“Sân sau” của Masan, Techcombank có “ưu ái” cổ đông lớn?
Tin tức 13/07/2018 10:41
“Bơm” vốn khủng cho Masan
Như bài trước đã nói tới, Techcombank là ngân hàng có cơ cấu cổ đông khá cô đặc. Từ giữa năm 2017 trở về trước, 2 cổ đông lớn của Techcombank là ngân hàng HSBC và Masan sở hữu tới gần 40% vốn điều lệ của ngân hàng. Với việc HSBC thoái toàn bộ vốn khỏi Techombank hồi giữa năm 2017, đến nay ngân hàng chỉ còn một cổ đông lớn duy nhất nắm giữ trên 5% vốn cổ phần của Techcombank là Masan Group với tỷ lệ sở hữu là 15%. Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank và cũng là người có liên quan đến Masan Group cùng một số người liên quan sở hữu tới hơn 17% vốn của ngân hàng vốn hoá 6,5 tỷ USD này.
Không chỉ là cổ đông lớn, tập đoàn Masan cùng các công ty con cũng đang là khách hàng lớn tại đây với hơn 1.550 tỷ đồng gửi tại Techcombank (Theo BCTC đã kiếm toán hết năm 2017). Các công ty con, công ty liên kết của Masan, các cổ đông và bên liên quan của lãnh đạo chủ chốt cũng có nhiều giao dịch lớn với Techcombank, gồm gửi tiền, vay nợ… Để vay được cả chục nghìn tỷ như vậy, Masan đã thế chấp cho các ngân hàng nhiều tài sản, như: hàng tồn kho, các khoản phải thu khách hàng, tài sản cố định, khoản tiền gửi có kỳ hạn, cổ phiếu…
Đáng chú ý, có một khoản vay ngân hàng hơn 870 tỷ đồng đã được Masan bảo đảm bằng tỷ lệ tài sản hiện tại và tương lai với quyền khai thác mỏ Núi Pháo, cùng với 68,52 triệu cổ phiếu Techcombank (chiếm tỷ lệ 7,71% vốn ngân hàng).
Techcombank có nhiều giao dịch với các công ty con của Masan (BCTC đã kiểm toán năm 2017) |
Masan còn dùng hơn 87 triệu cổ phiếu Techcombank, quyền khai thác và tài sản hiện hữu, hình thành trong tương lai của Mỏ Núi Pháo để bảo đảm cho khoản vay có dư nợ 1.882,9 tỷ đồng (bằng VND và USD). Và, 22,3 triệu trái phiếu chuyển đổi của Techcombank được dùng bảo đảm cho khoản nợ trái phiếu 2.200 tỷ đồng của Masan.
Một số khoản nợ vay ngân hàng ngoại khác cũng được bảo đảm bằng hàng trăm triệu cổ phiếu công ty con thuộc sở hữu của bên thứ 3, hoặc có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông.
Theo tìm hiểu, trong giai đoạn 2011 - 2014, khi nhiều DN khổ sở vì không vay được vốn ngân hàng thì Masan vẫn được các ngân hàng “ưu ái” cấp vốn, trong đó có Techcombank. Năm 2011, tổng quy mô nợ vay của Masan đã lên tới con số rất lớn là 10.175,4 tỷ đồng. Sau đó, quy mô nợ tiếp tục tăng lên 14.693 tỷ đồng (cuối năm 2012) và đạt mức 21.092 tỷ đồng dư nợ (cuối năm 2013), tức tăng tới 43,5% so với năm trước.
Năm 2017, Masan đã thu về 2.037 tỷ đồng phần lãi được chia từ Techcombank, chiếm gần 1/2 lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn. Bên cạnh đó, Masan cũng nhận khoản vay 1.194 tỷ đồng từ Techcombank và có 3.000 tỷ đồng trái phiếu được TCBS tư vấn niêm yết và bán theo thoả thuận.
Mối quan hệ qua lại "khăng khít" với VietnamAirlines và Vingroup
Tính đến cuối năm 2017, gần 11% khoản vay dài hạn của Vingroup đến từ Techcombank. Nếu không xét đến khoản vay hợp vốn thì Techcombank là “chủ nợ” lớn thứ hai của Vingroup sau Vietcombank. Techcombank cũng là trái chủ của Tập đoàn khi nắm giữ gần 300 tỷ đồng trái phiếu Vingroup phát hành ra. Vingroup đóng góp 8% vào tổng tiền gửi không kỳ hạn của Techcombank. Ngoài ra, hơn 85% khoản vay mua nhà của Techcombank đến từ những dự án của Vingroup với hơn 11.000 khách hàng.
Một hoạt động giao dịch tại Techcombank |
Năm 2017, Công ty TNHH Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) là đơn vị chính tư vấn phát hành trái phiếu cho Tập đoàn Vingroup. Nhờ đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng đến từ hệ sinh thái Vingroup (chủ yếu là phí phát hành và phân phối trái phiếu doanh nghiệp) chiếm tới 24% tổng lãi thuần hoạt động dịch vụ của ngân hàng.
Một trường hợp khác, Vietnam Airlines – từng là cổ đông sáng lập Techcombank. Tập đoàn hiện đã thoái vốn khỏi ngân hàng do áp lực cắt giảm đầu tư ngoài ngành.
Cuối 2014, Techcombank "đổi vai" trở thành nhà đầu tư tổ chức lớn nhất tại Vietnam Airlines và cũng rút lui sau gần 2 năm sau khi hai bên bắt tay thoả thuận hợp tác toàn diện. Năm 2016, Techcombank và Vietnam Airlines chung tay góp vốn thành lập nên "hãng bay ngược chiều dư luận" - SkyViet.
Một số công ty chứng khoán nhận định, tính đến hết 2017, mối quan hệ này đem đến cho Techcombank khoảng 37.000 khách hàng sử dụng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ đồng thương hiệu, chiếm 13% số lượng khách hàng trung - cao cấp. Nhóm khách hàng này có mức sử dụng thẻ cao hơn nhiều so với những khách hàng sử dụng các loại thẻ khác của Techcombank.
Tổng dư nợ vay mua nhà của nhóm khách hàng này tại Techcombank cũng là một con số không nhỏ với 6.500 tỷ đồng, chiếm 15% tổng dư nợ cho vay mua nhà của ngân hàng. Toàn bộ chuỗi giá trị đóng góp 8% vào tổng tiền gửi không kỳ hạn và 7% tổng lãi thuần hoạt động dịch vụ.
2 trường hợp trên được cho là hệ sinh thái giữa ngân hàng - doanh nghiệp. Giữa các mắt xích trong hệ sinh thái với nhau là mối quan hệ "tương hỗ". Ngân hàng đóng vai trò như một cổng tài chính đáp ứng nhu cầu vốn và thanh khoản của doanh nghiệp. Ngược lại ngân hàng cũng có lợi không nhỏ từ việc quản lý dòng tiền và lãi vay từ các doanh nghiệp. Không những thế, hệ sinh thái mang đến một nguồn lực dùng chung như nguồn vốn, khách hàng và quản trị mà đối tác này có thể tận dụng hoặc chia sẻ cho nhau. Để mối quan hệ này được chặt chẽ, những tổ chức này thường nắm giữ cổ phần của nhau để tăng sự ràng buộc. Tuy nhiên vẫn không vượt quá các tỷ lệ được NHNN quy định.
Hệ sinh thái ngân hàng - doanh nghiệp được xem như một con dao hai lưỡi. Bên cạnh những lợi ích trông thấy được từ hợp tác lẫn nhau, việc tập trung khai thác vào hệ sinh thái tạo nên sự lệ thuộc vào một nhóm đối tượng cũng như tạo hiệu ứng domino khi có biến động xảy ra.
Đình Vũ