Thành phố nơi cuối sông đầu biển
Kinh tế 26/04/2019 10:22
Chuyện của tôi với thành phố sông Hàn
Từ phía Bắc, theo đường bộ vượt đèo Hải Vân cheo leo, hiểm trở, được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, là chạm chân vào đất Đà Nẵng. Đèo Hải Vân nơi phân chia khí hậu đằng ngoài mưa lạnh và đằng trong nắng ấm. Đà Nẵng một vùng nắng mênh mang với biển xanh cát trắng.
Bên bờ biển Đông - Đà Nẵng nắng và ấm quanh năm, làm nên sức hút, niềm tự hào của khúc ruột miền Trung “Thành phố đáng sống”, với những nét quyến rũ khác hẳn các đô thị ven biển miền Trung…
Đi dọc miền Trung, tôi đến với Đà Nẵng, neo lại tình người, tình đất nơi đây với lời thơ: “Dù mai em về đâu/ Qua sông Hàn vẫn nhớ/ Đêm đêm thành phố thở/ Gió mặn mòi biển khơi/Lời của gió qua rồi/ Lời trái tim còn mãi/Đêm đêm em vẫn gọi/ Sơn Trà và tên anh/Đi suốt dọc miền Trung/Như con tàu nhớ bến/ Em neo về Đà Nẵng/ Về với sông Hàn về với tình yêu…”.
Bài thơ này tôi viết cách đây gần 23 năm, sau chuyến công tác dọc miền Trung, tôi về Đà Nẵng tìm mộ anh trai tôi - liệt sĩ Nghiêm Xuân Phú. Anh tôi hi sinh năm 1969, trong trận đánh nổi tiếng ở Đà Nẵng - trận Gò Hà (xã Hòa Khương). Sau 29 năm yên nghỉ ở nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Khương, năm 1996, gia đình tôi đã đưa hài cốt anh trở về quê mẹ.
Cầu Rồng là 1 trong 9 cây cầu bắc qua sông Hàn |
Tình sâu nghĩa nặng ấy đã neo vào những lời thơ của tôi trong bài “Về với sông Hàn”. Năm 2004-2005, TP Đà Nẵng mở cuộc thi sáng tác âm nhạc, bài thơ của tôi gặp duyên với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, người nhạc sĩ tài hoa xứ Quảng, ông đã phổ nhạc thành bài hát cùng tên “Về với sông Hàn”. Không ngờ bài ca ấy lại chính là bài ca tiễn biệt nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, trong lễ thuỷ táng cố nhạc sĩ trên sông Hàn sáng 10/7/2015.
Buổi sáng ấy, khi mặt trời vừa lên, lễ thủy táng cũng vừa kết thúc. Theo di nguyện, di cốt nhạc sĩ đã hòa vào sóng nước sông Hàn, dòng sông quê mẹ lắng đọng phù sa xuôi về biển lớn. Buổi sáng ấy, cuối trời Đà Nẵng mây trắng bay, một cánh hải âu lượn vòng sóng biển, còn sông Hàn cũng vang lên cung trầm của lời ca vĩnh biệt “Về với sông Hàn về với tình yêu…”. .
Đi tìm nguồn gốc sông Hàn
Ngày 29/3/2019, tôi lại có mặt ở thành phố sông Hàn, nhân kỉ niệm 44 năm ngày Đà Nẵng giải phóng, trong chuyến cùng gia đình tìm mộ liệt sĩ Nghiêm Xuân Bình (cháu họ của tôi), hi sinh năm 1972, tại xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Cũng may chuyến đi của chúng tôi được tổ tiên phù hộ, vong linh liệt sĩ đưa đường, nên buổi tối 29/3, chúng tôi đã về Đà Nẵng. Nơi chúng tôi nghỉ là khách sạn BămBo 3, số nhà 68 đường Bạch Đằng ven sông Hàn, ngay sát cầu sông Hàn (cầu Quay). Cũng chính vì khách sạn BămBo ở sát cầu Quay, nên ngày hôm sau ở lại Đà Nẵng, chúng tôi đã có chuyến du lịch về ngọn nguồn sông Hàn và đi tìm nguồn gốc của tên sông.
Anh Cường lái xe của khách sạn làm hướng dẫn viên du lịch cho chúng tôi.
Từ khách sạn Bămbo, xe của chúng tôi đi về hướng Tây Nam và dừng lại ở ngã ba sông Hàn. Anh Cường bảo: “Đây chính là sông Hàn, tức Hàn giang bắt đầu từ ngã ba sông giữa quận Cẩm Lệ, quận Hải Châu và quận Ngũ Hành Sơn tới vịnh Đà Nẵng. Sông Hàn có dòng chảy từ Nam lên Bắc, khác với các dòng sông của khu vực miền Trung thường có dòng chảy từ thượng nguồn phía Tây (dãy Trường Sơn) xuống phía Đông ra biển”.
Vì ở cuối nguồn nên sông Hàn chỉ dài 7,2km, nhưng lại ở đầu cửa biển nên sông rộng tới 900 - 1.200m và độ sâu trung bình 4 đến 5 m, các tàu biển có thể vào sâu sông Hàn khi cầu Quay đêm đêm mở cầu thông sông. Bây giờ cảng sông đã lùi về phía vịnh Đà Nẵng, nên ít tàu lớn vào sông, nhưng cầu Quay thì đêm đêm vẫn mở cầu theo giờ cho khách du lịch tham quan.
Cách ngã ba sông Hàn không xa, chúng tôi đi về phía thượng nguồn sông tới cầu Đỏ, anh Cường giới thiệu, đoạn sông này dân địa phương gọi là sông Cẩm Lệ. Sông Cẩm Lệ có thượng nguồn là sông Thu Bồn ở Quảng Nam chia nguồn đổ vào sông Vĩnh Diện, dòng sông này chảy qua huyện Hòa Vang, quận Ngũ Hành Sơn và quận Cẩm Lệ rồi hợp lưu với dòng Cẩm Lệ ở phường Hòa Cường để tạo thành sông Hàn. Sông Cẩm Lệ có dòng chảy theo hướng Tây - Đông Bắc, rộng trung bình khoảng 250m, với chiều dài 5,6km.
Về nguồn gốc vì sao có tên sông Cẩm Lệ? Chuyện kể rằng ngày xưa có một người con gái tên Cẩm, vì chuyện duyên tình trái ngang đã trầm mình xuống sông tự vẫn; khi được vớt lên, nhiều người đã nhỏ đôi dòng lệ khóc thương cô gái, nên dòng sông từ đó mang tên Cẩm Lệ.
Xe chúng tôi đi tiếp về xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang đến ba sông, anh Cường bảo đây là hợp lưu của sông Yên và sông Túy Loan trở thành sông Cầu Đỏ. Sông Yên là phân lưu của sông Gia Vu chảy từ huyện Đại Lộc Quảng Nam sang, còn sông Túy Loan bắt nguồn từ dãy núi Bà Nà phía Tây huyện Hòa Vang chảy về sông Cầu Đỏ. Thế là chúng tôi đã đến với ngọn nguồn sông Hàn, lại trở về thành phố. Hỏi vì sao sông mang tên Hàn? Anh Cường giải thích, sách du lịch viết về nguồn gốc tên sông Hàn từ chuyện ngày xưa cha ông ta đã khóa cửa sông bằng xích sắt để ngăn không cho tàu giặc vào thành phố. Câu trả lời dường như chưa đủ thỏa mãn sự tò mò của du khách, may thay tôi đã đến thành phố này không ít lần thế nên cũng tìm ra một câu trả lời khác về nguồn gốc sông Hàn.
Theo nhà nghiên cứu Lê Văn Tất, bắt nguồn từ hai chữ Hàn môn trên bản đồ Thuận Hoá.Trong đời vua Lê Thánh Tông niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490), vua định lại bản đồ 13 xứ Thừa Tuyên trong nước lần cuối. Theo thứ tự Bắc đến Nam trong bản đồ, có 10 cửa biển, trong đó Hàn môn tức cửa Hàn. Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí viết về sông Cẩm Lệ (và sông Hàn), thì dòng sông Thạch Bồ (còn gọi sông Yên) chảy xuống phía Đông 5 dặm nữa đến xã Cẩm Lệ để làm sông Cẩm Lệ. Sông Cẩm Lệ chảy chừng 7 dặm nữa qua xã Hoá Khuê Trung (nay là Phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) và xã Hoá Khuê Tây, làm thành sông Hàn tức Hàn Giang .Cũng theo Đại Nam Nhất thống chí, đổ vào hạ lưu sông Cẩm Lệ có sông Cổ Mân, dân gian gọi là sông Cái, nối từ hạ lưu sông Vĩnh Điện đi qua làng Cổ Mân, nay thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ. Như vậy, ở ngã ba sông này chính là nơi bắt đầu của sông Hàn và kết thúc tại cửa biển Đà Nẵng. Từ cái tên Hàn môn thường gọi cửa Hàn đi vào ổn định, thì dòng sông từ Cẩm Lệ chảy vào cửa Hàn cũng được đặt tên là Hàn giang thường gọi sông Hàn.
Đến với thành phố biển Đà Nẵng nhiều lần nhưng chỉ đến lần này tôi mới có dịp đi đến ngọn nguồn của sông Hàn và cũng chỉ đến bây giờ tôi mới có thời gian chiêm ngưỡng 9 cây cầu bắc qua sông Hàn thành phố biển. Cùng với sự đổi thay của thành phố, chỉ trong 10 năm đầu thế kỉ XXI, 9 cây cầu đã được bắc qua sông Hàn, không chỉ tạo thuận lợi cho giao thông mà còn tạo đà cho kinh tế thành phố biển vươn lên. Không chỉ có 9 cây cầu bắc qua sông Hàn, dự định của “Thành phố đáng sống” đang nghiên cứu để có thể làm hầm thẳng vượt sông Hàn trong tương lai.
Nghiêm Thị Hằng