của Trung ương Hội, ông đã bàn với Ban Giám đốc Quỹ tìm giải pháp tháo gỡ, trực tiếp làm việc với các nhà tài trợ để có nguồn lực tốt nhất chăm lo cho người cao tuổi và hỗ trợ các hoạt động của Hội. Để làm tốt nhiệm vụ quản lí Tạp chí Người cao tuổi, cơ quan truyền thông của Hội, ông đã làm việc cụ thể, nắm bắt tình hình và đề nghị lãnh đạo Tạp chí ngoài công việc đột xuất thì định kì mỗi quý lại báo cáo kết quả hoạt động, qua đó hiểu rõ những thuận lợi, khó khăn và đề ra giải pháp khắc phục. |
|
Hơn 10 năm thực hiện Luật Người cao tuổi, cũng đã hé lộ những bất cập cần điều chỉnh. Theo ông, để có chính sách thiết thực cho người cao tuổi trước mắt cũng như lâu dài, Hội cần phải có hệ thống cơ sở dữ liệu chi tiết, chuyên sâu và chính xác về người cao tuổi như độ tuổi, trình độ, hoàn cảnh gia đình, mức thu nhập, tình trạng sức khỏe… Từ đó, có những kiến nghị giúp Đảng, Nhà nước hoạch định chính sách cho người cao tuổi sát thực, hiệu quả hơn. Hệ thống tổ chức hội chưa hoàn thiện mặc dù hội viên đông nhất các tổ chức hội xã hội nên việc quản lí, điều hành và tổ chức hoạt động còn bất cập, hạn chế, rất cần một sự thống nhất về tổ chức bộ máy từ trung ương đến địa phương. Muốn vậy, phải tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng về công tác người cao tuổi. Đồng thời có chính sách khích lệ các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, người có điều kiện hỗ trợ nguồn lực nhằm chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi ngày càng tốt hơn. |
Xứng đáng niềm tin của cử trivà người cao tuổi |
Tôi hỏi, ông nghĩ gì khi được lãnh đạo hội và cử tri tín nhiệm giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội kì này. Ông cười: Rất bất ngờ và xúc động, song cũng rất quyết tâm để không phụ lòng tin của lãnh đạo và cử tri. Sẽ nghiên cứu, tìm hiểu về các quy định của pháp luật liên quan để thực hiện tốt quyền và trách nhiệm của một Đại biểu Quốc hội. Ông cũng tự tin rằng, với kinh nghiệm của một đảng viên đi lên từ cơ sở, 35 năm phấn đấu dưới cờ đảng, nếu đắc cử, ông sẽ tham gia Quốc hội với tinh thần và trách nhiệm cao nhất; lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cử tri, của người cao tuổi để đem tiếng nói của 11 triệu người cao tuổi trong cả nước đến với Quốc hội; tham mưu, đề xuất với Đảng, Chính phủ, Quốc hội các chính sách ngắn hạn cũng như lâu dài cho người cao tuổi, ứng phó già hóa dân số…; góp ý xây dựng Đảng, Nhà nước, Quốc hội vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân, vì dân. Và ông, từng phát biểu tại các hội nghị cử tri giới thiệu ông ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV: “Dù là Đại biểu Quốc hội hay không, tôi vẫn tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, quan tâm chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi; tham mưu với Chính phủ, Quốc hội hoạch định chính sách an sinh xã hội, trong đó có các chính sách dành cho người cao tuổi”. |
|
|
Chia sẻ về những điều tâm đắc trong cuộc sống. Ông bảo, quan trọng nhất là phải nỗ lực và trung thực. Dù có thế nào cũng phải nói đúng sự thật, có sao phản ánh vậy. Bày tỏ thái độ yêu ghét rõ ràng. Với cái đúng cái sai, phải thật công minh, đúng thì khích lệ, sai thì góp ý. Mình sai mà có người góp ý cho mình thì phải nhận ra để mà sửa chữa. Sống không chỉ bo bo cho mình mà còn phải biết vì người khác, vì cộng đồng, phải có tinh thần tương thân tương ái, biết sẻ chia với người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn. Trong các chuyến đi tặng quà người cao tuổi nghèo, ngoài phần quà của Hội, ông thường bỏ tiền túi tặng thêm cho hội viên. |
Thanh Hà |