Tích cực chuẩn bị nhân sự để đáp ứng vị trí cao hơn tại phái bộ và trụ sở LHQ
Bình luận 27/12/2021 13:13
Quá trình tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam trong hơn 7 năm qua đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực, đồng thời mở ra nhiều hướng triển khai mới, trở thành một dấu ấn nổi bật trong công tác đối ngoại quốc phòng. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Đại tá Mạc Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Bộ Quốc phòng, để làm rõ hơn những nội dung này.
Lễ ra mắt Đội công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Abyei và Nam Sudan, ngày 17/11/2021. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Mới đây lần đầu tiên Việt Nam đã ra mắt Đội Công binh tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đánh dấu một bước phát triển về chuyên môn và cấp độ. Việc mở rộng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình theo hình thức cấp đơn vị, điển hình như Đội Công binh số 1 có ý nghĩa như thế nào, thưa Đại tá? Với đặc thù riêng của Đội Công binh, trong quá trình chuẩn bị triển khai chúng ta gặp những thuận lợi và khó khăn như thế nào?
So với những đội hình bệnh viện dã chiến cấp 2 chúng ta đã triển khai trước đây tới phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Đội Công binh có nhiều điểm rất khác biệt. Thứ nhất là nhiều hơn về quân số. Quân số chính thức của Đội Công binh gồm 184 cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp. Về trang thiết bị thì cũng rất lớn, dự kiến chúng ta sẽ triển khai khoảng 2.000 tấn các loại trang thiết bị tới phái bộ UNISFA, Abyei, trong đó có khoảng 150 đầu máy.
Về chuyên môn, nhiệm vụ chính của Công binh chủ yếu là làm đường, làm doanh trại của Liên hợp quốc, thực hiện các nhiệm vụ vận tải ở phái bộ; xây dựng các công trình nhân đạo cho người dân địa phương và công trình cho các dự án của các tổ chức của Liên hợp quốc ở địa bàn.
Từ năm 2017, chúng ta đã có bước chuẩn bị cho Đội Công binh từ việc lựa chọn nhân sự, huấn luyện, đào tạo và mua sắm trang thiết bị. Thời gian chuẩn bị tương đối dài là một thuận lợi lớn. Bên cạnh đó, lực lượng của chúng ta có quyết tâm rất cao và nhận được sự ủng hộ, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội.
Tuy nhiên, chúng ta cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đây là một địa bàn mới, lần đầu tiên triển khai, do đó chúng ta phải nghiên cứu rất kỹ mọi thứ, cử đoàn khảo sát sang tận nơi để nghiên cứu từng vấn đề nhỏ. Bên cạnh đó, công tác vận tải rất phức tạp. Đối với lực lượng, chúng ta sẽ vận tải bằng đường không từ Việt Nam sang thủ đô Khartoum của Sudan, từ đó chúng ta lại đi đến một sân bay trung chuyển và đi tiếp một quãng đường dài nữa mới đến được khu vực phái bộ đóng quân.
Các loại trang thiết bị vận tải bằng đường biển cũng rất phức tạp. Chúng ta vận tải đường biển dự kiến đến cảng Sudan, từ đó đi khoảng 3.200 km đường bộ vào đến tận khu Abyei. Khó khăn ở đây là việc vận tải vào mùa mưa hầu như không thể thực hiện được. Chúng ta phải chọn vào thời điểm mùa khô, đến trước tháng 5 thì mới có thể đưa được toàn bộ trang thiết bị và con người đến phái bộ, nếu vận tải khi mùa mưa bắt đầu, coi như chúng ta sẽ bị lỡ 1 năm.
Một vấn đề phức tạp khác là về nhiệm vụ. Chúng ta có một đơn vị Công binh 184 người nhưng phải thực hiện khối lượng nhiệm vụ vô cùng lớn: Đảm bảo thông suốt hệ thống giao thông đường bộ tại địa bàn (từ 250 đến 300 km đường đất), và gần như sau mỗi mùa mưa, chúng ta phải bồi đắp, làm lại toàn bộ. Đồng thời, đơn vị Công binh cũng có nhiệm vụ xây dựng các doanh trại của Liên hợp quốc. Chúng ta phải mở đường đến được khu vực làm doanh trại, sau đó thiết lập doanh trại cho Liên hợp quốc. Tùy vào tình hình mùa mưa hay mùa khô, Liên hợp quốc sẽ triển khai các căn cứ tiền phương riêng biệt để đáp ứng nhiệm vụ cụ thể.
Do đặc thù công việc, hầu hết mọi nhiệm vụ của Đội Công binh phải làm ngoài trời và thường phải mang theo toàn bộ vật chất để đảm bảo hậu cần, ví dụ như vấn đề về nấu ăn, phát điện, mang nước..., vì có thể mỗi hoạt động có thể kéo dài trong vòng một tuần hoặc cả tháng. Mọi hoạt động của lực lượng chúng ta đều trong tình trạng dã chiến.
Ngoài ra, việc di chuyển từ Việt Nam sang phái bộ phải qua rất nhiều chặng, ở mỗi chặng sẽ có quy định, luật pháp riêng của mỗi địa phương, đó cũng là một trong số các rào cản. Nếu địa bàn chúng ta đi qua có tình hình chính trị ổn định sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nếu tình hình chính trị tại địa bàn phức tạp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc chúng ta di chuyển từ Việt Nam sang phái bộ và ngược lại, nhất là trong vấn đề thay quân, cung ứng từ Việt Nam sang địa bàn.
Trong thời gian tới, dự kiến tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp, chúng ta có những giải pháp nào để triển khai hiệu quả công tác đào tạo, huấn luyện trong nước cũng như đảm bảo an toàn cho các quân nhân ở các địa bàn phái bộ, thưa Đại tá?
Về đào tạo, trước đây khi chưa có dịch chúng ta thường mời các chuyên gia nước ngoài đến để giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm. Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19, chúng ta không có điều kiện để mời các chuyên gia nước ngoài đến, bởi vậy có nhiều khóa huấn luyện hiện nay chúng ta phải tự đào tạo.
Rất may mắn là qua nhiều năm triển khai tới các phái bộ, chúng ta đã có những kinh nghiệm nhất định. Các đồng chí đi trước về đào tạo cho những thê đội tiếp theo. Đặc biệt, trước đây có quy định một số khóa đào tạo phải được những cơ sở của các nước tiên tiến, phát triển thực hiện thì Liên hợp quốc mới công nhận, nhưng vừa qua chúng ta đã tự tổ chức đào tạo được những khóa như vậy và được Liên hợp quốc chấp nhận.
Chúng ta phải gửi trước chương trình, hồ sơ giảng viên cho Liên hợp quốc, sau đó mới triển khai đào tạo. Các cán bộ trải qua những khóa do Việt Nam tự đào tạo này khi sang địa bàn phái bộ đều đảm nhiệm tốt công việc, đáp ứng được yêu cầu về kiến thức và năng lực chuyên môn, được Liên hợp quốc đánh giá cao.
Tuy nhiên đối với công tác chỉ huy, chỉ đạo cũng như vấn đề cung ứng từ trong nước sang phái bộ, đại dịch COVID-19 đã tạo ra vô vàn khó khăn, nhất là việc cung ứng nhiều mặt hàng vật tư y tế, hóa chất, xét nghiệm... từ Việt Nam sang tới phái bộ để duy trì hoạt động của bệnh viện dã chiến hay của các cá nhân.
Khi đại dịch mới bùng phát, tất cả những đường bay quốc tế đã bị đóng cửa. Chúng ta đã phải xoay sở, linh hoạt, vận dụng sáng tạo, ví dụ như áp dụng việc các cán bộ về phép để vận chuyển, thay vì mang quân tư trang cá nhân, các đồng chí sẽ mang những mặt hàng cung ứng sang cho cá nhân và đơn vị chúng ta.
Đối với các đồng chí triển khai mới, mỗi người có 100 kg hành lý theo tiêu chuẩn của Liên hợp quốc, nhưng các đồng chí đã nhường rất nhiều khối lượng để tự vận chuyển các mặt hàng sang phái bộ nhằm duy trì hoạt động cho bệnh viện dã chiến cấp 2. Ngoài ra, việc về phép, trả phép của các cán bộ cũng rất khó khăn, có đồng chí hết nhiệm kỳ cũng không về được, có đồng chí kéo dài đến 18 - 19 tháng không được về nước.
Một lĩnh vực mà Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá cao thời gian qua trong tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình là việc đáp ứng tỷ lệ nữ quân nhân theo Nghị quyết 1325 của Liên hợp quốc về Phụ nữ, hòa bình và an ninh. Đại tá có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa của việc Việt Nam cử các nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình theo cả hình thức cá nhân và đơn vị?
Liên hợp quốc hiện nay đang đề cao vai trò của bình đẳng giới và có những mục tiêu rất rõ ràng, ví dụ như đặt mục tiêu đến năm 2025 phải đạt được 25% tỷ lệ nữ trong các lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình. Việc nâng cao tỷ lệ nữ không chỉ là khó khăn riêng với Việt Nam và đối với tất cả các quốc gia tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Thông thường, tỷ lệ nữ có khác nhau tùy theo lĩnh vực, ví dụ như trong lực lượng bộ binh tỷ lệ nữ rất thấp, đối với lực lượng triển khai theo hình thức cá nhân và quân y thì tỷ lệ nữ cao hơn. Đối với riêng Việt Nam, chúng ta có tỷ lệ nữ tham gia ở mức độ trung bình khá. Điển hình như tỷ lệ nữ ở các vị trí cá nhân chúng ta đang đạt mức độ 20 - 23%.
Con số này trong các mô hình đơn vị là từ 17 - 18%. Những tỷ lệ này cơ bản đáp ứng được với mong muốn của Liên hợp quốc tại thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, để đạt được tỷ lệ 25% vào năm 2025, chúng ta phải phấn đấu rất nhiều và có sự chuẩn bị kỹ càng ngay từ bây giờ trong công tác tuyển chọn, đào tạo chuyên môn nhằm đáp ứng được yêu cầu đối với từng vị trí cụ thể ở cả hình thức cá nhân cũng như đơn vị.
Việc Liên hợp quốc đề ra mục tiêu về tỷ lệ nữ cao như vậy xuất phát từ nhu cầu thực tế, bởi nhiệm vụ gìn giữ hòa bình hiện nay là những hoạt động đa chiều, với rất nhiều các thành tố bao gồm quân sự, cảnh sát, nhân sự, dân sự và các tổ chức quốc tế. Mục đích chính của các hoạt động gìn giữ hòa bình là bảo vệ dân thường, bảo vệ phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là những vấn đề về chống lại bạo lực tình dục.
Vì vậy, việc tham gia của nữ trong các hoạt động gìn giữ hòa bình có vai trò đặc biệt quan trọng, và chỉ khi có nhiều sự tham gia của phụ nữ, những vấn đề lớn của thế giới mới giải quyết được. Do đó, đây là mục tiêu rất quan trọng của Liên hợp quốc. Đối với Việt Nam, các cấp, các ngành đều có những cam kết đáp ứng được tỷ lệ nữ để chung tay giải quyết các vấn đề về hòa bình và an ninh thế giới.
Thưa Đại tá, với những bài học kinh nghiệm đúc rút sau hơn 7 năm tham gia, trong thời gian tới, chúng ta có kế hoạch gì để tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình?
Trong thời gian tới, mục tiêu của chúng ta là triển khai thành công đơn vị Công binh đầu tiên của Việt Nam tới phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và hoàn thành tất cả nhiệm vụ mà Liên hợp quốc giao cho đối với sứ mệnh nhân đạo. Chúng ta phải tiếp tục duy trì các bệnh viện dã chiến cấp 2 luôn đạt chất lượng tốt để giữ được uy tín hiện có đối với các phái bộ.
Ngoài ra, chúng ta cũng phải chuẩn bị nhân sự để đáp ứng được những vị trí cao hơn tại các phái bộ, ví dụ như những vị trí trưởng phòng ở các phòng, ban trong sở chỉ huy; chuẩn bị cán bộ đủ năng lực để ứng thi vào các vị trí chỉ huy, tham mưu trưởng của các phân khu, tiến tới là lãnh đạo một phái bộ. Đồng thời, chúng ta sẽ tiếp tục cử cán bộ ứng thi vào trụ sở Liên hợp quốc, đặc biệt là chuẩn bị cho một số cán bộ nữ ứng thi vào những vị trí rất cao ở trụ sở Liên hợp quốc.
Về tương lai xa hơn, chúng ta sẽ phải chuẩn bị những mô hình đơn vị mới theo Nghị quyết 130/2020/QH14 của Quốc hội đã đề ra, đó là tham gia sâu rộng hơn nữa vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Chúng ta có thể phấn đấu để triển khai các nhiệm vụ ở một số lĩnh vực như hậu cần, thông tin liên lạc, quân cảnh... Đó là những mục tiêu lâu dài mà hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam hướng tới.
Trân trọng cảm ơn Đại tá!
Việt Nam ủng hộ LHQ phát huy vai trò trung tâm trong quản trị toàn cầu Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam ủng hộ LHQ phát huy vai trò trung tâm trong quản trị toàn cầu, gìn giữ hòa bình ... |
LHQ kêu gọi hành động chống việc phân biệt đối xử với người cao tuổi Trong một báo cáo toàn cầu đầu tiên về phân biệt đối xử đối với người cao tuổi (NCT) công bố hôm 18/3, các cơ ... |