Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2018: Thủ tướng nêu ra hàng loạt tồn tại, bất cập và các vấn đề cấp thiết mà các bộ cần tập trung xử lý, giải qu
Tin tức 03/05/2018 13:57
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng cũng đánh giá cao việc tổ chức thành công 4 hội nghị toàn quốc trong tháng 4 bàn triển khai các vấn đề cụ thể, từ phòng chống thiên tai, tháo gỡ khó khăn đầu tư xây dựng, logistics, đến thúc đẩy xuất khẩu. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã tổ chức các diễn đàn, xúc tiến thương mại đầu tư, đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp, cho nên không khí đầu tư làm ăn kinh doanh đồng đều ở khắp mọi miền.
Thủ tướng nhìn nhận, kinh tế-xã hội tháng 4 tiếp tục có xu hướng tích cực và toàn diện, tạo không khí phấn khởi trong làm ăn kinh doanh, góp phần củng cố niềm tin thị trường, của nhà đầu tư và nhân dân. Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát.
Các ngành, lĩnh vực chủ yếu tiếp tục phát triển. Sản xuất nông nghiệp ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng tăng 11,4%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 14%. Du lịch, dịch vụ phát triển mạnh. Lượng khách quốc tế đạt trên 5,5 triệu lượt, tăng gần 30%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 10%. Xuất khẩu 4 tháng đạt gần 74 tỷ USD, tăng khoảng 20%. Xuất siêu 3,39 tỷ USD.
Tạo việc làm cho trên 460.000 lao động, đưa 38.000 người đi làm việc tại nước ngoài.
Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Cả nước có trên 41.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 11.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tổng số vốn đăng ký mới bổ sung trên 1,16 triệu tỷ đồng. Bên cạnh đó, chúng ta xử lý nghiêm một số vụ việc tạo niềm tin cho nhân dân và tạo môi trường đầu tư như Công an TP.Hải Phòng đã khởi tố vụ án thuốc ung thư làm từ bột than tre, hay ở Đắk Nông khởi tố vụ vỏ cà phê nhuộm than pin…
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục được tăng cường. Chính phủ đã xử lý quyết liệt nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận quan tâm như vụ AVG, đất đai tại Đà Nẵng, vụ Vũ “nhôm”, Út “trọc”, vụ đánh bạc trên internet… Chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, hành động của Chính phủ, của bộ, ngành được xã hội đánh giá cao, đồng tình. Đây là điều kiện quan trọng tạo nên không khí mới trong đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Không để tình trạng ‘trên nóng, dưới nóng, mà ở giữa lạnh'
Bên cạnh kết quả tích cực, Thủ tướng cho rằng, cần thấy được, phân tích những tồn tại, khó khăn, thách thức để thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm tốt hơn, chắc chắn hơn trong bối cảnh quốc tế nhiều phức tạp. CPI tăng thấp nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ; giải ngân vốn đầu tư xây dựng từ ngân sách Nhà nước còn thấp.
Đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều cải cách, Thủ tướng cho rằng, cần mạnh mẽ, toàn diện hơn, đồng thời nêu ví dụ, chỉ số tham gia thị trường của các doanh nghiệp của Việt Nam còn thấp (đứng thứ 123/190), rời thị trường cũng gặp khó khăn, đặc biệt xử lý vấn đề phá sản doanh nghiệp (đứng thứ 129).
“Sáng nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng có báo cáo tôi một địa phương đã lên Sở Xây dựng để điều chỉnh quy hoạch mà đi 33 lần. Cho nên người ta có nói câu: Trên nóng, dưới nóng nhưng ở giữa thì lạnh”, Thủ tướng bày tỏ mong muốn “sức nóng” phải lan tỏa toàn bộ máy, trong đó cấp trung gian là vụ, cục, sở, huyện phải chuyển biến mạnh mẽ hơn thì cả bộ máy mới chuyển biến được.
Tồn tại, thử thách nữa là hàng xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với nhiều biện pháp phòng vệ thương mại. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng, nhưng số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, giải thể còn lớn. Có nhiều khoản phí, lệ phí còn cao, nhất là chi phí logistics và kiểm tra chuyên ngành.
“Hôm nay, có đồng chí Phó Tổng Thanh tra Chính phủ ở đây, phải chủ trì xem lại việc có những doanh nghiệp bị kiểm tra đi, kiểm tra lại nhiều lần, chồng chéo kiểm tra. Đây là vấn đề chúng ta cần quan tâm”, Thủ tướng nói.
Lĩnh vực văn hóa-xã hội còn một số mặt hạn chế, đặc biệt có nhiều biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống, ứng xử bạo lực với thầy thuốc, nhà giáo, học sinh… Quản lý hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng còn bất cập như sự việc “Hội thánh Đức Chúa trời” tồn tại kéo dài mà chưa kịp thời giải quyết.
Tồn tại nữa mà Thủ tướng rất quan tâm là chất lượng, tiến độ các dự án luật trình Quốc hội còn nhiều vấn đề. Các bộ cần có giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng này.
Tại phiên họp, Thủ tướng cũng đề nghị các bộ trưởng phát biểu làm rõ hơn một số vấn đề như Bộ GD&ĐT báo cáo về kết quả cải tạo, nâng cấp nhà vệ sinh cho học sinh, việc phòng chống đuối nước cho học sinh đến đâu. “Đây là việc liên quan đến tính mạng, sức khỏe của các em, các cháu. Là việc lớn hay việc nhỏ?”, Thủ tướng nói. “Phải chăng cần có một chỉ thị về vấn đề này?”. Hay Bộ KH&CN báo cáo việc triển khai công tác khởi nghiệp, cách mạng công nghiệp 4.0. Bộ Nội vụ báo cáo về kết quả hoạt động của tổ công tác kiểm tra công vụ từ khi thành lập đến nay. Hay Nghị quyết 120 về phát biển bền vững ĐBSCL được ban hành đến nay Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&ĐT đã làm được gì? “Tất cả các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục cải cách, đổi mới, tạo điều kiện cho phát triển”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng mong muốn các thành viên Chính phủ thảo luận, phát biểu ý kiến về các vấn đề nêu trên để làm sao có Nghị quyết phiên họp Chính phủ tốt, sát, quyết liệt, đồng bộ, để làm sao “trên nóng, dưới nóng, ở giữa cũng phải nóng”, “cấp trung gian, cấp tham mưu phải quyết liệt hơn, đừng để tình trạng vô trách nhiệm xảy ra trong phục vụ nhân dân, phục vụ sản xuất kinh doanh”.
Chinhphu.vn