Những ngày này không khí Tết đã ngập tràn khắp TP Buôn Ma Thuột. Đường phố đông đúc nhộn nhịp hơn, hàng quán tấp nập, hoa trái, cây cảnh từ các nơi đổ về khoe sắc khiến đô thị cao nguyên trở nên rực rỡ sắc màu. Nằm trong lòng TP Buôn Ma Thuột náo nhiệt, buôn Ako Dhong cũng tràn đầy sắc xuân mà vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống hoang dã của đại ngàn.
Chuyện kể rằng, năm 1956, từ thảo nguyên MĐrăk, chàng trai Ama Hrin tên thật là Y Diêm Niê, cắt rừng hàng tháng trời đi tìm miền đất hứa. Buôn Ma Thuột thuở ấy hoang sơ giữa rừng già bao phủ. Ama Hrin cắm cây giáo xuống đầu nguồn nước Ea Nuôl, rồi quay về MĐrăk đón dân làng đến lập làng mới. Ako Dhong có nghĩa là vùng đất đầu nguồn nước ra đời từ đó. Ama Hrin khi đó mới 25 tuổi, được các nữ tu người Pháp dạy tiếng Pháp và kĩ thuật trồng cà phê để rồi Ako Dhong trở thành buôn đầu tiên ở Tây Nguyên biết trồng cà phê, chấm dứt cảnh “ăn rừng” của người Ê-đê từ bao đời…

Ngôi nhà dài của già Ama H'rin
Cũng giống như đồng bào Ê-đê ở các buôn làng khác, người Ê-đê ở Ako Dhong những năm gần đây đã hòa nhập cùng không khí Tết Nguyên đán vui tươi và đầm ấm của người Kinh. Ông Ama Noan, 62 tuổi, chủ nhân cà phê Yang Sing chia sẻ: “Tết trong buôn bây giờ vui lắm, từ sau Lễ Giáng sinh, mọi nhà đều bắt đầu sửa soạn đón Tết. Gia đình nào cũng dọn dẹp sạch sẽ để mừng năm mới. Đặc biệt, nếu trước đây bánh chưng, bánh tét của người Kinh còn xa lạ với đồng bào thì nay nhiều nhà đã tự gói bánh, hoặc mua về như một món không thể thiếu. Có điều, chúng tôi không bày biện lên bàn thờ để cúng mà tiếp nhận “nét văn hóa” ấy như một nhu cầu vật chất”.
Ako Dhong có khoảng bốn chục nóc nhà dài nằm sát hai bên đường. Trong các ngôi nhà hầu như đều còn lưu giữ được những bộ cồng chiêng quý. Cuối năm, cũng là khoảng thời gian đồng bào Ê-đê, Mnông… thu hái, phơi phóng xong cà phê. Vào ngày tết tiếng cồng chiêng buôn Ako Dhong vang lên như đánh thức cả một vùng, khiến người người quên đi những hối hả cuộc sống thường ngày để thả hồn vào sắc xuân mê hoặc. Dân làng nghỉ ngơi, thư giãn, đi thăm hỏi nhau. Người lớn cùng ngồi bên mâm rượu chuyện trò, bọn trẻ xông xênh quần áo mới, rủ nhau ra phố dạo chơi… Tết thật giản đơn nhưng đầm ấm!.

Bà Hơ rin 64 tuổi, có 9 người con đã ra ở riêng 8 người, hiện bà ở cùng vợ chồng con gái ở Ako Dhong. Tết năm nay, niềm vui lớn với bà không phải vì cà phê được mùa hay du khách đến tham quan Ako Dhong ngày càng đông mà là nhà thờ Mẫu Tâm đã xây xong. Bà thốt lên khoe: “Tết này, giáo dân ở Ako Dhong chúng tôi có nhà thờ rồi!”. Đồng bào Ê-đê đa số theo đạo Thiên chúa giáo, họ coi lòng tin từ cái tâm nên dù cuộc sống hiện đại có nhiều đổi thay nhưng vẫn luôn gìn giữ những nét văn hóa cốt lõi của mình.
Già Ama Hrin mất năm 2012, nhưng người dân Ako Dhong và các dân tộc ở Tây Nguyên vẫn ghi nhớ những đóng góp lớn lao của già trong bảo tồn văn hóa các dân tộc cũng như cách làm đầy tâm huyết của ông để gìn giữ nếp nhà truyền thống của đồng bào Ê-đê. 10 người con của già đều đã trưởng thành. Họ là những bác sĩ, ca sĩ, nhà kinh doanh thành đạt và hầu hết đang định cư ở Pháp. Ngôi nhà dài của già đã được con cháu làm lại như một kỉ niệm gợi nhớ về người con Ê-đê huyền thoại của đất Tây Nguyên.
Ông Ama Noan bảo: “Ở Ako Dhong bây giờ, ngoài những người dân sinh sống từ thời lập buôn, còn có cư dân nơi khác về lập nghiệp, mở dịch vụ du lịch, nhà hàng... Tết ở Ako Dhong chật kín xe ô tô, các nhà hàng cà phê không còn chỗ bởi du khách đổ về thưởng thức hương vị cà phê của đại ngàn Tây Nguyên đông vui nhộn nhịp…”.
Xuân đang tưng bừng trên đường phố Buôn Ma Thuột, Xuân tràn vào những ngôi nhà của đồng bào Ê- đê ở Ako Dhong. Ngồi bên ché rượu cần, trong âm vang tiếng cồng chiêng, du khách như được thưởng thức câu chuyện về người Ê-đê từ buổi đầu khai phá. Sức mạnh huyền bí của đại ngàn vẫn đang âm ỉ cháy. Buôn Ako Dhong còn đẹp hơn vào dịp cuối Xuân, khi hoa cà phê đua nhau khoe sắc trắng một vùng trời. Cả Buôn Ma Thuột như bừng lên sức sống diệu kì, hi vọng mới cho những vụ mùa bội thu
Kim Long