Quan tâm giải quyết những tồn đọng chính sách đối với người có công
Xã hội 07/10/2022 09:34
Mặc dù đã chuẩn bị tư tưởng từ nhiều tháng, nhiều năm nhưng tôi không thể nào kìm nén được nỗi đau tâm linh xót ruột, bầm gan khi gặp lại một số nhân chứng lịch sử mà hơn nửa thế kỉ nay họ vẫn âm thầm chịu đựng. Hơn 10 nhân chứng lịch sử tuổi đời trên dưới 90, tôi gặp đều quê ở Quảng Ngãi nhưng đang cư trú ở các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Gia Lai,... Mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều có chung một nỗi niềm, một khát vọng và một niềm tin sắt son vào Đảng, Nhà nước; mong muốn thế hệ cán bộ lãnh đạo ngày nay thấm sâu hơn lời dạy của Bác Hồ, hiểu đầy đủ hơn những ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Cần quan tâm sâu sát hơn nữa đến những tồn đọng chính sách do đặc thù của lịch sử; thực hiện trọn vẹn hơn nữa đạo lí “Uống nước nhớ nguồn - Đền ơn đáp nghĩa của dân tộc và cũng là chính sách hàng đầu của Đảng ta, Nhà nước ta đối với người có công với cách mạng.
Quan tâm giải quyết những tồn đọng chính sách đối với người có công |
So với các lần gặp trước, 7/10 cụ tôi gặp lần này đều khỏe mạnh, vui vẻ, giảm đi rất nhiều những căn bệnh nặng, đặc biệt đã thoát khỏi căn bệnh “trầm cảm” kéo dài triền miên. Lí do các cụ cho biết là nhờ có sự quan tâm chăm sóc của Chi bộ, tổ Đảng và chính quyền xã, phường mấy năm gần đây. Sự quan tâm chăm sóc không chỉ về vật chất mà quan trọng hơn là mặt tinh thần, đã tìm nhiều giải pháp “đặc cách” (theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư và Chủ tịch nước) để giúp vơi đi những nỗi đau tâm linh do đặc thù của lịch sử. Còn 3 trường hợp, đặc biệt là trường hợp của cụ Nguyễn Thị Mười, chúng tôi không biết nói sao, chỉ ngồi nghe mấy cụ động viên nhau: “Đời cụ Mười không gặp được may, cầu xin kiếp tới trời thương cho bay lên thiên đàng”.
Khi mới lên 9, cụ Mười đã cùng ba anh trai và hai chị gái được cha giao nhiệm vụ tham gia đào hầm bí mật, tiếp tế cơm nước cho cán bộ Việt Minh về chuẩn bị Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng 8/1945 tại địa phương. Sau năm 1954, khi Mỹ - ngụy thực hiện chính sách đàn áp dã man, những người kháng chiến cũ, cụ Mười phải rời bỏ quê hương, vào Khánh Hòa làm đầy tớ cho một gia đình có người đi lính ngụy, nên phải giấu kín họ tên thật và quê quán ngoài miền Trung.
Nhờ cụ có nhan sắc và tính nết dịu hiền nên một thanh niên trí thức đem lòng yêu thương và họ trở thành chồng vợ. Cưới nhau chưa được bao lâu thì chồng bị ngụy quân, ngụy quyền bắt đi lính. Lúc đầu hai vợ chồng bàn cách chạy trốn, nhưng không thành, cuối cùng cụ Mười tuyên truyền, giác ngộ để chồng làm cơ sở nội tuyến cho Bộ đội Giải phóng. Đang lúc thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ cách mạng giao, thì không may trong một cuộc chạm trán giữa ta và địch, chồng cụ Mười tử trận. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, do hoàn cảnh quá khó khăn, với ba đứa con nhỏ, cụ Mười lại còn bị di hại khốc liệt của chiến tranh nên không thể nào có điều kiện đi tìm được người thân và những người cùng hoạt động để chứng nhận lí lịch bản thân và gia đình, nên cán bộ, chính quyền địa phương coi cụ là vợ lính ngụy bị cách mạng tiêu diệt. Từ đó nỗi khổ, nỗi đau chồng chất, nhất là nỗi đau tinh thần đã làm cho bà suy sụp, kéo theo các con cháu bơ vơ, thất học, thất nghiệp, nghèo đói triền miên.
Rất may, là những năm gần đây, nhất là những dịp Tết, lễ, Ngày Thương binh - Liệt sĩ, nhiều cán bộ lãnh đạo địa phương đã quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: “Phải tin, phải dựa vào các nhân chứng lịch sử để tìm các biện pháp “đặc cách” mà giải quyết dứt điểm những tồn đọng chính sách đối với người có công do đặc thù của lịch sử chiến tranh để lại”. Nhờ đó, một số trường hợp phức tạp kéo dài tưởng chừng như bất khả kháng đã được Đảng, chính quyền địa phương xem xét giải quyết, tuy chưa thật triệt để nhưng đã có phần cân bằng giữa tình với lí được nhiều người có công yên lòng chấp nhận.