Kì 1: Đời sống tinh thần vô cùng quan trọng
Do công việc, tôi có điều kiện gặp nhiều NCT trong các môi trường sống. Nhiều người có điều kiện sống tốt và hạnh phúc, nhưng không ít người tuy vật chất đầy đủ mà vẫn rất cô đơn. Họ cô độc ở trong chính gia đình của mình; cô đơn bên con cháu. Và rốt cuộc lại cô độc tại các trung tâm dưỡng lão…
Trung tâm dưỡng lão Thiên Đức tại tỉnh Vĩnh Phúc vào một buổi sáng khi tôi đến. Mọi người vừa ăn sáng xong đang ngồi túm năm, tụm ba trò chuyện, có nhóm còn hát cho nhau nghe rất vui. Tuy nhiên, ở trong nhà, ngoài sân hay ở hành lang vẫn có NCT ngồi lặng lẽ. Tôi hỏi một cụ: Tại sao cụ không tham gia cùng mọi người? Cụ chỉ lắc đầu. Hỏi ra, tôi biết cụ là Trần Thị Sâm, 85 tuổi, quê ở Nam Định. Tuy tuổi cao nhưng sức khỏe của cụ khá tốt, vẫn tự sinh hoạt cá nhân, không nhờ đến sự hỗ trợ của nhân viên chăm sóc. Cụ kể: “Ở nhà tôi vẫn nấu cơm, cho gà ăn và dọn dẹp nhà cửa giúp con cháu… Thế rồi mấy tháng trước chúng bảo tôi đã vất vả cả đời rồi nên cho tôi vào đây để dưỡng tuổi già”.
Cụ Sâm có 5 người con, 3 người là cán bộ nhà nước, 2 người làm kinh doanh, kinh tế đều khá giả. Cụ Sâm vào trung tâm dưỡng lão đã được 5 tháng (một trung tâm có điều kiện vật chất tốt cho NCT), nhưng chưa bao giờ vui. Phần lớn thời gian cụ ngồi quan sát mọi người hay thẫn thờ một mình. Cụ bộc bạch: “Tôi nhớ con cháu lắm, tôi không muốn ở đây, tôi muốn về!”. Nhìn nét mặt buồn rượi của cụ tôi hiểu, mặc dù được chăm sóc chu đáo nhưng với cụ ở nhà dưỡng lão như một cực hình vì úc nào cũng trong tâm trạng buồn bã.

Cụ Trần Thị Đài và một người bạn tại trung tâm dưỡng lão
Giống như cụ Sâm, bà Hoàng Thị Thống, 73 tuổi, quê Thanh Hóa suốt ngày ngồi trên ghế nhìn ra không gian xung quanh với vẻ mặt buồn rượi. Bà bảo nhớ con gái và em gái - đó là những người thân thiết nhất còn lại trên đời. Bà bảo, muốn đi với nó cho dù khó khăn, vất vả… Nhưng con gái bà nói không được! Không biết vì cuộc sống khó khăn hay vì lí do nào khác, mỗi năm con gái bà Thống chỉ đến thăm mẹ một lần, mặc bà lặng lẽ sống trong trung tâm dưỡng lão như một cái bóng.
NCT không thích thay đổi mà cần sự ổn định. Thay đổi môi trường sống với họ là sự xáo trộn quá lớn. Nhiều người có thể vượt qua để thích nghi nhưng phần lớn họ đã không thể, thậm chí có người ngày càng suy sụp.
Nhiều người ở các miền quê ra thành phố buôn bán, làm việc… rồi định cư. Khi có điều kiện, họ thường đón cha mẹ ở quê ra sống cùng gia đình. Tuy nhiên, điều này đã ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của NCT. Có người dần thích nghi và hòa nhập, nhưng có người không bao giờ quen được với cuộc sống thị thành. Bà Thành 72 tuổi ở một chung cư tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Niềm vui lớn nhất của tôi bây giờ là được về quê”. Mỗi dịp nghỉ lễ, tết được về quê chơi bà Thành đều không muốn đi nữa. Nhưng anh con trai không đồng ý: “Bà già rồi ở nhà một mình con cháu không yên tâm”. Mang tiếng là ở với con cháu nhưng bà Thành rất cô đơn. Bà không biết chơi với ai, suốt ngày một mình trong căn hộ trên tầng 16 chờ con cháu về. Thậm chí, tối về các cháu cũng rất ít khi trò chuyện với bà vì còn bận học hành và “chúi đầu” vào smat phone.
Tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh có ông Xíu Dì Tình, 74 tuổi, dân tộc Dao, quê ở Ba Chẽ - Tiên Yên. Ông bị mù cả hai mắt nên thường ngồi một chỗ. Ông từng có vợ và 3 con, nhưng họ đã sang Trung Quốc từ lâu rồi. Trong lòng ông luôn canh cánh một nỗi buồn: “Nhiều người ở đây thường về quê vào những dịp tết. Tôi vào Trung tâm 6 năm nhưng chưa một lần về. Tôi buồn lắm. Ở quê vẫn còn anh em, họ cũng già hết rồi. Các cháu thỉnh thoảng gọi điện hỏi chứ chưa bao giờ đến thăm tôi đâu!”.
Ông Nguyễn Văn Thăng sống một mình trong căn nhà hai tầng tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Trước đây, ông làm giám đốc một công ty xây dựng. Hiện tại lương hưu đủ sống. Hai người con của ông đã xây dựng gia đình, một ở TP Hồ Chí Minh và một ở Hà Nội. Hai năm trước, vợ ông Thăng qua đời. Ông sinh buồn chán và hay uống rượu. Hai con về đón bố ra thành phố. Tuy nhiên, ở nhà con nào cũng chỉ được 2 tuần là ông kiên quyết ra bến xe về quê.
Theo các chuyên gia, tình trạng cô đơn của NCT bắt nguồn từ những cô lập, tách rời với những người thân trong gia đình, bạn bè. Sự cô lập ấy có thể bắt nguồn từ chính nội tâm mà cũng đến từ các yếu tố bên ngoài qua sự tương tác của hai phía, trong và ngoài. Một số người nghỉ hưu, sau một thời gian “đi đây đi đó”, lại trở về với sự cô đơn buồn chán. Đó là đối với người có điều kiện tài chính. Riêng những người sống ở những nơi hẻo lánh, hay không có tiền của, sự buồn bã càng nhiều hơn. Ngoài ra, các nguyên nhân khác như nghiện ngập, không chăm sóc sức khoẻ, vệ sinh cá nhân, ăn uống không điều độ, cũng là một trong những nguyên nhân gây nên sự đơn độc ở NCT...
Kim Long