Phát huy vai trò trong phát triển nghề mộc truyền thống
Tuổi cao gương sáng 21/08/2023 08:14
Bảo tồn làng nghề truyền thống, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn |
Cách đây hơn nửa thế kỉ, xã Tuy Lộc cũng như bao làng quê khác, đời sống của nhân dân lam lũ vất vả, họ chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, đầu tắt mặt tối vẫn không đủ ăn. Nhưng đến nay, Tuy Lộc đã có nhiều khởi sắc, đời sống không ngừng nâng cao. Được kết quả trên phải kể đến vai trò của NCT đã động viên con cháu giữ gìn, phát huy nghề mộc truyền thống.
Theo gia phả của làng để lại, vào khoảng thế kỉ 19 những người dân Sơn Tây, (Hà Nội) lên đây sinh cơ lập nghiệp, đồng thời họ cũng mang theo nghề mộc truyền thống dạy cho dân làng, truyền cho con cháu phát huy, từng bước vươn lên – trở thành nghề mưu sinh của dân làng. Các sản phẩm của làng mộc Tuy Lộc đã có mặt ở các tỉnh thành như : Vĩnh Phúc, Hà Nội, Yên Bái, Lào Cai…
Hiện làng mộc Tuy Lộc đang sản xuất các mặt hàng chính như: Làm nhà gỗ, tủ chè, bàn ghế, sập, gụ, tràng kỉ, án gian, lục bình, tranh chân dung, hình chim thú, rồng, phượng… Các loại gỗ được sử dụng để sản xuất tại làng nghề Tuy Lộc gồm nhiều chủng loại như: Lim, gõ đỏ, hương, trắc, cẩm, xoan đào; gỗ rừng trồng trong nước như keo, quế, mỡ, trẩu đến gỗ rừng tự nhiên nhập khẩu (tần bì, dẻ gai, sồi) và ván công nghiệp…
Trước nhu cầu tiêu dùng nội địa lớn và nhiều bạn hàng xuất khẩu nên hằng năm Tuy Lộc không ngừng đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng khó tính. Hiện nay, làng nghề có gần 400 xưởng mộc làm bằng công nghệ hiện đại mang lại năng suất cao, hàng năm giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Tiêu biểu như xưởng mộc của các ông Lã Văn Nghị, Nguyễn Văn Bằng, Nguyễn Văn Phượng, Phan Tiến Dũng, Đoàn Hùng Thiện, hội viên NCT xã Tuy Lộc, mỗi xưởng mộc trừ chi phí còn lãi từ 500 – 1 tỉ đồng/năm.
Chúng tôi ghé thăm xưởng sản xuất mộc truyền thống của ông Đoàn Hùng Thiện vào đúng giờ làm của công nhân, ông Thiện cho biết: “Gia đình có 4 đời làm nghề này, đời cụ, đời ông, đời cha sau đó truyền lại cho tôi. Để tồn tại, người dân làm mộc chúng tôi đã cùng nhau thành lập những tổ hợp sản xuất mộc; đồng thời, tích cực đầu tư máy móc, phát triển ngành nghề, tìm kiếm thị trường, cải tiến mẫu mã nâng cao chất lượng sản phẩm…. Vào những năm 90 của thế kỉ trước tôi đầu tư gần 100 triệu đồng mua máy móc và các trang thiết bị để sản xuất. Hằng năm tôi bán ra thị trường gần 1.000 bộ bàn ghế, tủ, các đồ dùng gia đụng khác".
Nghề làm mộc của gia đình ông Thiện và nhiều hộ khác trong làng đã xây dựng được cơ ngơi khá khang trang, hiện đại. Sản phẩm mộc độc đáo, thị trường tiêu thụ ổn định đã góp phần giải quyết việc làm cho hằng trăm lao động với thu nhập bình quân 7- 10 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu năm 2022 của làng nghề ước đạt trên 40 tỉ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 60 triệu/người/năm. Nhờ đó, sản phẩm mộc ở Tuy Lộc không những đẹp về kiểu dáng, mẫu mã mà còn đạt đến đỉnh cao về kĩ thuật, mĩ thuật, ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.
Cở sở sản xuất đồ gỗ và giới thiệu sản phẩm của gia đình ông Đoàn Hùng Thiện |
Gia đình ông Phan Tiến Dũng gắn bó với nghề mộc hơn 40 năm. Bản thân ông đã chứng kiến biết bao thăng trầm của làng nghề, nhất là khi cơ chế thị trường mới mở cửa, cũng có lúc người thợ mộc đành buông đục để mưu sinh bằng nghề khác, nhưng ngọn lửa nghề trong ông chưa bao giờ tắt.
Trước đây cơ sở của ông chủ yếu sản xuất đồ mộc bằng thủ công, nên số lượng làm ra rất hạn chế, mẫu mã sản phẩm chưa được tinh tế. Năm 2012, ông Dũng đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại thì năng xuất lao động tăng cao, cho ra nhiều mẫu mã, sản phẩm đa dạng, giá thành cạnh tranh hơn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng nhiều nơi. Hằng năm, doanh thu của gia đình ông Dũng đạt khoảng 600 – 800 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm ổn định cho 7 - 10 lao động, với mức lương thu nhập trung bình từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Hữu Mừng, Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc cho hay: “Nhờ lam mộc mà cuộc sống của người dân đã thay đổi. Đặc biệt là vai trò của NCT rất quan trọng trong việc động viên con cháu, dòng họ, người dân và trực tiếp tham gia sản xuất, giữ ngọn lửa, phát huy xây dựng nghề mộc truyền thống. Qua đó, góp phần tích cực công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”.