Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tổng kết sau 20 năm phát triển vùng Tây Nguyên và thăm, làm việc tại Đắk Lắk
Tin tức - Sự kiện 02/07/2022 08:29
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, đánh giá thực trạng việc tổ chức triển khai và kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW; dự báo tình hình quốc tế, trong nước thời gian tới tác động đến phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên; xác định vị trí, vai trò, cơ hội, tầm quan trọng và ảnh hưởng của vùng Tây Nguyên đối với phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng với vùng Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam trung bộ, tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia và cả nước; điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên; đề xuất quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu và ban hành Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. |
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế, xã hội vùng Tây nguyên thời gian qua đạt kết quả khá toàn diện: Quy mô kinh tế được mở rộng, năm 2020 đạt khoảng 287 nghìn tỉ đồng, gấp khoảng 14 lần năm 2002. GRDP bình quân giai đoạn 2002 - 2020 là 7,98%, cao nhất trong các vùng. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 48,08 triệu đồng/người/năm, gấp 10,6 lần năm 2002. Chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ.
Công nghiệp phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt 12,79%, cao hơn bình quân cả nước (11,54%) và cao nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội. Đóng góp của khu vực công nghiệp tăng từ 11,58% năm 2002 lên 17,98% năm 2020. Công nghiệp tập trung vào thủy điện, chế biến nông sản, vật liệu xây dựng, khai khoáng.
Nông nghiệp trở thành vùng sản xuất nông sản lớn (cà phê, cao su, chè, tiêu, bông, dược liệu, cây ăn quả, nguyên liệu giấy), nhiều mặt hàng chiến tỷ trọng cao trong xuất khẩu của cả nước; tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2002 - 2020 đạt 5,5%, cao hơn bình quân cả nước và cao nhất trong các vùng kinh tế - xã hội.
Dịch vụ, du lịch có bước phát triển khá, hình thành các chuỗi phát triển du lịch liên vùng, đang trở thành vùng du lịch sinh thái - văn hóa có sức hấp dẫn. Tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ giai đoạn 2002 - 2020 đạt 9,8%, cao nhất trong các vùng; quy mô giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ năm 2020 đạt 121,7 nghìn tỷ đồng, gấp 13,7 lần năm 2002.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng gần 2 lần, từ 1,4 tỷ USD năm 2010 lên 2,47 tỷ USD năm 2020. Tốc tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2002 - 2020 đạt 19%/năm, cao hơn bình quân cả nước và cao nhất các vùng.
Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; hệ thống giáo dục, đào tạo được đầu tư đồng bộ. Các di tích văn hóa lịch sử được tu bổ, tôn tạo. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.
Quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học đã được chú trọng. Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh tăng từ 82,8% năm 2010 lên 96,7% năm 2020.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm khá (từ 18,5% năm 2016 xuống 11% năm 2020); các chương trình MTQG được triển khai hiệu quả, góp phần cải thiện căn bản đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Làm tốt công tác dân tộc, nâng cao ý thức đoàn kết, tính tự lực trong phát triển sản xuất, giảm nghèo.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tình hình kinh tế, xã hội vùng Tây nguyên thời gian qua đạt kết quả khá toàn diện. |
Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân được củng cố vững chắc, nhất là trên tuyến biên giới và các địa bàn xung yếu; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đấu tranh xóa bỏ tổ chức và lực lượng của FULRO, “Tin lành Đê ga” và các loại tà đạo được đẩy mạnh.
Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên được nâng lên; cơ bản giải quyết tình trạng “trắng” đảng viên và tổ chức đảng. Xây dựng chính quyền các cấp được đẩy mạnh; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội được nâng cao; phát huy tốt vai trò già làng, người có uy tín, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố.
Bên cạnh đó cũng chỉ rõ một số hạn chế, bất cập và khó khăn, thách thức như: Phát triển kinh tế của vùng chưa bền vững, tăng trưởng kinh tế chậm lại trong giai đoạn 2011 - 2020 so với cả giai đoạn 2002 – 2020 (bình quân 6,3% so với 7,89%); quy mô GRDP của vùng thấp nhất trong các vùng kinh tế - xã hội. Các tỉnh Tây Nguyên chưa tự cân đối được ngân sách địa phương.
GRDP bình quân đầu người thấp nhất trong các vùng. Khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân tộc có xu hướng gia tăng. Giảm nghèo chưa bền vững, số hộ nghèo, cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo cao (tỷ lệ hộ nghèo xếp 5/6 vùng).
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, đánh giá thực trạng việc tổ chức triển khai và kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW; dự báo tình hình quốc tế, trong nước thời gian tới tác động đến phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên; xác định vị trí, vai trò, cơ hội, tầm quan trọng và ảnh hưởng của vùng Tây Nguyên đối với phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng với vùng Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam trung bộ, tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia và cả nước; điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên; đề xuất quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề xuất ban hành Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Toàn cảnh hội nghị |
Kết quả của Hội nghị hôm nay sẽ sử dụng để hoàn thiện Đề án Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/1/2002 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010 và Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW.
Tiếp theo chương trình làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã đến thăm, làm việc với Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an tỉnh Đắk Lắk; thăm các mẹ Việt Nam Anh hùng và khảo sát đoạn tuyến cuối cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đến thăm, làm việc với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk. |
Thăm cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk, sau khi nghe báo cáo tình hình công tác của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng, biểu dương những thành quả mà cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk đã đạt được; góp phần tô thắm thêm hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ; cùng cả nước thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Thủ tướng đề nghị các lực lượng quân sự tỉnh Đắk Lắk nắm chắc, đánh giá đúng tình hình, xác định nhiệm vụ, duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, không để bất cứ thế lực nào làm ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; tiếp tục tham gia xây dựng luật pháp và tổ chức thực hiện luật pháp liên quan;
Thủ tướng đề nghị thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng; xây dựng tổ chức Đảng trong quân đội trong sạch, vững mạnh; giữ vững và tô thắm thêm hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nâng cao tiềm lực quân đội nói riêng và lực lượng vũ trang tỉnh Đắk Lắk nói riêng; phối hợp với các ngành, tổ chức, đơn vị thực hiện tốt công tác dân vận; tham gia các phong trào thi đua ở địa phương; tiếp tục đóng góp thêm ý kiến tổng kết Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã đến thăm, làm việc với Công an tỉnh Đắk Lắk. |
Thăm, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những kết quả trên các mặt công tác mà Công an tỉnh Đắk Lắk đã đạt được trong thời gian qua, góp phần vào thành tựu chung của ngành Công an cả nước.
Thủ tướng đề nghị Công an Đắk Lắk triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương, của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk và của Đảng bộ Công an tỉnh; tiếp tục nắm chắc tình hình, tham mưu cho các cấp Chính quyền về các nhiệm vụ được giao; làm tốt công tác quản lý nhà nước của Công an các cấp; tăng cường phòng ngừa, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tấn công trấn áp các loại tội phạm, nhất là tại các địa bàn trọng điểm;
Thủ tướng đề nghị tiếp tục xây dựng lực lượng công an trong sạch vững mạnh toàn diện; Đảng bộ Công an kiểu mẫu; nâng cao năng lực của lực lượng công an nhân dân về hậu cần, trang thiết bị, cơ sở vật chất; phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các lực lượng liên quan nhằm giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội; đóng góp ý kiến tổng kết Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên; đặc biệt góp phần vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng ta triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả.
Cũng trong chương trình làm việc, Thủ tướng khảo sát đoạn tuyến cuối cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, tuyến cao tốc này có ý nghĩa quan trọng, kết nối vùng, các trung tâm kinh tế, cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo dư địa, động lực không gian phát triển vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ. Qua đó, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát đoạn tuyến cuối cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. |
Thủ tướng yêu cầu, dự án cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, theo tinh thần "qua sông thì bắc cầu, qua núi thì đào hầm và qua đồng ruộng thì đổ đất"; không bám theo các khu dân cư để tránh phải dành chi phí lớn cho giải phóng mặt bằng và giải phóng mặt bằng nhanh, đồng thời tạo ra không gian phát triển mới.
Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải sẽ khẩn trương giao các địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chủ đầu tư để triển khai các dự án thành phần, Thủ tướng đề nghị các tỉnh “thi đua nhau để làm, làm nhanh thì có thưởng, làm chậm thì kiểm điểm, làm càng nhanh bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, càng kéo dài càng đội giá”. Các địa phương cần giải phóng mặt bằng nhanh nhất; sớm lập tổ công tác để triển khai dự án; khảo sát, sẵn sàng chuẩn bị các mỏ vật liệu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để triển khai dự án.
Với đoạn đường kết nối cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột với đại lộ Đông Tây thành phố Buôn Ma Thuột, Thủ tướng ủng hộ và yêu cầu địa phương cố gắng bố trí nguồn vốn trên tinh thần tự lực tự cường, không trông chờ, ỷ lại, trong trường hợp cần thiết thì đề xuất Trung ương xem xét, hỗ trợ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị đơn vị tư vấn và các cơ quan liên quan cần khẩn trương triển khai các công việc theo tinh thần “làm ngày làm đêm”, phấn đấu kiểm soát bằng được tiến độ dự án theo chương trình phục hồi và phát triển.
Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột do Chính phủ trình và được Quốc hội khóa XV vừa thông qua tại Kỳ họp thứ 3. Cao tốc này có chiều dài 117,5km, trong đó 32,7km qua địa phận tỉnh Khánh Hòa và 84,8 km qua địa phận tỉnh Đắk Lắk. Dự án có tổng mức đầu tư 21.935 tỉ đồng; dự kiến khởi công năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đi vào khai thác vào năm 2027.
Thủ tướng đã đến thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Hồng ở phường Tân Hòa, thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk. |
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022), Thủ tướng gửi tới các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, gia đình liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng tỉnh Đắk Lắk và cả nước lời tri ân và lời thăm hỏi, chúc sức khỏe, thành công. Thủ tướng đã đến thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Hồng ở phường Tân Hòa, thành phố Buôn Mê Thuột, năm nay 97 tuổi, có 2 con là liệt sĩ và thương binh hạng 1/4 Nguyễn Quỳnh, năm nay 73 tuổi, ở phương Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột./.