Giáo dục trẻ bằng... việc làm

Xã hội 05/01/2023 09:33
Từ “rượu quê” không tem nhãn...
Từ ngày 1/1/2013, Nghị định số 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực, yêu cầu tất cả các loại rượu đều phải có nhãn mác, việc sản xuất rượu phải có giấy phép. Nghị định này quy định chi tiết việc các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán ra thị trường phải có giấy phép sản xuất, trên sản phẩm có dán nhãn, bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến loại rượu phải đăng kí với UBND cấp xã nơi sản xuất. Như vậy, tất cả các loại “rượu quê” được nấu thủ công và đang bán công khai, phổ biến ở mọi vùng miền trên cả nước đều sẽ bị xử lí, nếu không làm thủ tục xin giấy phép sản xuất, gắn nhãn mác hợp lí cho sản phẩm.
Tuy nhiên, nhiều năm sau ngày Nghị định 94 được ban hành, thật không khó để bắt gặp các sản phẩm mang danh “rượu quê”, “rượu gạo”, “rượu ngô tự nấu” không có bao bì, tem nhãn xuất hiện công khai trên thị trường.
![]() |
Khảo sát tại khu vực quận Thanh Xuân, Hà Nội, theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Người cao tuổi, các sản phẩm rượu tương tự vẫn được bày bán và tiêu dùng thường xuyên. Trên các tuyến đường Nguyễn Trãi, Khương Đình, Lương Thế Vinh, Triều Khúc… trong các quán nhậu, quán cơm bình dân, cửa hàng bách hóa, rượu quê không nhãn vẫn ngang nhiên “tung hoành”. “Tôi mở quán cũng được hơn 10 năm rồi. Khách hàng đến ăn cơm vẫn uống rượu gạo bình thường, chưa thấy có hiện tượng ngộ độc gì cả. Tôi lấy rượu từ chỗ người quen, họ tự nấu nên chắc chất lượng bảo đảm, không có nhãn thì tôi nghĩ cũng chẳng sao.” - đây là lời chia sẻ của chủ một quán cơm bình dân trên đường Lương Thế Vinh.
Cũng theo người này, mỗi ngày quán của anh có thể tiêu thụ khoảng 10 lít rượu quê, nếu hôm nào đông khách có thể hết gần 20 lít rượu. Giá bán rượu khoảng 20.000 đồng/lít, là mức giá khá mềm, phù hợp với túi tiền của phần đông người lao động như nhân viên văn phòng, công nhân, sinh viên… Rượu có thể được đổ vào từng chai thủy tinh hoặc chai nước khoáng lavie cỡ khoảng 500ml để thuận tiện cho người dân mua và mang về dùng.
Đến hiểm họa về sức khỏe!
Việc không đóng gói bao bì cẩn thận và không dán tem nhãn cho các sản phẩm rượu có thể gây khó khăn trong việc kiểm soát nguồn gốc và chất lượng của sản phẩm. Trong trường hợp xảy ra ngộ độc rượu cũng sẽ gây nhiều khó khăn trong quá trình điều trị cho người bệnh. Trên thực tế, có nhiều trường hợp sau khi uống các loại rượu quê tự nấu từ gạo, ngô đã có hiện tượng đau đầu, chóng mặt, nôn mửa, nếu ngộ độc nặng có thể dẫn đến tử vong. Lí do có thể là do họ đã uống phải “rượu rởm” được làm từ cồn công nghiệp pha loãng với nước lã.
Ông Nguyễn Văn Khiến (62 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Những lần đi nhậu với bạn bè tôi đều uống rượu, gọi là có chút men cay để vui hơn. Có lần uống rượu trắng thấy thơm, kiểu như mùi rượu nấu từ gạo, uống vào rất êm. Tuy nhiên, một lần khác tôi uống phải chén rượu có vị cay nồng, uống xong 2 chén thấy choáng váng và đau đầu. Từ đó đến nay, tôi cũng hạn chế uống rượu trắng, chỉ uống khi mua từ nhà người quen tự nấu thôi”.
![]() |
Một số nghiên cứu khoa học cho thấy, rượu giả có thể chứa một số chất kịch độc trong thành phần, ví dụ như: Chloroform - chất gây hôn mê, hoặc chất độc ở mức độ cao hơn như methanol - một chất dùng để chống đông. Vì vậy, đối với các loại rượu không có nhãn mác rõ ràng hoặc được bán với mức giá khá thấp, người tiêu dùng nên cẩn trọng để không mua phải sản phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và gia đình, nhất là dịp trước và trong Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sắp tới, khi nhu cầu sử dụng rượu tăng cao.
Theo điều 22, chương 4, Nghị định 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ, các hành vi như: Sản xuất, kinh doanh rượu không có giấy phép do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp; sản xuất, mua bán, tiêu thụ sản phẩm rượu nhập lậu, rượu giả, rượu nhái nhãn mác, kiểu dáng, không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng theo các quy định của pháp luật; lưu thông, tiêu thụ các sản phẩm rượu không ghi nhãn bao bì hoặc ghi nhãn không đúng quy định, không đăng kí bản công bố hợp quy, không dán tem theo quy định của pháp luật đều bị xử phạt. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà sẽ bị xử lí kỉ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Người cao tuổi về hành vi bán rượu tự nấu không có nhãn mác, luật sư Phạm Kỳ Dương (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Theo Khoản 1 điều 6 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP quy định: Rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu phải được dán tem và ghi nhãn hàng hóa theo quy định, trừ trường hợp rượu được sản xuất thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại”.
Đồng thời, hành vi “trưng bày, mua, bán, lưu thông, tiêu thụ các loại rượu không có tem, nhãn đúng quy định của pháp luật, rượu không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng” là một trong các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại điều 7 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP - Luật sư Dương chia sẻ thêm.
Trao đổi về mức phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa theo quy định phải có nhãn hàng hóa mà không có nhãn hàng hóa; không có nhãn gốc hoặc có nhãn gốc nhưng bị thay đổi, luật sư cho biết theo khoản 4, điều 31 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP, có thể áp dụng mức phạt tiền lên đến 60 triệu đồng với mức phạt tăng dần theo mức độ vi phạm.
Hi vọng, khi các nhà sản xuất tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về chế biến, kinh doanh rượu đồng thời người tiêu dùng kiên quyết nói “không” với các loại rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không dán tem nhãn thì người người, nhà nhà sẽ đón Tết Quý Mão 2023 an toàn và vui vẻ.